VPBank - Ngân hàng tư nhân khát vọng thịnh vượng cùng đất nước

Viết về Ngân hàng Thương mại CP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - được Vietnam Report đánh giá là một trong 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam và là Doanh nghiệp có thứ hạng cao trong danh sách Người nộp thuế lớn nhất năm 2019. Khát vọng mang lại sự thịnh vượng cho khách hàng cùng cổ đông; tạo thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp thiết thực xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường là mục tiêu mà ngân hàng này đang theo đuổi.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn.

Nội dung đặc biệt quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã và đang làm thay đổi thế và lực của đất nước ta trong suốt chặng đường phát triển 35 năm qua là nhận thức, quan điểm và hành động đối với khu vực kinh tế tư nhân. Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động và phát triển kinh tế tư nhân với lực lượng tiêu biểu là các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990), Chính phủ đã có chủ trương cho phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) - bà đỡ đáp ứng nhu cầu về vốn và cung ứng dịch vụ ngày càng tăng của nền kinh tế nói chung, khu vực kinh tế tư nhân nói riêng. Ngày 12-8-1993, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép số 0042/NH-GP cho phép Ngân hàng TMCP các Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh Việt Nam được hoạt động với thời hạn 99 năm, tên giao dịch viết tắt là VPBank.

Sau 17 năm hoạt động và phát triển, ngân hàng này đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình khi kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh (chiếm trên 70% GDP) và họ đã đổi tên theo Quyết định chấp thuận số 1815/QĐ-NHNN ngày 27-7-2010 của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với việc đổi tên, yêu cầu tái định vị thương hiệu Chiến lược phát triển được xây dựng trong bối cảnh và hướng phát triển mới khi mà tất cả các ngân hàng thương mại đã chuyển sang phục vụ tất cả các khu vực kinh tế, mở rộng khai thác khu vực bán lẻ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi khách hàng.

Tên viết tắt tiếng Anh của ngân hàng trong giao dịch vẫn được giữ nguyên là “VPBank” thể hiện sự trân trọng và kế thừa các thành quả trong quá khứ. Tuy nhiên, tên gọi đầy đủ Ngân hàng Thương mại CP Việt Nam Thịnh vượng (tiếng Anh là “Vietnam Prosperity Joint - Stock Commercial Bank”) - VPBank cũng là một thông điệp thể hiện mục tiêu chiến lược trong giai đoạn phát triển mới tiếp theo.

Tên gọi mới thể hiện khát vọng mang lại sự thịnh vượng cho khách hàng cùng cổ đông; tạo thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường chính là mục tiêu mà VPBank theo đuổi. Bên cạnh cuộc chạy đua cạnh tranh về nội lực (đa dạng hóa, nâng cao chất và lượng của sản phẩm, dịch vụ để mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng), việc xây dựng thương hiệu sẽ tác động mạnh mẽ tới toàn bộ ngân hàng, từ cấu trúc, mục tiêu, thái độ cho tới tầm nhìn và hành động của mọi thành viên trực thuộc, đại diện cho tinh thần của toàn bộ VPBank trong giai đoạn mới, đồng thời thể hiện sự quyết tâm, lòng quả cảm khi phải trải qua các bước chuyển đổi đầy nghiệt ngã.

VPBank bước vào giai đoạn chuyển đổi đầu tiên 2012-2017, với thành tựu vào năm 2017 trở thành một trong năm ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam và là một trong ba ngân hàng TMCP tư nhân bán lẻ hàng đầu Việt Nam xét về doanh thu và lợi nhuận. Đây cũng là năm đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển bằng việc niêm yết 1,33 tỷ cổ phiếu VPB trên sở giao dịch chứng khoán HOSE và chào bán riêng lẻ gần 165 triệu cổ phiếu thành công.

Giai đoạn chuyển đổi thứ 2 (2018-2022), VPBank kiên định theo đuổi định hướng Chiến lược “Tăng trưởng chất lượng”, với tham vọng trở thành một trong ba ngân hàng có giá trị nhất tại Việt Nam vào năm 2022 và trở thành ngân hàng bán lẻ thân thiện nhất với người tiêu dùng thông qua công nghệ.

Trong những năm 2015-2019, khi nền kinh tế phát triển liên tục, VPBank là một trong những ngân hàng hàng đầu đa năng, mang lại giải pháp tài chính tổng thể, cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính trong hệ sinh thái rộng mở để đáp ứng nhu cầu của tất cả các phân khúc khách hàng từ cá nhân đến hộ kinh doanh và các doanh nghiệp. Mã cổ phiếu VPB được lựa chọn vào danh sách VN30 - tốp những cổ phiếu có giá trị vốn hóa và thanh khoản lớn nhất trong năm 2018 là một minh chứng về sự lớn mạnh của VPBank trên thị trường. Những thành tựu nổi bật ấn tượng của nhà băng này trong giai đoạn 2009-2019, được thể hiện qua một vài tiêu chí sau:

Một là, về hoạt động kinh doanh và chất lượng tài sản: Nhờ chuyển đổi thành công và luôn dẫn đầu về tăng trưởng, VPBank ngày càng lớn mạnh và thực sự bứt phá trong 10 năm trở lại đây. Thành quả của quá trình chuyển đổi được thể hiện rõ rệt qua các chỉ tiêu quy mô cùng với các chỉ tiêu hiệu quả: Nếu như tổng tài sản năm 2010 đạt 59.807 tỷ đồng, thì vào năm 2020 đã tăng lên 419.027 tỷ đồng (tăng hơn bảy lần); dư nợ cấp tín dụng đạt 322.881 tỷ đồng (gấp hơn 11 lần); huy động khách hàng và giấy tờ có giá đạt 296.273 tỷ đồng (gấp gần chín lần). Những con số tăng trưởng còn ấn tượng và đáng tự hào hơn nữa nếu nhìn vào bức tranh 10 năm khi quy mô tổng thu nhập hoạt động tăng gấp gần 30 lần (thu nhập hoạt động từ 1.309 tỷ đồng năm 2010 đã đạt 39.033 tỷ đồng vào năm 2020), lợi nhuận trước thuế (PBT) tăng 20 lần lên 13.019 tỷ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank được giữ dưới mức 3% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và tại ngân hàng riêng lẻ là 1,98%.

vp1-1611655423062.jpg
 VPBank tiếp tục duy trì đà phát triển bền vững.

Năm 2020, đại dịch Covid 19 đã tàn phá sức khỏe của nhiều doanh nghiệp. Thế nhưng, nhờ linh hoạt ứng phó, VPBank vẫn hoàn thành được mục tiêu kinh doanh, vừa bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, vừa tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước. 

Hai là, về kết quả đóng góp với ngân sách nhà nước: Theo kết quả xếp hạng của Tổng cục Thuế, trong danh sách 1.000 người nộp thuế lớn nhất cả nước năm 2019 thì VPBank (công ty mẹ) được xếp thứ tự 18, đứng thứ 3 trong số các doanh nghiệp có vốn tư nhân. Trong khi đó, Công ty tài chính VPBank với thương hiệu FE Credit (công ty con của VPBank) cũng được xếp thứ tự 24 (đứng thứ 6 trong số doanh nghiệp có vốn tư nhân).

Chỉ tính trong năm năm qua, VPBank đã nộp thuế gần 12.000 tỷ đồng cho ngân sách, trong đó riêng ngân hàng mẹ nộp thuế gần 6.200 tỷ đồng. Nhờ kinh doanh hiệu quả, nhiều năm liền, ngân hàng này luôn nằm trong tốp các doanh nghiệp dẫn đầu về nộp ngân sách.

Có được kết quả này là nhờ vào sự kiên định theo chiến lược kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả vận hành và giảm thấp chi phí do ứng dụng số hóa với 96% lượng giao dịch diễn ra qua kênh ngân hàng số và ngân hàng tự động. Từ năm 2015, VPBank liên tục giữ vững vị thế là ngân hàng dẫn đầu ở khối ngân hàng TMCP tư nhân về doanh thu, đồng thời thu hẹp dần khoảng cách về lợi nhuận so các ngân hàng có vốn Nhà nước. Tính cả năm nay, VPBank đã hai lần ghi tên mình vào số ít các ngân hàng có lợi nhuận vượt trên 10 nghìn tỷ đồng, với con số đạt được năm 2019 là hơn 10.300 tỷ đồng và năm 2020 là hơn 13 nghìn tỷ đồng.

