Tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế

Trong giai đoạn 2016 - 2019 và dự báo năm 2020, kinh tế TP Hồ Chí Minh duy trì và đạt tốc độ tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được cải thiện theo hướng tích cực, hiệu quả. Trên cơ sở đó, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng.

Hệ thống giao thông được đầu tư, hoàn thiện đã góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Hệ thống giao thông được đầu tư, hoàn thiện đã góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Đạt nhiều kết quả tích cực

Theo đánh giá của UBND thành phố Hồ Chí Minh, kinh tế thành phố tăng trưởng khá và ổn định trong giai đoạn 2016 - 2020 với tổng giá trị sản phẩm nội địa (GRDP) giai đoạn này tăng bình quân 8,23%/năm; riêng năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên ước tính tăng khoảng 5%. Ước tính GRDP của thành phố năm 2020 chiếm khoảng 22,8% GDP cả nước; khu vực dịch vụ chiếm hơn 62% GRDP (vượt chỉ tiêu đề ra), khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 24,5%... 

Chất lượng tăng trưởng kinh tế ngày càng được nâng lên, trong đó, tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP tăng dần mỗi năm: Năm 2016 chiếm 35,3%, năm 2020 ước tăng lên 42%. Năng suất lao động đạt bình quân 6,57%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020, cao hơn mức bình quân cả nước; năng suất lao động năm 2020 dự kiến đạt khoảng 333,6 triệu đồng/người, bằng 2,7 lần mức bình quân cả nước. Nhờ vậy, GRDP bình quân đầu người cũng tăng qua các năm: Năm 2020 ước đạt 6.799 USD/người, gấp 1,3 lần năm 2015 và gấp 2,3 lần mức bình quân cả nước. Hoạt động đầu tư trong nước có sự tăng trưởng mạnh, tổng số doanh nghiệp (DN) được cấp phép thành lập mới ước đạt khoảng 209.100 DN với tổng vốn đăng ký khoảng hơn 2,8 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020, tăng khoảng 58% về số lượng DN và tăng 236% về vốn đăng ký so với giai đoạn 2011 - 2015. 

Các khu vực kinh tế, môi trường đầu tư… có chuyển biến đáng mừng, giúp năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành phố được cải thiện đáng kể. Thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày đối với đăng ký mới và từ 10 ngày xuống còn bảy ngày đối với đăng ký điều chỉnh. Thời gian giải quyết thủ tục thành lập DN, thông báo mẫu dấu và đăng ký cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng giảm mạnh hơn, từ chín ngày còn ba ngày. Tỷ lệ DN đăng ký qua mạng in-tơ-nét đạt 70%…

Nhờ khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ nên các ngành dịch vụ đã có mức tăng trưởng cao trong giai đoạn 2016 - 2019. Chẳng hạn, ngành thương mại tăng bình quân 8,89%/năm; ngành thông tin - truyền thông tăng bình quân 8,18%/năm; ngành giáo dục - đào tạo tăng 8,59%/năm; ngành tài chính - ngân hàng tăng hơn 9%/năm… Trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) của thành phố ước tăng hơn 7% nhờ các DN tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị - công nghệ, mở rộng thị trường… Riêng năm 2019, IIP của ngành điện tử - công nghệ thông tin thành phố có mức tăng 20,7% nhờ tiếp thu, áp dụng khoa học - công nghệ - kỹ thuật cao từ các dự án của các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.

Chú trọng chất lượng phát triển

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế bền vững, chủ yếu dựa vào nội lực; hoạt động kinh tế trong dài hạn là dịch vụ và đổi mới - sáng tạo, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế gắn với bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội. Tiếp tục thúc đẩy công tác chuẩn bị đầu tư công viên khoa học và công nghệ; hoàn thiện, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới - sáng tạo với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới - sáng tạo thành phố ngang tầm khu vực; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của DN… 

Cùng với đó, phát triển DN bền vững, hình thành một số DN đạt tầm quốc tế; khuyến khích phát triển các ngành nghề sản xuất - kinh doanh tạo động lực trực tiếp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, phát triển các kênh tài chính mới để giảm dần sự phụ thuộc của DN vào vốn vay ngân hàng.

GS, TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần sớm hình thành và trở thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực vì các điều kiện, yếu tố đã đầy đủ. Hệ thống tài chính thành phố cần được phát triển đồng bộ như: Phát triển hệ thống các thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu, cổ phiếu; phát triển công nghệ quản lý tài sản; phát triển các dịch vụ tài chính; tăng cường mạng lưới toàn cầu của công nghệ tài chính; hoàn thiện hệ thống giám sát và các quy định tài chính…
 
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trong đó, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ; phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, có ứng dụng công nghệ 4.0… nhằm tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, có lợi thế nguồn nguyên liệu trong nước, có hàm lượng công nghệ cao… Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo hướng ngày càng thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng hơn cho nhà đầu tư, DN.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố sẽ tăng cường hơn nữa sự công khai, minh bạch thông tin phục vụ người dân, DN; tăng cường chất lượng dịch vụ hỗ trợ DN; hoàn thiện quy trình thủ tục hành chính; tăng cường khả năng tiếp cận đất đai; nâng cao hiệu quả thực thi các thiết chế pháp lý. Các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để cải thiện từng chỉ số cấu thành Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chú trọng thu hút các nguồn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao gắn với việc chuyển giao công nghệ, nội địa hóa sản phẩm và hình thành chuỗi giá trị toàn cầu… 

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho rằng, thành phố cần làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư, cần chủ động ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư với thứ tự ưu tiên cụ thể và chủ động đề xuất các dự án đầu tư. Làm được vậy sẽ giúp huy động tốt hơn nguồn lực từ xã hội, lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt và bảo đảm hiệu quả của dự án đầu tư.