Xây dựng thương hiệu cá dứa Cần Giờ

Trong sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng đã được thành phố xác định để phát triển, khô cá dứa Cần Giờ là một trong những sản phẩm sẽ được xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý…

Nông dân thu hoạch cá dứa từ ao nuôi tại xã Lý Nhơn.
Nông dân thu hoạch cá dứa từ ao nuôi tại xã Lý Nhơn.

Được coi là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất ở vùng bán đảo Cần Giờ, cá dứa từ lâu đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, để săn được loài cá nước lợ này là cả một kỳ công. Cùng họ với cá tra, ba sa nhưng cá dứa cũng có nhiều điểm khác như đuôi mầu vàng óng ánh. Có nhiều con đuôi còn thêm vệt mầu đỏ nhạt, xen mầu vàng. Khi sinh sống trong tự nhiên, con trưởng thành thường có trọng lượng khoảng từ 4 đến 5 kg. Cá lớn hơn 10 kg ít gặp, chỉ ở vùng nước sâu. Nhiều tỉnh tại Tây Nam Bộ cũng có cá dứa, nhưng chỉ có ở Cần Giờ thịt mới thơm ngon. Khu vực này hiện vẫn còn nhiều cánh rừng mắm, rừng sác, rừng dừa nước… là nơi trú ngụ lý tưởng và kiếm mồi của loài cá dứa. Khoảng 15 năm trở lại đây, tại các xã như: Lý Nhơn, Long Hòa, Cần Thạnh, An Thới Đông… đâu đâu cũng có người theo nghề câu, chế biến và kinh doanh khô cá dứa. Đời sống của người dân khá lên từng ngày. Chính quyền địa phương cũng đánh giá nghề thu mua và chế biến đặc sản này là chủ lực, song song với nuôi trồng thủy sản.

Gia đình ông Tám Long (xã Long Hòa) mưu sinh với nghề đánh bắt đã hơn 20 năm. Hồi trước, cá dứa nhiều ăn không hết, cho nên phải làm khô mặn biếu họ hàng ở xa vào dịp Tết. Chẳng biết có bí quyết gì mà khô do ông Tám Long làm rất ngon, du khách gần xa ăn đều… mê mẩn. Sau này, xóm giềng còn mang cá tươi đến nhờ ông làm khô để làm quà hoặc dành mùa biển động. Ông Tám kể, nghề câu cá dứa tốn nhiều công sức, vất vả nhưng thành quả lao động thì… “hên xui”. Đi câu phải theo con nước, thường chia theo những ngày trong tháng như từ mồng 6 đến 12 và 21 đến 27 âm lịch (từ tháng 8 đến tháng Chạp), đây là thời điểm cá cắn câu nhiều nhất trong tháng. Thông thường là vậy nhưng những ngày nước lớn (khoảng từ 30 đến mồng 7), khi đỉnh triều dâng cao là lúc dân câu chuẩn bị mồi, nhu yếu phẩm… Ông cho biết, vào mùa, trung bình mỗi ngày câu được khoảng 10 kg cá, bỏ túi hơn ba triệu đồng. “Nghe vậy ai cũng bảo thu nhập “khủng” nhưng đâu biết được công việc khó khăn thế nào, chưa kể những lúc mưa bão, đối mặt với những hiểm nguy, không thể nói trước được điều gì”, ông Tám giãi bày. Cá dứa vừa câu lên, còn giãy đành đạch được cơ sở chế biến khô thu mua với giá từ 330 đến 380 nghìn đồng/kg, tùy vào thời điểm. Giá cao là vì nguồn cá tự nhiên rất hiếm, thịt cá ngon khó cưỡng, vị ngọt dai so với các loài cá da trơn khác. Miếng ngon đồn xa, dần dần khô cá dứa Cần Giờ đã trở thành đặc sản với không chỉ du khách trong nước du lịch đến Gần Giờ mà cả du khách nước ngoài cũng ưa thích, qua bạn bè và đồng nghiệp, họ đặt hàng mua với số lượng lớn. Đến nay, khô cá dứa Cần Giờ đã xuất khẩu đến hơn 10 nước, trong đó có: Mỹ, Ca-na-đa và các nước châu Âu…

Hiện ở Cần Giờ có gần 70 cơ sở làm khô cá dứa, trong đó có cả công ty sản xuất cá dứa xuất khẩu. Để chủ động nguồn nguyên liệu, từ năm 2009, huyện Cần Giờ đã xây dựng mô hình nuôi thí điểm cá dứa. Những điểm được chọn nuôi là hai xã An Thới Đông và Lý Nhơn. Tuy nhiên, nuôi cá dứa không hề đơn giản. Bà Nguyễn Thị Nhiệm, Trưởng ban quản trị Hợp tác xã Thuận Yến, đơn vị đang nuôi cá dứa thí điểm tại xã An Thới Đông chia sẻ: “Cá dứa rất khó nuôi. Chưa ai thành công trong việc đem cá giống trong tự nhiên về nuôi. Ngay cá giống ép từ cá bố mẹ đã thuần dưỡng thì nuôi cũng không dễ dàng. Tuy nhiên theo tính toán tạm thời, tỷ lệ hao hụt 20% là chấp nhận được”. Tuy khó nuôi nhưng hầu hết các hộ nuôi cá dứa đều đạt được lợi nhuận khá cao. Cá dứa tươi tự nhiên, lúc rộ mùa có giá từ 170 đến 180 nghìn đồng/kg. Cá dứa loại 1, tại các nhà hàng đặc sản thì giá lên tới 290 đến 300 nghìn đồng/kg. Để làm khô, 2 kg cá tươi được 1 kg cá khô một nắng và 2,5 ký cá tươi mới được 1 kg cá khô hai đến ba nắng. Do vậy, giá khô cá dứa ít nhất cũng phải từ 340 đến 380 nghìn đồng/kg. Một cán bộ Hội Nông dân huyện Cần Giờ chia sẻ, so với tôm, cá dứa có giá cao gấp đôi, còn so với việc làm muối, một nghề truyền thống khác ở Cần Giờ, lợi nhuận từ con cá dứa mang lại gấp trăm lần. Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố nhận xét, các mô hình nuôi tôm, cua, cá dứa, chim yến… ở huyện Cần Giờ đang mang lại hiệu quả cao, đề nghị huyện cần nhân rộng các mô hình, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất giống thủy sản, tạo ra sản phẩm chất lượng cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững kết hợp du lịch sinh thái và gắn với dịch vụ đầu ra như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Trong đó, huyện cần nghiên cứu xác định đúng giống cá dứa thông qua giải mã, xác định gien và quy trình sinh sản, nhân giống, xây dựng thương hiệu cá dứa giống Cần Giờ.