Ba là, về chất lượng hoạt động và quản trị rủi ro: Là ngân hàng bán lẻ tập trung vào các phân khúc rủi ro hơn như: Tài chính tiêu dùng, vay tín chấp cá nhân (UPL) nhưng VPBank luôn chú trọng nâng cao chất lượng tài sản và đặt trọng tâm tăng trưởng chất lượng vào tất cả các mục tiêu kinh doanh. Tỷ lệ NPL được duy trì ở mức hợp lý và an toàn cùng với hoàn tất việc xử lý dư nợ trái phiếu VAMC đến cuối năm 2019, VPBank đang có một nền móng vững chắc để tạo động lực bền vững cho sự bứt phá về lợi nhuận các năm tiếp theo.

vp3-1611655422949.jpg
 Đại diện VPBank nhận giải thưởng Quản trị rủi ro thanh khoản tốt nhất.

Năm 2019, Tạp chí The Asset, ấn phẩm uy tín hàng đầu về tài chính tại thị trường châu Á đã công bố VPBank là tổ chức phát hành trái phiếu nước ngoài tốt nhất châu Á và tổ chức Việt Nam đầu tiên phát hành thành công trái phiếu USD trên thị trường vốn quốc tế kể từ năm 2014, với 300 triệu USD trái phiếu theo chương trình EMTN 1 tỷ USD. Việc áp dụng toàn bộ tiêu chuẩn quản trị rủi ro Basal II cùng triển khai áp dụng hệ thống chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế IFRS 9, tham gia thị trường theo EMTN thể hiện cam kết của VPBank trong tham gia sân chơi quốc tế, giúp ngân hàng linh hoạt, chủ động hơn trong huy động vốn cũng như nâng cao vị thế của VPBank trong cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bốn là, về chuyển đổi số: Lộ trình chuyển đổi số tạo ra hệ sinh thái dịch vụ tài chính thông qua nền tảng công nghệ và các đối tác phát triển. Thông qua việc gắn kết các hoạt động kinh doanh với trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, đồng thời ứng dụng công nghệ vào nhiều lĩnh vực hoạt động, hàng loạt tác nghiệp tại VPBank hiện nay có thể triển khai hoàn toàn tự động mà không cần sự tham gia của con người. Các chương trình số hóa của VPBank tạo ra sự thân thiện, kết nối tốt hơn với khách hàng và cũng mang lại nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng mới. Với những nỗ lực, chủ động đó, VPBank đã được Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) đã lần thứ ba liên tiếp trao tặng giải thưởng Ngân hàng Chuyển đổi số tiêu biểu trong khuôn khổ Giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2020 khi đứng đầu về đầu tư hạ tầng công nghệ; mức độ an toàn, an ninh; tốc độ tăng trưởng khách hàng, số lượng máy ATM/CDM, tổng số tiền giao dịch bình quân cũng như chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng. Việc mạnh dạn thay đổi bằng một chương trình hành động cụ thể mang tên Befit, đòi hỏi quá trình rèn luyện và nghiêm khắc với bản thân, với quyết tâm trở thành một cơ thể thon gọn, cường tráng, năng động hơn. Việc kiểm soát tối đa chi phí kết hợp với áp dụng số hóa đã giúp chi phí hoạt động hợp nhất được kiểm soát giảm 7,7% so 2019. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất giảm mạnh còn 29,2% so 33,9% cuối 2019, ở nhóm tốt nhất trong hệ thống các NHTM Việt Nam tại thời điểm 31-12-2020.

Năm là, về văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội: Những năm gần đây, văn hóa doanh nghiệp được nhắc nhiều như một thứ “quyền lực mềm”, một trong những bí quyết quản trị doanh nghiệp quan trọng. Với VPBank, con người luôn là tài sản quý giá nhất, là yếu tố nền tảng đảm bảo thành công do vậy phát triển con người chính là chìa khóa để xây dựng và phát triển tổ chức. Vẽ ra một triết lý đã khó, nhưng điều khó khăn lớn nhất chính là lan tỏa được nó tới mọi thành viên trong tổ chức. Một tổ chức có những nhân lực hạnh phúc sẽ tỏa ra một năng lượng tích cực để vươn tới thành công. Trong những năm 2016-2017, VPBank vui mừng góp mặt trong tốp 5 những nơi làm việc hạnh phúc nhất tại Việt Nam.

vp4-1611655423463.jpg
Giải chạy VPBank Hanoi Marathon ASEAN 2020 thành công ngoài mong đợi. 

