Doanh nghiệp vượt khó

Đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) tìm cách chuyển đổi sản phẩm, sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều DN đã có sự chuyển mình tích cực, bước đầu gặt hái thành công ngoài mong đợi…

Công ty TNHH MTV Mỹ phẩm thiên nhiên 3NC đưa ra thị trường nước rửa tay kháng khuẩn và đẩy mạnh phát triển hệ thống đại lý kinh doanh trực tuyến.
Công ty TNHH MTV Mỹ phẩm thiên nhiên 3NC đưa ra thị trường nước rửa tay kháng khuẩn và đẩy mạnh phát triển hệ thống đại lý kinh doanh trực tuyến.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, doanh thu bị sụt giảm hơn 90%, tưởng chừng phải đóng cửa như nhiều tiệm hoa khác ở TP Hồ Chí Minh, thế nhưng Qualá, một thương hiệu hoa tươi ở quận 1 đã tìm lối thoát cho mình. Thương hiệu này đã kết hợp giữa hoa tươi và cà-phê tạo thành món quà tặng mang tên “Hoa Coffee” cùng những lời chúc ngộ nghĩnh cho ngày mới đầy năng lượng.

Để bảo đảm chất lượng, tiệm trau chuốt từ phần nước uống đến phần hoa, cùng một ly nhưng tách biệt hoàn toàn để người dùng yên tâm về vấn đề vệ sinh. Đại diện Qualá Phan Nhật Minh chia sẻ: “Chúng tôi không thể chờ hết dịch mà phải vận động, tìm lối thoát cho chính mình. Dịch bệnh đã làm giảm mạnh nhu cầu mua hoa trao tặng mỗi ngày, do vậy sản phẩm của chúng tôi nhằm giúp những người cách ly ít có cơ hội gặp nhau vẫn có thể quan tâm và chia sẻ cảm xúc qua những ly cà-phê hoa yêu thương. Dịch bệnh vừa là thách thức, vừa là cơ hội để chúng tôi thay đổi bộ máy vận hành, thôi thúc DN suy nghĩ nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn”. Với lối rẽ khác biệt của mình, "Hoa Coffee" không chỉ giúp Qualá duy trì hoạt động trong thời điểm khó khăn, mà còn trở thành điểm độc đáo để DN khởi nghiệp này đẩy mạnh sản phẩm sau khi đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường.

Trong cái khó ló cái khôn, từ công thức làm giày bằng bã cà-phê, nhà sáng lập của ShoeX Lê Thanh lóe lên ý tưởng sản xuất khẩu trang cà-phê (AirX) có thể tái sử dụng. Theo dõi tin tức về dịch bệnh, anh Thanh nhận thấy thế giới đang vứt hàng triệu khẩu trang dùng một lần. Khẩu trang sản xuất từ sợi cà-phê sẽ bảo đảm tính kháng khuẩn có thể tái sử dụng nhiều lần, tiết kiệm cho người dùng và quan trọng nhất là bảo vệ môi trường nhờ khả năng phân hủy sinh học. AirX không chỉ là một cố gắng để DN này ứng phó đại dịch Covid-19, mà còn là giải pháp bền vững để góp phần bảo vệ môi trường.

Sau thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, cuối cùng chiếc khẩu trang từ bã cà-phê đã ra đời. “Rất nhiều khó khăn để “đứa con” tinh thần chào đời trong lúc này như tìm màng lọc có thể thay thế, nguyên vật liệu có khả năng phân hủy; nhân công sản xuất; gửi mẫu ra nước ngoài kiểm nghiệm… Khi tất cả qua đi, sản phẩm được nhiều người đón nhận, chúng tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Khẩu trang cà-phê không chỉ là cứu cánh cho DN lúc khó, mà còn là sản phẩm để công ty chinh phục thị trường xuất khẩu. Hiện, chúng tôi đang có kế hoạch dài hơi để đưa khẩu trang cà-phê xuất khẩu. Khẩu trang cà-phê đang rất phù hợp nhu cầu của xã hội, chúng tôi sẽ không ngừng nghiên cứu và phát triển để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu đó”, anh Lê Thanh chia sẻ.

Nhiều DN kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu như các món ăn vặt, mỹ phẩm… phần lớn đều lao đao sau thời gian tạm ngừng hoạt động. Bằng nhiều cách, họ tự vực lại chính mình bằng cách tạo ra sản phẩm mới, thay đổi cách bán hàng truyền thống sang bán hàng trên mạng, giao hàng tận nơi.

Chủ quán trà sữa 1st Tea Trần Thị Kim Thoa cho biết đã có sáng kiến bán nguyên liệu trà sữa từng phần tương ứng từ ba đến năm ly, nguyên liệu vừa đủ và công thức sẵn có, khách mua về tự chế biến theo ý thích. Giám đốc Công ty TNHH MTV Mỹ phẩm thiên nhiên 3NC Nguyễn Thị Ngọc Như cho hay, với mục tiêu mở rộng mặt hàng kinh doanh thích ứng thị trường trong mùa dịch bệnh, công ty sớm đưa ra thị trường mặt hàng nước rửa tay kháng khuẩn, đẩy mạnh phát triển hệ thống đại lý kinh doanh trực tuyến.

Dịch Covid-19 không chỉ tạo cơ hội cho startup sáng tạo lối đi riêng, mà còn giúp những người khởi nghiệp biến nhiều ý tưởng thành hiện thực. Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Đầu tư quốc tế CIB Mã Thanh Danh đã đưa ý tưởng sàn thương mại điện tử bình ổn giá chống hoảng loạn thành hiện thực hồi giữa tháng 4 vừa qua. “Ý tưởng ấp ủ khi tôi thấy nhiều người xếp hàng chờ mua khẩu trang, nước rửa tay hàng giờ mà không mua được. Nếu chúng ta mua dự trữ thì nhà máy sản xuất không thể nào đáp ứng đủ. Sàn thương mại điện tử bình ổn giá ra đời vận hành trên cơ sở phân phối hàng hóa theo đúng cung cầu thực tế. Theo đó, mỗi người mua sẽ được cấp tài khoản từ số điện thoại, mua hàng trong giới hạn nhu cầu trong mỗi tuần, mỗi tháng và có thể đặt mua hàng cho khoảng thời gian tương ứng tiếp theo. Trường hợp khách hàng có nhu cầu tăng đột biến (đau ốm), hoặc với một số hàng hóa đặc biệt hơn như khẩu trang, nước rửa tay, thuốc... sẽ được xác thực nhu cầu và cho phép mua nhiều hơn”, ông Danh giải thích…

Thực tế cho thấy, các ngành có khả năng phát triển tích cực trong thời gian dịch bệnh như: Công nghệ tài chính; giáo dục trực tuyến; công nghệ sinh học; kinh doanh trực tuyến; thương mại điện tử; giao nhận thực phẩm, đồ ăn theo bữa; ứng dụng công nghệ thực hiện các phần mềm hợp tác; khám, chữa bệnh từ xa; công nghệ làm sạch… là những gợi ý để DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp có hướng xoay chuyển trong tình thế khó khăn. Quan trọng hơn, DN phải năng động chuyển đổi sản phẩm, tạo ra các sản phẩm theo xu hướng, sáng tạo các sản phẩm phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Trong thời buổi dịch bệnh, khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm, dịch vụ bảo đảm an toàn…