Sớm ổn định cuộc sống người dân vùng thủy điện ở Đắk Glong

Sau hơn 10 năm nhường đất xây dựng thủy điện, hàng trăm hộ dân xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong đến nay vẫn chưa được cấp đất tái định cư, đất tái định canh nên đời sống hết sức khó khăn. Một số hộ khác đã được cấp đất thì thiếu diện tích, đất xảy ra tranh chấp hoặc đất dốc, bạc màu, thiếu nước không thể canh tác. Nhiều hộ đã bán nhà quay về nơi ở cũ hoặc đi làm thuê ở địa phương khác kiếm sống qua ngày…

Khu tái định cư Đắk Plao được thực hiện trên một sườn núi cao với chung quanh là những khe suối sâu và đồi núi dốc đứng, đất đai cằn cỗi.
Khu tái định cư Đắk Plao được thực hiện trên một sườn núi cao với chung quanh là những khe suối sâu và đồi núi dốc đứng, đất đai cằn cỗi.

Chính quyền địa phương các cấp huyện Đắk Glong cũng đã nỗ lực tập trung giải quyết những tồn tại nêu trên, nhưng do còn nhiều khó khăn, vướng mắc chồng chéo, có những bất cập xảy ra ngay từ khi lập quy hoạch, triển khai dự án, đến nay mới được kiểm tra phát hiện nên phát sinh nhiều hệ lụy mới, đòi hỏi phải nhiều cấp, nhiều ngành mới có thể giải quyết được.

Phó Bí thư Huyện ủy Đắk Glong Trần Nam Thuần đã có cuộc trao đổi về những giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, sớm ổn định đời sống nhân dân Khu tái định cư xã Đắk Plao.

Câu hỏi: Đồng chí đánh giá như thế nào về đời sống của người dân sau hơn 10 năm về sinh sống ở Khu tái định cư xã Đắk Plao?

Đồng chí Trần Nam Thuần: Thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 3, Chủ đầu tư của dự án (Ban quản lý dự án thủy điện 6) đã phối hợp địa phương triển khai xây dựng khu tái định cư, tái định canh, bố trí cho người dân xã Đắk Plao trong diện phải di dời lấy đất  xây dựng công trình.

Đến nay, sau hơn 10 năm về sinh sống ở khu tái định cư, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đời sống của người dân đã dần đi vào ổn định và từng bước được nâng lên. Phần lớn người dân đã được bố trí đất ở và nhà ở tái định cư, bố trí đất sản xuất để canh tác. Các công trình hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, do đó bộ mặt nông thôn tại khu tái định cư ngày càng được đổi mới, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện và nâng cấp rõ rệt.

Tuy nhiên, vẫn còn thiếu quỹ đất sản xuất để bố trí tái định canh cho các hộ đủ điều kiện nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân; hiện nay, đời sống của người dân vẫn còn khó khăn do thiếu đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn cao. Đối với các hộ chưa được cấp đất sản xuất hoặc đã được cấp nhưng chưa đủ diện tích theo hạn mức (1ha/hộ), địa phương đã xin chủ trương của Chính phủ hỗ trợ thêm bốn năm lương thực với mỗi nhân khẩu được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng và đã thực hiện xong trong năm 2018.

Bên cạnh đó, địa phương đang rà soát lập phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, dự kiến chi trả cho người dân trong thời gian tới.

Câu hỏi: Những bất cập, tồn tại, vướng mắc kéo dài và nguyên nhân lớn nhất hiện nay là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Nam Thuần: Bất cập, tồn tại lớn nhất hiện nay là quỹ đất sản xuất bố trí tái định canh cho các hộ còn thiếu, một số hộ dân chưa được bố trí đất sản xuất dẫn tới việc người dân còn thiếu đất sản xuất; việc giải quyết các tồn tại vướng mắc liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ một số hạng mục chưa dứt điểm, như: hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, bồi thường, hỗ trợ cây mai, cây dứa cho người dân.

Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên được xác định: đối với đất sản xuất, mặc dù khi xây dựng khu tái định cư, tái định canh, chủ đầu tư đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất, khai hoang, bố trí đất sản xuất cho người dân xã Đắk Plao nhưng vẫn không bảo đảm theo quy định và theo thực tế.

