Kiểm soát chặt nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Nhờ thường xuyên triển khai các kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, nhiều vụ việc vi phạm đã bị các lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh phát hiện, xử lý. Thực tế cũng cho thấy, đối tượng vi phạm luôn có nhiều chiêu thức để tránh né, do vậy,  các cơ quan chức năng càng phải quyết liệt, tăng cường phối hợp hiệu quả hơn trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này…

Lực lượng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phát hiện kho hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Lực lượng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phát hiện kho hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Nhiều chiêu thức, thủ đoạn mới 

Trong năm 2020, các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (lực lượng 389) TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý 25.538 vụ vi phạm, giảm đến 45,39% so với năm 2019. Trong đó, có 2.769 vụ hàng cấm, hàng nhập lậu; 21.804 vụ gian lận thương mại; 965 vụ hàng giả và đã khởi tố 113 vụ án. 

Riêng Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, triệt phá 1.081 vụ với 1.074 đối tượng trong năm 2020. Tổng giá trị hàng hóa tạm giữ khoảng 150 tỷ đồng, tổng số tiền xử phạt hơn 20 tỷ đồng. Trong quý I - 2021, PC03 phát hiện, triệt phá 341 vụ, 358 đối tượng; xử lý 128 vụ, 129 đối tượng với trị giá hàng hóa tạm giữ hơn 269 tỷ đồng, tổng số tiền xử phạt 3,8 tỷ đồng.

Theo nhận định của PC03, năm 2020, tình hình buôn lậu hàng giả, hàng cấm vẫn diễn biến phức tạp qua đường biển, đường bộ với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Một số cá nhân thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác gia công, lắp ráp ở công đoạn đơn giản. Các sản phẩm này không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước hoặc xuất khẩu nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Ngoài ra, một số hàng hóa có xuất xứ nước ngoài chuyển qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ, hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất sang nước thứ ba và thẩm lậu trở lại TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, năm 2020, đơn vị này phối hợp các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 1.500 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 1.500 tỷ đồng. Trước đây, các đối tượng thành lập đường dây buôn lậu vận chuyển hàng trái phép với quy mô lớn, nhưng hiện nay chuyển sang tổ chức buôn lậu theo phương thức nhỏ lẻ với thủ đoạn tinh vi hơn. Các đối tượng lợi dụng việc vận chuyển trên đường để rút ruột hoặc đánh tráo hàng hóa; đưa hàng hóa sang biên giới hoàn thành thủ tục quá cảnh sau đó tìm cách nhập lậu ngược lại Việt Nam.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp tổ chức thuê kho của các công ty lớn có uy tín lâu năm trên thị trường để làm nơi cất giấu hàng hóa nhập lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… với số lượng lớn. Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng tổ chức sản xuất, kinh doanh mặt hàng khẩu trang, găng tay y tế giả nhãn hiệu, kém chất lượng với số lượng lớn…

Đấu tranh đúng trọng tâm, trọng điểm

Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng công khai, tràn lan trên không gian mạng. Khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với quốc tế, các đối tượng có nhiều cơ hội móc nối để buôn lậu xuyên quốc gia, gia tăng tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm liên quan công nghệ cao, xuất hiện nhiều tội phạm lợi dụng về nguồn gốc xuất xứ để đưa hàng hóa vào EU, Nhật Bản, Mỹ với tư cách là hàng Việt Nam. 

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các kế hoạch chuyên đề, tập trung đấu tranh với việc lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm, việc thành lập các công ty “ma” để buôn lậu, trốn thuế quy mô lớn, gửi hàng hóa qua chuyển phát nhanh; phân cấp trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân quản lý lĩnh vực, địa bàn một cách rõ ràng, gắn với trách nhiệm cụ thể.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, Ban Chỉ đạo 389 thành phố cần tiếp tục tập trung triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021 và các kế hoạch chuyên đề,… đặc biệt chú ý các mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng sở, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo 389 thành phố, đồng thời gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát từ cấp thành phố đến quận, huyện, phường, xã; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm. Ban Chỉ đạo 389 thành phố cần chủ động thực hiện tốt công tác phối, kết hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn, nhất là lực lượng công an, hải quan, quản lý thị trường, biên phòng để phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, bắt giữ, xử lý các vụ việc có tính chất phức tạp, nguy hiểm. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng yêu cầu các lực lượng chức năng tập trung tổ chức đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm theo nhiệm vụ được giao. Theo đó, lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng thành phố có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn tại cửa khẩu. Lực lượng công an thành phố tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, nhất là từ khu vực biên giới Tây Nam về TP Hồ Chí Minh. Lực lượng quản lý thị trường thành phố tăng cường kiểm tra vận chuyển, chứa trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả trên thị trường nội địa, chú trọng kiểm tra mặt hàng xăng dầu. Lực lượng công an, quản lý thị trường thành phố cần phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với lực lượng chức năng các địa phương giáp ranh TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan…