Sớm đưa Tuy Đức ra khỏi danh sách huyện 30a của cả nước

Từ thực tế của huyện biên giới còn gặp nhiều khó khăn, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa phát triển, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Tuy nhiên, trong những năm qua đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tuy Đức đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để đạt được những kết quả quan trọng.

Khoai lang Nhật Bản Tuy Đức, cây trồng chủ lực đã xuất khẩu ra thị trường nhiều nước trong khu vực.
Khoai lang Nhật Bản Tuy Đức, cây trồng chủ lực đã xuất khẩu ra thị trường nhiều nước trong khu vực.

Trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện Tuy Đức nhiệm kỳ 2020-2025, Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Bí thư Huyện ủy K’Bốt  chung quanh những giải pháp đột phá của Đảng bộ, với quyết tâm đưa Tuy Đức ra khỏi danh sách huyện 30a của cả nước vào giữ nhiệm kỳ.

Phóng viên: Đồng chí cho biết cơ sở để Đảng bộ huyện Tuy Đức xây dựng Nghị quyết nhiệm kỳ sát, đúng, trúng với yêu cầu phát triển của địa phương, đi vào thực tiễn đời sống thuận lợi, hiệu quả?

Đồng chí K’Bốt, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức: Để xây dựng Nghị quyết sát, đúng và tổ chực thực hiện hiệu quả, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, Đảng bộ huyện Tuy Đức căn cứ vào bốn yếu tố cơ bản đó là:

Thứ nhất, phải đánh giá đúng tình hình thực tiễn của địa phương cả về yếu tố thuận lợi, cũng như khó khăn, thách thức trên ba lĩnh vực chủ yếu bao gồm: điều kiện tự nhiên; điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng hệ thống chính trị. Đồng thời bám sát yêu cầu, nhiệm vụ và sự chỉ đạo của cấp trên để xây dựng nghị quyết, đề ra các nhiệm vụ giải pháp sát, đúng với tình hình thực tiễn.

Về thuận lợi, Tuy Đức có tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý tiếp giáp với nước bạn Campuchia, có của khẩu Bu PRăng thuận lợi trong phát triển thương mại, trao đổi hàng hóa. Có đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, các loại cây công nghiệp dài ngày. Có nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số…thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch. Hệ thống chính trị các cấp không ngừng được củng cố, kiện toàn; tinh thần đoàn kết phấn đấu vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn là điểm tựa, là cơ sở vững chắc nhằm bảo đảm việc thực hiện thắng lợi nghị quyết đảng bộ…

Về khó khăn, hiện Tuy Đức là huyện nghèo trong nhóm 30a của cả nước, hạ tầng giao thông còn thấp kém, dân cư phân tán, trình độ dân trí không đồng đều; tỷ lệ dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ các cấp một số còn hạn chế, nhất là cán bộ cơ sở.

Tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn ở mức cao, diễn biến phức tạp đã kéo theo nhiều hệ lụy xấu, địa phương phải dành nhiều thời gian, công sức để giải quyết. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đất quốc phòng, tranh chấp khiếu kiện, nhất là về đất đai diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài.

Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” trên các lĩnh vực, lôi kéo xâm nhập, vượt biên trái phép gây tiềm ẩn bất ổn về an ninh. Tuy Đức là huyện thuần nông, trong thời gian qua giá cả các loại nông sản ở mức thấp, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xuất hiện nhiều… đã làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khiến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, phải tập trung chỉ đạo quyết liệt trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nhằm quán triệt, triển khai đồng bộ, có kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện; phải có sự đoàn kết thống nhất; có sự đồng lòng chung sức của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nghị quyết.

Thứ ba, muốn tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết, trước hết phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội, nhất là giải quyết tốt vấn đề an ninh ở sở sơ, trong đó tập trung đẩy mạnh giải quyết tốt vấn đề tranh chấp đất đai, khiếu kiện.

Thứ tư, phải tranh thủ và sử dụng hiệu quả yếu tố ngoại lực, nhất là sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Đắk Nông trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách an sinh xã hội…

Phóng viên: Vì nhiều lý do khác nhau, Tuy Đức là địa phương thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là vị trí lãnh đạo buộc tỉnh Đăk Nông phải điều chuyển, bổ sung nhiều vị trí công tác chủ chốt nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn xây dựng và phát triển địa phương. Vậy, trong nhiệm kỳ này nguồn nhân lực của đảng bộ đã được bảo đảm?

Đồng chí K’Bốt, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức: Thực trạng đội ngũ cán bộ của địa phương trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo chưa bảo đảm tiêu chuẩn chức danh còn cao, nhiều cán bộ sai phạm bị xử lý nên dẫn đến thiếu hụt về nguồn nhân lực. Do đó, trong những năm qua đảng bộ đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, xem đây là nhiệm vụ then chốt.

