Thanh Hóa trợ giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

Thanh Hóa có hơn một triệu người trong độ tuổi thanh niên nhưng hiện có 750 nghìn thanh niên tại địa phương. Tỉnh dành nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, thúc đẩy phong trào thanh niên lập nghiệp, góp sức xây dựng quê hương.

Các thanh niên ở xã Đông Khê, huyện Đông Sơn chế tác thiết bị sản xuất máy phục vụ tự động hóa nghề nấm.
Các thanh niên ở xã Đông Khê, huyện Đông Sơn chế tác thiết bị sản xuất máy phục vụ tự động hóa nghề nấm.

Chủ động từ mỗi cá nhân

Tốt nghiệp đại học, hai thanh niên Nguyễn Hoàn và Lê Trọng Thiện ở xã Đông Khê, Đông Hòa, huyện Đông Sơn trăn trở tìm hướng lập nghiệp tại quê nhà. Khởi nghiệp trồng 150 m2 nấm thủ công, hai thanh niên nảy sinh ý tưởng, kiên trì tìm hiểu các loại máy móc liên quan nhằm chế tác máy tự động hóa quy trình sản xuất nấm. Thấy công đoạn tiệt trùng nguyên liệu có ý nghĩa quyết định trong sản xuất nấm nhưng vẫn sử dụng than, củi đốt tạo nhiệt hấp nguyên liệu nên lệ thuộc điều kiện tự nhiên, gia tăng chi phí đầu vào. Thêm nữa, phần lớn cơ sở sản xuất nấm xen lẫn trong khu dân cư, hấp sấy bằng than, củi, gia tăng nguy cơ hỏa hoạn, gây ô nhiễm môi trường. Không có kiến thức điện chuyên sâu nên ngoài tiếp tục học thêm ngành điện công nghiệp; hai thanh niên được người bác họ có thâm niên, trình độ tay nghề cao hỗ trợ, đồng hành, dần vượt qua những khó khăn, thử thách trên bước đường khởi nghiệp.

Tập trung trí tuệ, vận dụng kiến thức chuyên ngành của mỗi cá nhân vào hoạt động thực tiễn, tận dụng trang thiết bị, máy hiện có tại xưởng cơ khí gia đình, huy động vốn mua sắm thêm máy chuyên dụng, hai thanh niên đã sáng chế thành công máy phục vụ tự động hóa nghề nấm gồm: Máy trộn mùn, băng tải, máy hấp tiệt trùng nguyên liệu làm nấm, máy sấy nấm. Với ưu điểm sử dụng điện năng tạo nhiệt hấp nguyên liệu, có thể điều chỉnh thời gian hấp nguyên liệu phù hợp để trồng nhiều loại nấm trong năm; ứng dụng công nghệ thông tin giới thiệu, bán sản phẩm, chăm lo bảo hộ quyền lợi của khách hàng, máy phục vụ tự động hóa quy trình sản xuất nấm, nhất là tủ hấp nguyên liệu để trồng nấm của Công ty Thiên Phú hiện được nhiều khách hàng trong tỉnh, các tỉnh, thành phố trong cả nước lựa chọn, tăng trưởng doanh thu, tạo việc, thu nhập ổn định cho bảy lao động.

Thanh Hóa trợ giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp -0
 Thanh niên làm chủ doanh nghiệp, đồng thời trực tiếp sản xuất, chế tác máy nông cụ.

Về xã  Tam Lư, thanh niên Hà Văn Hiệu ở bản Sại bộc bạch: Huyện Quan Sơn có thảm rừng nứa, rừng vàu cho sản lượng khai thác lớn nhưng bán lâm sản thô là chủ yếu. Tìm hướng nâng cao giá trị cây nứa, cây vầu, Hiệu sử dụng 200 triệu đồng của bố mẹ, vay thêm ngân hàng 50 triệu đồng mua máy chế biến, xây lò hấp nan thanh. Mua nguyên liệu, sử dụng lao động, tổ chức sản xuất tại chỗ, xuất bán sản phẩm trực tiếp, giảm chi phí trung gian, tăng lợi nhuận nên Hiệu tiếp tục tái đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 20 lao động với mức lương hơn 6 triệu đồng/người/tháng.  Hiệu còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho các thanh niên cùng đầu tư mua sắm máy chế biến nan thanh, tạo việc làm cho hàng chục lao động. Bày tỏ dự định mới của mình, Hiệu bộc bạch: Bổi, bụi nứa có thể thu gom, tái sử dụng làm nhiên liệu đốt, sấy nan hoặc bán cho các cơ sở sản xuất giấy nên Hiệu mong được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở sản xuất theo hướng thân thiện môi trường.

