Thanh Hóa xây dựng các Trung tâm Chính trị đạt chuẩn

Thanh Hóa sớm có chủ trương, triển khai xây dựng Trung tâm bồi dưỡng chính trị đạt chuẩn. Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, trình độ cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Quảng Xương sớm được công nhận đạt chuẩn.
Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Quảng Xương sớm được công nhận đạt chuẩn.

Bảo đảm điều kiện dạy và học

Xuất phát từ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Chính trị, từ năm 2009, Tỉnh ủy Thanh Hóa triển khai xây dựng Trung tâm bồi dưỡng chính trị (nay là Trung tâm Chính trị) cấp huyện đạt chuẩn. Hơn 10 năm qua, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 150 tỷ đồng; các huyện, thị xã, thành phố bố trí vốn đối ứng và huy động xã hội hóa gần 200 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học ở các Trung tâm Chính trị.

Tại nhiều địa phương, cán bộ, đảng viên, học viên cùng chung tay, góp sức xây dựng môi trường học đường, khuôn viên thêm xanh-sạch-đẹp, gắn với xây dựng cơ quan văn hóa. Từ nguồn ngân sách đầu tư, các cán bộ, đảng viên, học viên, nhân dân cùng chung tay, góp sức; huyện miền núi Như Xuân đã xây dựng hoàn thiện Trung tâm Chính trị khang trang, tọa lạc trong khuôn viên rộng 10.000 m2. Trung tâm hiện có hai phòng học, diện tích hơn 1.000 m2, quy mô 200 chỗ ngồi được thiết kế cao ráo thoáng mát, chống nóng, ẩm; trang bị quạt mát, tăng âm, loa, bàn ghế đúng quy cách; phòng Thư viện rộng gần 50m2 trang bị tủ chuyên dùng chứa hàng trăm đầu sách, tài liệu cùng máy vi tính kết nối internet phục vụ giảng dạy, học tập.

th2-1605000754015.png
Các học viên học lý luận chính trị ở Trung tâm Chính trị huyện Như Xuân. 

Các học viên ở các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng 6 Thanh xuống Trung tâm học tập có thể ăn ở tại hai khu ký túc xá, quy mô 12 phòng, diện tích sử dụng gần 537 m2, có đồ dùng, công trình tiện ích, nhà ăn phục vụ nhu cầu của giảng viên, học viên.

Năm năm qua, Trung tâm mở được hai lớp đào tạo trình độ lý luận chính trị sơ cấp cho 68 học viên; phối hợp Trường Chính trị tỉnh tổ chức bốn lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính tại huyện, tạo thuận lợi cho 401 học viên học tập. Trung tâm còn phối hợp MTTQ, các đoàn thể, phòng chuyên môn của UBND huyện tổ chức 17 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 2.232 người, mở  21 lớp bồi dưỡng chuyên đề cho 3.721 cán bộ, viên chức; tổ chức hơn 60 kỳ báo cáo viên cấp huyện thu hút 750 nghìn đảng viên tham gia.

Tọa lạc phía sau trường THPT, Trung tâm Chính trị huyện Như Thanh có diện tích 5.400 m2, là nơi học tập lý luận chính trị, cập nhật các chủ trương, chính sách, kiến thức mới, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho các cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú đang công tác trong hệ thống chính trị cấp huyện, xã trên địa bàn huyện. Nỗ lực xây dựng, phấn đấu thực hiện các tiêu chí, tháng 6-2018, Trung tâm Chính trị huyện Như Thanh được công nhận đạt chuẩn. Qua trao đổi, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học sẽ từng bước được cải thiện nhưng Ban Giám đốc Trung tâm luôn trăn trở chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, xứng tầm với vai trò, vị trí, nhiệm vụ được giao.

Cùng với việc tham mưu tạo nguồn, có kế hoạch đào tạo chuẩn hóa giảng viên chuyên trách, Ban Giám đốc Trung tâm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giáo án, thường xuyên dự giờ thăm lớp, tổ chức rút kinh nghiệm trong giảng dạy, tham gia nghiêm túc các đợt thao giảng; duy trì hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới cho các giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức; lắp đặt hệ thống camera hỗ trợ hoạt động quản lý, giám sát hoạt động dạy và học.

th3-1605000753902.jpg
 Giảng viên tham khảo tài liệu tại Trung tâm chính trị huyện Như Thanh. 

Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Như Thanh, Quách Văn Vui trao đổi: Trung tâm phối hợp Ban Tổ chức Huyện ủy cùng các phòng chuyên môn UBND huyện, các địa phương rà soát, nắm hiện trạng đội ngũ, nhu cầu học tập của học viên, tham mưu, xây dựng kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng các chuyên đề sát hợp với yêu cầu thực hiện nghiệp vụ, chuyên môn của học viên. Gần 12 năm qua, Trung tâm đã mở được 228 lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận, chính trị, nghiệp vụ cho gần 28 nghìn học viên, góp phần chuẩn hóa, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong huyện.

Theo Báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, toàn tỉnh có 27 Trung tâm Chính trị cấp huyện đã đạt chuẩn, trong đó bảy Trung tâm có khuôn viên rộng hơn 5.000 m2. Hơn thập niên qua, tỉnh Thanh Hóa cùng các địa phương quan tâm bố trí ngân sách theo phân kỳ đầu tư, huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Mỗi Trung tâm Chính trị hiện có ít nhất hai phòng học, quy mô 80-150 chỗ ngồi/lớp; 100% Trung tâm có máy chiếu, hệ thống máy vi tính kết nối internet, có thư viện, phòng họp, phòng truyền thống, phòng làm việc của cán bộ, giảng viên; 23 Trung tâm có ký túc xá hoặc phòng nghỉ trưa, tổ chức nấu ăn cho học viên có nhu cầu. Đến nay, hầu hết các Trung tâm có trụ sở độc lập, cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ.

Gắn lý luận với thực tiễn

Trong sáu tiêu chí bảo đảm Trung tâm bồi dưỡng Chính trị đạt chuẩn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng có ý nghĩa quan trọng. Tại 27 Trung tâm Chính trị ở Thanh Hóa, 71 giảng viên chuyên trách đều có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó 61 đồng chí có trình độ cử nhân, cao cấp, 10 người có trình độ Trung cấp lý luận chính trị. Hiện cử nhân chính trị chỉ được công nhận đạt chuẩn chuyên môn, giảng viên chuyên trách phải có trình độ lý luận chính trị cao cấp. Theo đó, các giảng viên phải chủ động tham gia các khóa đào tạo hoàn thiện chương trình cao cấp. Tuy nhiên, giảng viên chuyên trách không trong diện quy hoạch để được theo học cao cấp lý luận chính trị và hai năm qua có bảy giảng viên chuyên trách nghỉ hưu, chuyển công tác.

th4-1605000753846.jpg
Giảng viên, học viên Trung tâm Chính trị huyện Hoằng Hóa trong giờ học tập. 

Một số Trung tâm Chính trị thiếu giảng viên chuyên trách so với định biên nhưng khó tiếp nhận giáo viên, người có nhu cầu chuyển về Trung tâm. Ở Trung tâm Chính trị huyện Như Thanh, có hai giảng viên nghỉ hưu, cần thiết bổ sung kịp thời, bảo đảm tối thiểu bốn giảng viên chuyên trách đáp ứng tổ chức hoạt động dạy và học.

Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Quảng Xương Lê Như Tuấn cho hay: Theo quy định hiện hành, tiếp nhận, tuyển dụng giảng viên chuyên trách phải có trình độ lý luận chính trị cao cấp. Thiếu hai giảng viên so với định biên nhưng Trung tâm không tiếp nhận được hai giáo viên THPT đang giảng dạy chuyên ngành phù hợp, có nghiệp vụ sư phạm, thâm niên trực tiếp giảng dạy về Trung tâm vì cả hai chưa có trình độ lý luận chính trị nêu trên. Cán bộ quản lý một số Trung tâm Chính trị bộc bạch, Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chính trị chỉ được hưởng phụ cấp 10% so mức lương hiện hưởng nhưng không được hưởng phụ cấp thâm niên công tác và giảng viên chuyên trách được hưởng phụ cấp 30% so mức lương hiện hưởng.

