Tín hiệu lạc quan từ dòng vốn FDI

Trong những tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh mặc dù phải gồng mình để đối phó với dịch Covid-19 nhưng trong hoạt động thu hút đầu tư từ nguồn vốn FDI vẫn đạt được những kết quả tích cực. Kết quả này một lần nữa khẳng định quyết tâm của thành phố trong cải thiện môi trường đầu tư, cũng như niềm tin của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài khi chọn đầu tư tại thành phố.
Dòng vốn từ các doanh nghiệp FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái.
Dòng vốn từ các doanh nghiệp FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái.

Điểm sáng trong thu hút FDI

Theo Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX - KCN) thành phố (Hepza), bốn tháng đầu năm nay, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thành phố nói riêng và cả nước nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, diễn biến của dịch vẫn còn phức tạp, khiến không ít DN đang gánh chịu rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hoạt động thu hút đầu tư từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đạt được những kết quả tích cực. Bốn tháng qua, tổng vốn đầu tư thu hút (nguồn vốn cấp mới và điều chỉnh vốn) tại các KCX - KCN trên địa bàn thành phố đạt 192,9 triệu USD, tăng 2,18 lần so với cùng kỳ năm 2019, trong đó 12 dự án đầu tư hiệu quả trước đó được các nhà đầu tư điều chỉnh tăng vốn thêm 60,51 triệu USD. Nhìn dài hơn, từ năm 2017 đến nay, TP Hồ Chí Minh là một trong số ít các địa phương có hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ổn định và có mức tăng trưởng tốt trong cả nước. Năm 2017, thành phố thu hút được gần 7.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 44,5 tỷ USD, chiếm khoảng 13,9% tổng vốn FDI của cả nước. Năm 2018, 2019, thành phố dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này với tổng vốn đạt 7,39 tỷ USD trong năm 2018 (tăng 11,8% so với cùng kỳ) và 8,3 tỷ USD trong năm 2019, tăng 39,45% so với cùng kỳ năm 2018.

Đánh giá về những kết quả trong thu hút FDI, UBND thành phố cho rằng, tác động từ những dòng vốn FDI là nguyên nhân quan trọng giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố diễn ra với tốc độ nhanh hơn; tạo ra phương thức sản xuất, phân phối, tiêu dùng hiện đại trong xã hội và giúp hàng trăm nghìn lao động của cả nước có việc làm ổn định. Hiện nay, nhiều DN FDI lớn, có thương hiệu như: Intel, Samsung, Toshiba, Mercedes, Isuzu,… đều có mặt trên địa bàn thành phố tạo ra những bước chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất, phát triển. Thậm chí, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, thì dòng vốn đầu tư tại các KCX - KCN thành phố vẫn giữ được mức tăng trưởng cao, với những con số lạc quan.

Chú trọng môi trường đầu tư

Hepza cho rằng, trong bốn tháng đầu năm, thành phố chỉ có sáu dự án FDI cấp mới, vốn đầu tư đăng ký 5,48 triệu USD, giảm 74,25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc giảm về số lượng này không phải là điều đáng lo ngại bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, việc “chững” lại của các nhà đầu tư là điều dễ hiểu. Nếu nhìn toàn cảnh, hoạt động thu hút FDI của thành phố vẫn có những dấu hiệu lạc quan. Trong đó, đáng mừng nhất là việc thành phố nói riêng và cả nước nói chung đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Đó là một tiêu chí quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm các địa điểm đầu tư mới để giảm rủi ro và đa dạng hóa thị trường. Theo tìm hiểu, nhu cầu thuê mặt bằng có diện tích lớn trong các KCX - KCN của thành phố rất lớn. Đây là động thái để các nhà đầu tư phục vụ cho hoạt động ngành công nghiệp hỗ trợ. Các yếu tố này sẽ tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư của các KCX - KCN thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Có được kết quả khả quan trong thu hút vốn FDI như hôm nay không thể không nhắc đến vai trò của thành phố trong việc tạo ra những giải pháp hiệu quả trong cải cách hành chính, nhất quán các cơ chế, chính sách, cầu thị trong việc chào đón các nhà đầu tư. Thậm chí, để các nhà đầu tư không “phí thời gian” khi đến TP Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội, UBND thành phố còn thành lập tổ công tác liên ngành về đầu tư hỗ trợ, xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư cho DN đến khi dự án được cấp phép hoạt động. Thành phố cam kết giải quyết mọi khó khăn của DN và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối triển khai cũng như tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị và phản hồi đến từng DN. Về định hướng thu hút FDI, thành phố ưu tiên thu hút đầu tư của các DN có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế như công nghệ cao, lĩnh vực thâm dụng khoa học - công nghệ. Do vậy, thành phố thu hút có chọn lọc các tập đoàn, công ty có quy mô lớn, có trình độ khoa học và công nghệ cao vào đầu tư. Qua đó, tạo điều kiện cho các DN công nghiệp hỗ trợ tham gia cung ứng cho các DN này.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm cho biết: Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ DN đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời tăng cường tổ chức đối thoại trực tiếp giữa DN với chính quyền thành phố, tổ chức các chuỗi hội nghị xúc tiến đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thành phố sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư thuộc thẩm quyền thành phố. Trong các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà đầu tư, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố luôn khẳng định, mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho các bên mà còn là một đợt “chấm điểm” cho sự nỗ lực, uy tín mà chính quyền đã thực hiện. Lời hứa của thành phố với các nhà đầu tư còn thể hiện qua việc ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh cho DN.