Thanh Hóa trợ giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp -0
 Cơ sở sản xuất do thanh niên Hà Văn Hiệu làm chủ.

Cùng trang lứa với Hiệu, thanh niên Hà Văn Tập chủ động học hỏi công nghệ, kỹ thuật, chuyển diện tích chuyên canh lúa thiếu nguồn nước tưới của gia đình, thuê thêm đất canh tác của ba hộ liền kề, hợp thành 5.000 m2 đất tập trung để trồng rau sạch, trong đó có 500 m2 rau trồng trong nhà lưới. Sản phẩm trồng trọt gồm các loại rau, dưa chuột, bí siêu ngọt... bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được cung ứng cho nhân dân trong xã và ba trường học tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, đem lại doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm. Nhiều thanh niên trong huyện các đến tham quan mô hình, học tập kỹ thuật, kinh nghiệm trồng rau sạch và thanh niên nông thôn mong vay được các nguồn vốn lãi suất thấp, được tập huấn, tiếp thu thêm các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tham quan các mô hình sản xuất để học tập, làm theo.

Thanh Hóa trợ giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp -0
 Thanh niên tìm hiểu mô hình sản xuất than hoạt tính ở xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh

Bí thư Huyện đoàn Quan Sơn Phạm Đức Lương trao đổi: Toàn huyện có hơn 1.000 thanh niên đi làm ăn xa. Ngoài mở mang tầm nhìn, thêm vốn sống, hiểu biết, học được điều hay, kinh nghiệm quý để lập nghiệp, tạo việc làm, có thêm thu nhập cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống; một bộ phận thanh niên đi làm ăn xa hồi hương du nhập lối sống không phù hợp với thuần phong, mỹ tục. Tổ chức đoàn hiện tham gia quản lý, tư vấn sử dụng 200 triệu đồng vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhưng nguồn vốn này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu cần vay vốn khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên.

Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

Thanh Hóa có hơn một triệu thanh niên, chiếm hơn 30% dân số và gần 50% lao động toàn tỉnh. Đây là nguồn nhân lực giàu sức trẻ, xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng kế cận, tạo nguồn, bổ sung cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp. Cùng với việc quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo sức hấp dẫn thu hút, tập hợp 72% thanh niên vào tổ chức đoàn, hội, hai năm qua tỉnh Thanh Hóa dành 10 tỷ đồng cho thanh niên vay vốn khởi nghiệp. Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thiết thực trợ giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, khích lệ ý thức “ly nông bất ly hương”, phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế.

Gần 120 lượt dự án do thanh niên làm chủ đã được vay nguồn vốn ưu đãi trên sử dụng vào mục đích tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, mở mang ngành nghề, dịch vụ, hiện tạo việc làm ổn định cho gần 230 lao động. Điển hình như dự án chế biến dứa, dưa bao tử ở xã Trung Thành, huyện Nông Cống được vay một tỷ đồng, góp phần duy trì, tạo việc làm cho 72 lao động. Nguyễn Hoài Châu ở huyện Hậu Lộc được vay 350 triệu đồng để tổ chức chăn nuôi, chế biến thực phẩm sạch; Phạm Hoàng Sơn ở huyện miền núi Ngọc Lặc vay 300 triệu đồng tổ chức chăn nuôi gia súc và hai mô hình thanh niên khởi nghiệp này tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 13 lao động. Dự án kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh, sơn nước của Trịnh Xuân Hùng ở huyện Thường Xuân được vay 400 triệu đồng vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp tục tạo việc làm, thu nhập cho tám lao động tại địa phương và cơ sở sản xuất, kinh doanh Hoàng Sơn ở huyện Thạch Thành vay 250 triệu đồng mở rộng nghề cơ khí hiện tạo việc làm cho bảy lao động. Phong trào khởi nghiệp được nhân rộng, khích lệ nhiều thanh niên chủ động vươn lên trong lập thân, lập nghiệp.

Thanh Hóa trợ giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp -0
 Người lao động làm việc tại Công ty cổ phần chế biến nông sản Trung Thành, huyện Nông Cống.