Dù vậy, rất khó thu hút được những người có trình độ chuẩn đang đảm nhiệm chức vụ hoặc trong diện quy hoạch kế cận lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, các phòng, ngành chức năng về Trung tâm Chính trị công tác vì họ đang hưởng mức phụ cấp cao hơn. Thêm nữa, ngoài đạt chuẩn về chuyên môn, có nghiệp vụ sư phạm, những người có trình độ cao cấp lý luận chính trị khi được tiếp nhận về Trung tâm nếu phấn đấu tốt, khẳng định được năng lực của mình thì cũng phải mất một năm sau mới có thể dự thi, được công nhận giảng viên chuyên trách. Thanh Hóa có 181 giảng viên kiêm chức, trong đó 50 người có trình độ thạc sĩ, gần 98% có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân nhưng ở một số huyện có hiện trạng giảng viên kiêm chức chưa bố trí thời gian thỏa đáng cho việc trực tiếp giảng dạy tại Trung tâm Chính trị cấp huyện.

th5-1605000754603.jpg
 Trung tâm Chính trị huyện Vĩnh Lộc vinh dự đón Bằng công nhận đạt chuẩn.

Được biết, trên cơ sở chương trình, giáo trình, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cấp ủy các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Trung tâm Chính trị cấp huyện xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Các Trung tâm bảo đảm tổ chức thực hiện đúng, đủ nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; dành thời gian nghiên cứu thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn, giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở địa phương.

Tài liệu, các điều kiện phục vụ dạy và học được tăng cường; 100% giảng viên chuẩn bị thêm giáo án điện tử, cập nhật thông tin, hình ảnh, mô hình hóa nội dung thuyết trình, sử dụng thành thạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tạo hứng thú, dễ nắm bắt, hệ thống kiến thức cho học viên. Phương pháp tọa đàm, thảo luận, vấn đáp, tăng cường tương tác giữa giảng viên, học viên đi đôi với nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham quan các di tích lịch sử, cách mạng góp phần nâng cao hiệu quả học tập.

th6-1605000753608.jpg
 Lớp bồi dưỡng các bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý ở huyện Thạch Thành trong ngày khai giảng.

Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo tổ chức hoạt động thao giảng theo cụm, góp phần trau dồi nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức. Gần 12 năm qua, Thanh Hóa đã tổ chức hơn 100 lượt cụm thao giảng, thu hút hơn 280 giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức tham gia. Các Trung tâm Chính trị trong tỉnh đã tổ chức 9.259 lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, quán triệt nghị quyết, cập nhật kiến thức cho hơn một triệu học viên; phối hợp Trường Chính trị tỉnh tổ chức 220 lớp đào tạo trình độ Trung cấp Chính trị-Hành chính cho gần 20 nghìn cán bộ, viên chức, đảng viên.

Trưởng Phòng lý luận chính trị và lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trịnh Khắc Bân đánh giá: Các Trung tâm thiết kế nội dung, chương trình đào tạo bồi dưỡng bảo đảm định hướng, nâng cao bản lĩnh chính trị, vun đắp niềm tin về lý tưởng cách mạng, kịp thời uốn nắn những lệch lạc về lập trường, quan điểm, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, tạo cơ sở thống nhất về tư tưởng trong Đảng, đồng thuận xã hội; chủ động tham mưu cho cấp ủy huyện tăng cường chỉ đạo, phổ biến, giới thiệu các chuyên đề giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó khơi dậy lòng tự hào, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nâng cao hiệu quả vận động quần chúng, tập hợp nhân dân tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Thực tế ghi nhận, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Chính trị cấp huyện phối hợp Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học về những nội dung, yêu cầu thực tiễn đặt ra như: Thực trạng, giải pháp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước cho cán bộ cơ sở; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện; xây dựng cơ quan, đơn vị kiểu mẫu, xây dựng nếp sống văn minh.

Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo Ban Tuyên giáo, Trung tâm Chính trị cấp huyện tổng kết lý luận và thực tiễn, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trên địa bàn, gắn học tập, làm theo lời Bác Hồ dạy với phát huy trách nhiệm cá nhân, mỗi tổ chức đoàn thể có nhiều việc làm thiết thực trong xây dựng nông thôn mới, khu dân cư an toàn làm chủ, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở. Chú trọng đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao kiến thức, kỹ năng, trình độ toàn diện của đội ngũ cán bộ, Thanh Hóa đã phát huy hiệu quả trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức tốt thực hiện nhiệm vụ được giao, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, góp phần đưa Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới.