Quận 2 tập trung quản lý và phát triển đô thị

Khoảng mười năm trở lại đây, với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, bộ mặt quận 2 mỗi ngày thêm khang trang với hàng trăm khối nhà cao tầng mọc lên san sát. Hàng chục con đường kết nối với quận 1, quận 7, quận Bình Thạnh và phía đông xa lộ Hà Nội… đã phá vỡ thế độc đạo, thu hút các nhà đầu tư, đưa quận 2 vào trọng tâm phát triển của thành phố. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu đang đặt ra với quận 2 là tập trung quản lý và phát triển đô thị.

Khu đô thị mới văn minh, hiện đại ở quận 2 đang dần hình thành rõ nét.
Khu đô thị mới văn minh, hiện đại ở quận 2 đang dần hình thành rõ nét.

Hẳn nhiều người dân TP Hồ Chí Minh, nhất là người dân quận 2 còn nhớ: Năm 1998, khi TP Hồ Chí Minh kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển thì quận 2 mới được tách ra một năm với dân số ít ỏi, người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp trên diện tích 5.000 ha chằng chịt kênh rạch, dừa nước.

Chị Nguyễn Thị Tươi, một người dân “gốc” ở quận 2 nhớ lại, khi chưa xây cầu và đường hầm vượt sông Sài Gòn, người dân muốn sang quận 1 làm ăn, buôn bán phải qua phà Thủ Thiêm. Ai muốn nhanh thì đi đò ngang gần chân cầu Khánh Hội. Những người ngại qua sông thì phải đi vòng tít tận cầu Sài Gòn, vượt cầu Đen rồi mới qua đường Trần Não, con đường to, đẹp nhất quận 2 khi đó.

Có thể nói, hơn mười năm về trước, quận 2 là một “ốc đảo”, cả ba bề đều là sông nước, hạ tầng kinh tế-xã hội và đô thị được các chuyên gia đánh giá là “vùng trũng” của TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Đức, một người dân sống tại phường Cát Lái từ năm 1978 nhớ lại, trước kia, mỗi lần “ngóng” qua sông lại thấy chạnh lòng. Bên quận 1 nhà cao tầng san sát, đèn điện sáng trưng, còn phía quận 2 thì vừa nghèo, vừa tối. “Nào có xa xôi gì, con sông Sài Gòn rộng chỉ vài trăm mét, vậy mà phát triển chênh lệch nhau quá trời”, ông Đức nói.

Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 2, khi mới thành lập (năm 1997), toàn quận có gần 36 nghìn hộ dân, chủ yếu làm nông nghiệp, buôn bán nhỏ, đời sống thiếu thốn. Sau mười năm nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, năm 2013, quận 2 vẫn còn 2.800 hộ nghèo (theo tiêu chí của thành phố, có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm). Thanh niên thiếu việc làm, nhiều em nhỏ phải bỏ học giữa chừng, đi làm trước tuổi để tự kiếm sống.

Trước những khó khăn, thiếu thốn, lãnh đạo quận 2 qua các thời kỳ đã bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện cụ thể của quận với tinh thần chủ động, trách nhiệm, nỗ lực cao; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tập trung giảm nghèo bền vững và đô thị hóa.

Qua quận 2 bây giờ không còn cảnh lụy đò. Các cây cầu hiện đại như Thủ Thiêm, Phú Mỹ, nhất là đường hầm vượt sông Sài Gòn và những con đường to rộng như Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định, Cát Lái… cho ta cảm nhận về một quận 2 đang vươn mình lớn dậy cùng với sự phát triển năng động của cả thành phố. Hạ tầng dù chưa hoàn thiện, nhưng tốc độ đô thị hóa thì nhanh đến chóng mặt. Mầu xanh của bạt ngàn dừa nước, cỏ dại năm xưa nay đã nhường dần cho mầu sơn của hàng trăm ngôi nhà cao tầng mới.

Theo điều chỉnh quy hoạch chung quận 2 đến năm 2020 đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt, các khu đô thị hiện đại đang được hình thành, kết cấu hạ tầng đang hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị phía đông của phố phát triển nhanh, đúng hướng.

Từ năm 2010 đến nay, quận 2 đã cấp 44.558 giấy phép cho các công trình riêng lẻ của người dân với tổng diện tích sàn 965.072 m2; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất đạt 36.956 hồ sơ. Thực hiện bồi thường, hỗ trợ 14.340 hồ sơ với số tiền 17.073 tỷ đồng, diện tích thu hồi 715,9 ha đất. Việc tái định cư cũng được quận quan tâm thực hiện, bảo đảm ổn định cuộc sống, quyền và lợi ích cho người bị thu hồi đất. Đến nay, đã bố trí tái định cư cho 1.658 căn hộ chung cư và 349 nền đất; hỗ trợ giải quyết việc làm cho 1.844 hộ gia đình.

Phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách, nhất là chương trình giảm nghèo, cũng đã đạt nhiều kết quả tốt. Quận ủy quận 2 khẳng định, đến tháng 8-2015, quận 2 sẽ không còn hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm. Để xóa nghèo bền vững, quận 2 chủ trương đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho thanh niên; hỗ trợ các hộ về vốn, kỹ thuật để chuyển đổi nghề hoặc phương thức canh tác nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả…

Bí thư Quận ủy quận 2 Nguyễn Văn Hiếu cho biết, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ quận 2 nhiệm kỳ 2015-2020 vừa được tổ chức, quận đã nghiêm túc đánh giá đúng mức kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Rút kinh nghiệm cả quá trình xây dựng, phát triển suốt 18 năm qua, quận 2 nhận thấy tốc độ phát triển kinh tế của quận tuy đạt cao, nhưng chưa bền vững. Quy mô doanh nghiệp trên địa bàn quận chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công tác quản lý trật tự, mỹ quan đô thị còn nhiều bất cập. Việc giải tỏa, đền bù thực hiện các dự án trọng điểm vẫn còn để xảy ra tình trạng khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Các hoạt động văn hóa, thể thao, an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Về phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến năm 2020, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu quận 2 cần nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát huy lợi thế không gian, cảnh quan môi trường; khai thác thật tốt lợi thế đất đai, nâng cao năng lực quản lý, không để phá vỡ quy hoạch, ngăn chặn triệt để tình trạng xây dựng không phép, từng bước hình thành khu đô thị văn minh kiểu mẫu của thành phố và cả nước. Cùng với đó, quận 2 cần có những cách làm hiệu quả để giảm nghèo căn cơ, chú trọng công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người dân, nhất là lực lượng lao động trẻ…