Theo học Đại học công nghiệp TP Hồ Chí Minh, thanh niên Nguyễn Hữu Thế dành thời gian nghiên cứu thành công mạch điều khiển đèn led, rồi IC AVR, được thị trường chấp nhận, nhất là lựa chọn sản phẩm IC vi điều khiển thay thế IC số. Thế dần có tích lũy, đầu tư thiết bị, xây dựng cơ sở sản xuất, thành lập Công ty quảng cáo điện tử ABC và tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời phần mền quản lý, phát triển dữ liệu trên điện toán đám mây. Thế từng đoạt giải nhất cuộc thi ý tưởng sáng tạo, tham gia các hội chợ thương mại do Bộ Công thương tổ chức, được tổ chức đoàn, Hội liên hiệp thanh niên trợ giúp, đồng hành, đặc biệt phần mền phát triển dịch vụ quảng cáo ADVTV Thế mới nghiên cứu, sản xuất thành công được Cục sở hữu trí tuệ công nhận, bảo hộ bản quyền sản phẩm sáng tạo. Hiện doanh nghiệp sản xuất cả phần mền, phần cứng sản phẩm độc quyền, tiện ích, đáp ứng mục tiêu kép trong ứng phó với dịch Covid-19 và Công ty quảng cáo điện tử ABC được công nhận là một trong 28 doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa trợ giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp -0
 Doanh nghiệp hỗ trợ Nguyễn Hữu Thế  biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực.

Trưởng Ban phong trào Tỉnh đoàn Thanh Hóa, Nguyễn Trung Thực trao đổi: Thanh niên ở 14 huyện trong tỉnh tiếp cận được vốn tín dụng ưu đãi hiện phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng, tỏa lan làn sóng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên. Quỹ khởi nghiệp do Ngân hàng chính sách-xã hội quản lý, thẩm định điều kiện cho vay; tổ chức đoàn thanh niên lựa chọn dự án, đề xuất đối tượng vay vốn, tham gia quản lý, bảo đảm nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Qua tổng hợp, thanh niên trong tỉnh có nhu cầu vay 77 tỷ đồng để khởi nghiệp. Từ năm nay đến 2023, mỗi năm tỉnh Thanh Hóa bố trí thêm 10 tỷ đồng, nâng tổng vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp lên 50 tỷ đồng vào năm 2023. Mức vay tối thiểu không phải thế chấp tài sản cũng được điều chỉnh từ 50 triệu lên 100 triệu đồng đối với một dự án thanh niên khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thanh niên tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức sâu rộng cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp thu hút hơn 1.000 ý tưởng của thanh niên tham gia; phối hợp với mạng lưới khuyến nông, doanh nghiệp tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến đông đảo thanh niên.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, Hoàng Văn Thanh trao đổi: Cùng với 2,15 tỷ đồng Trung ương đoàn phân bổ cho vay giải quyết việc làm, hơn 1.000 tỷ đồng ngân hàng chính sách xã hội cho vay ủy thác, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, đã bố trí 20 tỷ đồng cho thanh niên vay vốn khởi nghiệp. Đây là việc làm thiết thực, đồng hành cùng thanh niên, thúc đẩy bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp, khích lệ thanh niên làm theo. Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã tổ chức thành công sáu cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, lựa chọn, trao giải cho 60 dự án khởi nghiệp xuất sắc, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao; tiếp tục đồng hành, vận động các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ thanh niên biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực. Theo đó, nhiều ý tưởng đã được ứng dụng, triển khai thực hiện có hiệu quả như ý tưởng xây dựng nền tảng công nghệ nhà thông minh, sản xuất đèn led ABC, kẹo lạc Đức Giang, nước nắm Hoàng Gia, tinh dầu thiên nhiên từ phế phẩm sinh học, sản xuất hương bài, than hoạt tính, ống hút từ tre luồng, nuôi cấy, kinh doanh đông trùng hạ thảo, chế tạo máy phục vụ tự động hóa nghề sản xuất nấm…

Thanh Hóa trợ giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp -0
 Tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác Hồ dạy.

Bước đầu 30 sản phẩm của thanh niên được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; có bốn ý tưởng xuất sắc được các doanh nghiệp đỡ đầu, hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt Công ty quảng cáo điện tử ABC là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, được công nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh. Doanh nghiệp do thanh niên làm chủ hiện chiếm khoảng 30% trong tổng số 3.000 doanh nghiệp trong tỉnh thành lập mới mỗi năm. Tuổi trẻ Thanh Hóa mong tiếp tục được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cùng chính sách phát triển ngành nghề nhằm trợ giúp, khích lệ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương, thúc đẩy phân công lao động xã hội theo định hướng, giảm dần số lượng thanh niên đi làm ăn xa.