Với chiến lược xây dựng VPBank thành một Miền đất Nhân tài (Home of talents), các cơ hội đào tạo, lộ trình thăng tiến, kế hoạch kế nhiệm cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt… luôn là những trọng điểm được Ủy ban Nhân sự và HĐQT chú trọng triển khai. Trong quá trình làm việc, người lao động của VPBank được hưởng các chế độ đãi ngộ, phúc lợi toàn diện như hệ thống lương, thưởng cạnh tranh với thị trường, chương trình “vay gắn kết” ưu việt và gần đây là chương trình phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP) với mục đích giữ chân nhân tài, ghi nhận các cấp cán bộ nhân viên có đóng góp lớn. Bằng những nỗ lực không ngừng, VPBank dần từng bước khẳng định vị thế là nơi dừng chân của những cá nhân xuất sắc nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam.

Văn hóa doanh nghiệp chính là một trong những nhân tố giúp VPBank phát huy sức mạnh nội tại và gìn giữ nhân tài. Nếu chương trình Run & Share, diễn ra trên bảy vùng, kết nối hơn 3.000 nhân viên chung tay đưa hàng trăm em nhỏ tới trường thì chương trình VPBank Hanoi Marathon, giải marathon quốc tế đầu tiên tại Hà Nội là nơi lan tỏa tinh thần chạy và sẻ chia tới hơn 7.000 VĐV đến từ 55 nước khi cùng quyên góp tiền cho năm quỹ từ thiện giúp đỡ các em nhỏ thiệt thòi. Ngoài ra, trong năm năm qua, VPBank đã tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội tại nhiều địa phương trên khắp cả nước như xây dựng cầu đường, nhà ở cho các hộ nghèo, tài trợ quỹ khuyến học nhằm vun đắp những ước mơ cho thế hệ mai sau… với mức tổng đóng góp lên tới gần 36 tỷ đồng. Năng động và nhân văn là giá trị mà VPBank luôn hướng tới. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, VPBank đã tham gia đầy đủ và tích cực vào các hoạt động thiện nguyện, tài trợ cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như hỗ trợ các địa phương trong phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lũ.

Giai đoạn phát triển mới trong các nhiệm kỳ năm năm, 10 năm tới đang mở ra nhiều thách thức và vận hội mới cho nền kinh tế, cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có VPBank. Đón chào những định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khát vọng đưa Việt Nam trở nên hùng cường… sẽ được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trước những diễn biến phức tạp của thị trường và dịch bệnh Covid-19, VPBank sẽ có được những cơ hội mới bên cạnh những rủi ro phải đối mặt. Chúng tôi tin tưởng rằng Hội đồng quản trị sẽ luôn theo sát diễn biến thực tiễn, đưa ra định hướng kịp thời và chỉ đạo quyết liệt để Ban điều hành triển khai kế hoạch hành động nhằm giảm thiểu các yếu tổ rủi ro ảnh hưởng đến kinh doanh, tận dụng tối đa các nỗ lực cộng hưởng từ tất cả các đơn vị kinh doanh trực thuộc nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận cho ngân hàng cũng như hiện thực hóa tầm nhìn đưa VPBank đạt được mục tiêu đã đề ra.

Với góc nhìn của một nhà quản lý thuế có cơ hội nắm bắt thông tin từ hệ thống các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam, cùng với góc nhìn của một khách hàng về những gì họ đã làm được, tôi tin tưởng rằng khát vọng của VPBank mang lại sự thịnh vượng cho khách hàng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước sẽ trở thành hiện thực. Một khi HĐQT, Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, nhân viên của VPBank cùng có chung một chí hướng, khát vọng, cùng xác định rõ mục tiêu chiến lược với sự đồng hành và gắn bó của cổ đông, khách hàng thì VPBank sẽ vượt qua mọi thử thách để tiếp tục cải thiện, giữ vững vị trí là một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam.