Doanh nghiệp tìm cách thu hút khách hàng, tăng doanh thu

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) nhỏ, DN khởi nghiệp, mà cả những thương hiệu tên tuổi cũng chật vật. Tìm giải pháp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tăng cường thu hút khách hàng… là cách mà nhiều DN đã nghĩ đến và thực hiện trong bối cảnh khó khăn lúc này…

Otoke Chicken đưa ki-ốt ra trước cửa hàng bán cho khách mua mang đi.
Otoke Chicken đưa ki-ốt ra trước cửa hàng bán cho khách mua mang đi.

Thời gian gần đây, cửa hàng Otoke Chicken trên đường Đào Duy Từ (quận 10) chuyên bán thức ăn nhanh thường kê thêm quầy ki-ốt nhỏ bên ngoài để bán cho những khách hàng mua mang đi. Trước kia, muốn mua sản phẩm, khách hàng phải gửi xe, vào cửa hàng đặt món, chờ đợi khá lâu. Hiện nay, các chi nhánh của hệ thống Otoke Chicken đưa hàng ra tận vỉa hè, khách hàng chỉ cần ngồi trên xe sẽ có nhân viên phục vụ tận nơi. Chưa kể, giá cả cũng rất cạnh tranh, như chiếc bánh mì chỉ có giá 19.000 đồng khi mua mang đi, quầy hàng cũng có thực đơn giới thiệu để khách có nhu cầu lựa chọn thêm món.

Nhiều thương hiệu lớn cũng đã mở thêm các quầy ki-ốt bán hàng “mua mang đi” thay vì phục vụ khách ăn uống tại quán. Cửa hàng McDonald’s trên đường Hoàng Diệu (quận 4), đặt ki-ốt có hambuger và cà-phê trước cửa hàng. Vinacafe lâu nay chỉ sản xuất cà-phê đóng gói, nhưng nay Tổng công ty cà-phê Việt Nam cũng chọn cách “xuống đường” để thu hút khách. Hiện, những xe cà-phê của thương hiệu này tập trung chủ yếu ở hai quận Phú Nhuận và Bình Thạnh được trang trí bắt mắt với mầu vàng chủ đạo, mầu nhận diện của thương hiệu này. Giá của những ly cà-phê “mang đi” cũng khá rẻ, chỉ 12.000 đồng cho cà-phê đen và 14.000 đồng cho cà-phê sữa; hoặc tùy loại lớn nhỏ do khách chọn và giá chỉ dao động tầm 29.000 đến 30.000 đồng/ly.

“Bắt tay” nhau dùng chung mặt bằng để giảm bớt phần nào tiền thuê mướn, lại có địa điểm đắc địa kinh doanh là mục tiêu để chuỗi cà-phê Ông Bầu hợp tác cùng hệ thống nhà hàng Ba Gác. Trên đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận), nhân viên văn phòng khu vực này có thể mua cà-phê Ông Bầu mang đi, hoặc tận dụng khuôn viên nhà hàng Ba Gác nhâm nhi ly cà-phê chỉ có giá 16.000 đồng dưới bóng lộc vừng mát rượi. Đại diện thương hiệu cà-phê Ông Bầu cho hay, việc sử dụng chung mặt bằng, ngoài tiết kiệm chi phí còn giúp tiếp cận nguồn khách hàng của nhà hàng Ba Gác là giới trẻ và nhân viên văn phòng ở khu vực lân cận…

Cà-phê Guta cũng mở quầy ngay trước mặt tiền của siêu thị Co.opSmile, khách mua hàng trong siêu thị có thể thưởng thức cà-phê ngay tại chỗ. Giám đốc Công ty Bách hóa Sài Gòn Co.op (thương hiệu Co.opSmile) Nguyễn Linh Trang cho biết, lợi thế của mô hình này là cung cấp thêm sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng mua sắm tại siêu thị. Bên cạnh đó, việc chia sẻ mặt bằng giúp bên thuê lẫn bên cho thuê tiết kiệm được chi phí, đồng thời dễ dàng khai thác khách hàng của nhau. "Công ty đã triển khai mô hình này tại khoảng 10 cửa hàng Co.opSmile trên toàn thành phố. Kết quả ghi nhận rất khả quan, doanh thu của cả Co.opSmile và các đối tác đều tăng khoảng 30%", bà Linh Trang thông tin thêm. Sắp tới, Co.opSmile sẽ mở rộng hợp tác theo mô hình này với một số đối tác khác cũng trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.

Giám đốc Công ty tư vấn truyền thông N.H Media Nguyễn Trúc Chi cho rằng, việc mở thêm ki-ốt trên phố của nhiều thương hiệu lớn là mô hình khá mới lạ,  trước đó, chỉ những người buôn bán nhỏ lẻ hay tự phát mới tập trung hướng đến. Khi tối đa hóa hết những gì mà mô hình nhà hàng trước đó đã làm, đã đến lúc các thương hiệu cần phải chiếm thêm thị phần từ những nơi khác. Điều mà nhiều “ông lớn” không chú ý lâu nay chính là phương thức bán hàng ngoài lề đường, những nơi đông dân văn phòng cần sự nhanh chóng và tiện lợi. Đó cũng chính là lý do thúc đẩy nhiều thương hiệu lớn trong lĩnh vực ăn uống đưa hàng ra tận cửa, điều mà trước đó họ chưa hề khai thác…

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, mô hình “cửa hàng trong cửa hàng” là một dạng chia sẻ chi phí giữa các nhà kinh doanh và là xu hướng tất yếu của thị trường, mang lại lợi ích cho cả bên cho thuê, bên đi thuê và người tiêu dùng. Các thương hiệu hàng xa xỉ cũng đang chia sẻ chi phí với nhau thì với hàng bình dân, việc này càng dễ thực hiện hơn nhiều. Thông thường, bên đi thuê sẽ ưu tiên chọn bên cho thuê có uy tín thương hiệu, có hệ thống đủ lớn, lượng khách bảo đảm để có thể đẩy nhanh tốc độ mở chuỗi và tận dụng lợi thế nền tảng khách hàng của nhau…