Do một số diện tích đất không đủ điều kiện canh tác như độ dốc lớn, thiếu nước tưới nên sau khi bốc thăm, người dân không chịu nhận đất và phối hợp làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số diện tích đất bị lấn chiếm trái phép hoặc xảy ra tranh chấp không thể canh tác được... Do đó, quỹ đất sản xuất chia cho người dân bị thiếu. Các tồn tại nêu trên đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Đối với việc bồi thường, hỗ trợ cây trồng: đến nay, địa phương đã lập xong phương án bồi thường, hỗ trợ, tuy nhiên còn nhiều vướng mắc chưa thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân. Nguyên nhân là do một số đối tượng lợi dụng chủ trương, chính sách của Nhà nước, tổ chức trồng cây với số lượng rất lớn để nhận bồi thường, hỗ trợ nên cần phải rà soát, kiểm tra, xác minh cụ thể trước khi thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tránh gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Đối với hỗ trợ việc đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm: theo bản đồ do chủ đầu tư (Ban quản lý dự án thủy điện 6) cung cấp trước đây, ranh giới sử dụng đất giữa các đơn vị quản lý (UBND xã, Vườn quốc gia Tà Đùng, Trạm thực nghiệm Đăk Plao) thể hiện trên bản đồ chưa đúng nên phải thực hiện lại việc lồng ghép mới có cơ sở hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.

Hiện nay, đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ do Ban quản lý dự án thủy điện 6 hợp đồng không còn thực hiện nên việc lồng ghép ranh sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, địa phương cũng đã hoàn thành việc lồng ghép bản đồ và đang hoàn thiện hồ sơ để thực hiện việc đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, dự kiến hoàn thành trong đầu năm 2021.

Vừa qua UBND tỉnh Đắk Nông và Tập đoàn điện lực Việt Nam đã thống nhất chuyển chủ đầu tư về cho địa phương, bàn giao tồn tại vướng mắc còn lại của dự án Thủy điện Đồng Nai 3 về cho tỉnh Đắk Nông và huyện Đắk Glong trực tiếp chủ trì giải quyết.

Do đó, đến nay, một số tồn tại vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tái định canh cấp đất sản xuất cho nhân dân xã Đắk Plao đã từng bước được xử lý, giải quyết và tháo gỡ một phần. Thời gian tới, cần phải tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục, tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tái định canh, sớm để người dân có cuộc sống ổn định và phát triển kinh tế địa phương.  

Sớm ổn định cuộc sống người dân vùng Thủy điện ở Đắk Glong -0
 Theo kết luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông, trong tổng số 650ha đất cấp tái định canh thì có đến 486ha là đất dốc, cằn cỗi, thiếu nước không bảo đảm sản xuất.

Câu hỏi: Đắk Glong cần phải làm gì để giải quyết những tồn tại hiện nay, sớm ổn định đời sống nhân dân Khu tái định cư Đắk Plao?

Đồng chí Trần Nam Thuần: Việc cấp bách hiện nay là giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, chi trả đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho người dân để cuộc sống của họ giảm bớt khó khăn; bên cạnh đó, việc bố trí đất sản xuất cho người dân còn thiếu cần sớm thực hiện triệt để, thực hiện việc cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm đất đai trái pháp luật…

Huyện ủy Đắk Glong đã Ban hành Quyết định số 158-QĐ/HU, ngày 15-2-2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các tồn tại vướng mắc của công trình thủy Điện Đồng Nai 3; Quyết định số 57-QĐ/UB, ngày 4-11-2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc kiện toàn Ban chỉ đạo giải quyết các tồn tại vướng mắc của công trình thủy điện Đồng Nai 3; thành lập Ban quản lý, giải quyết các tồn tại vướng mắc của công trình thủy điện Đồng Nai 3 và 4.

Ngoài ra, cần sự quan tâm từ Trung ương và tỉnh Đắk Nông để huyện Đắk Glong có những cơ chế ưu tiên, đặc thù sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đã kéo dài từ rất lâu.

Đồng thời, huyện Đắk Glong cũng cần hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Đắk Nông về nguồn kinh phí và các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân hậu thủy điện nhằm góp thêm nguồn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển nông nghiệp nông thôn, như: Chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số…