Cụ thể, đã mở được hai lớp Trung cấp Lý luận chính trị tại huyện đào tạo 140 cán bộ các cấp, đồng thời cử nhiều cán bộ tham gia học Cao cấp lý luận chính trị, khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều cán bộ tự học để hoàn thiện về chuyên môn bậc đại học.

Kịp thời đề xuất với tỉnh Đắk Nông tăng cường cán bộ có chuyên môn đối với vị trí huyện đang thiếu nhằm hoàn thiện bộ máy điều hành, xây dựng địa phương phát triển.

Rà soát, luân chuyển cán bộ về cơ sở để rèn luyện trưởng thành…

Đến nay, đội ngũ cán bộ trong toàn huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt nguồn nhân sự cấp ủy Đảng bộ huyện Tuy Đức khóa IV nhiệm kỳ 2020 – 2025 được lựa chọn đều là những người tiêu biểu, bảo đảm về phẩm chất, năng lực, uy tín, trình độ tiêu chuẩn theo quy định.

Phóng viên: Để sớm đưa Tuy Đức phát triển, thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện nay, trong nhiệm kỳ tới Đảng bộ huyện Tuy Đức đã đề ra những giải pháp đột phá, trọng tâm nào?

Đồng chí K’Bốt, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức: Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm kỳ 2015 – 2020 và tình hình thực tiễn của địa phương, Đảng bộ đã xác định mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2020 - 2025 đó là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; quyết tâm giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025 đưa huyện Tuy Đức ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước”.

Xuất phát từ tiềm năng, lợi thế của địa phương và kết quả thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Đảng bộ đã xác định ba nhiệm vụ trụng tâm và hai đột phá đó là:

Về ba nhiệm vụ tập trung: Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, tập trung đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, bảo vệ và phát triển rừng gắn với quản lý dân cư, giải quyết hiệu quả tranh chấp, khiếu kiện trên địa bàn.

Tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực huyện có thế mạnh để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Về hai đột phá: Phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng và ưu tiên phát triển các loại cây trồng có thế mạnh và trang trại chăn nuôi tập trung; quan tâm xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình Hợp tác xã, tổ hợp tác.

Đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống dưới 50% theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021- 2026.

Phóng viên: So với nhiều địa phương khác, Tuy Đức là huyện có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiếu số cao, sống tập trung chủ yếu ở khu vực biên giới. Trong nhiệm kỳ này, Tuy Đức sẽ có những đột phá nào về công tác cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số? Chính sách nào để phát triển ổn định khu vực này?

Đồng chí K’Bốt, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức: Về công tác cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số: Trong những năm qua, việc bố trị cán bộ trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị được quan tâm, tuy nhiên tỷ lệ còn thấp.

Để tạo nguồn cán bộ cơ sở kế cận là người đồng bào dân tộc thiểu số, Thường trực, Ban thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo rà soát, lựa chọn con em đồng bào dân tộc thiểu số có hộ khẩu tại địa phương đã tốt nghiệp đại học, trung cấp chính quy để bố trí làm việc trong hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên hiện nay cơ chế, chính sách, kinh phí để chi trả phụ cấp cho đối tượng này chưa rõ ràng, chưa cụ thể, nên rất khó khăn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kiến nghị tỉnh Đắk Nông xem xét.

Về thực hiện chính sách dân tộc: Huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04,  năm 2016 về công tác giảm nghèo các bon đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; Kế hoạch số 51, năm 2018 về thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết số 04 của Huyện ủy về “Công tác giảm nghèo các bon đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn”.

Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động nâng cao nhận thức cho đồng bào  về đại đoàn kết, bảo đảm an ninh cơ sở, bảo vệ đường biên cột mốc biên giới; xóa bỏ các tập tục lạc hậu; quan tâm chỉ đạo thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để thay đổi cách làm ăn, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số…

- Cảm ơn đồng chí!

Một số hình ảnh về phát triển kinh tế xã hội huyện Tuy Đức:

Sớm đưa Tuy Đức ra khỏi danh sách huyện 30a của cả nước -0
 Cây mắc-ca của Tuy Đức đã có sản phẩm xuất bán rộng khắp trên thị trường trong nước, trở thành cây “xóa đói giảm nghèo” cho nhân dân địa phương.
Sớm đưa Tuy Đức ra khỏi danh sách huyện 30a của cả nước -0
Nhiều loại cây giống mới được người dân thử nghiệp thành công và cho năng suất cao trên cách đồng Tuy Đức.
Sớm đưa Tuy Đức ra khỏi danh sách huyện 30a của cả nước -0
 Người dân Tuy Đức đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao.
Sớm đưa Tuy Đức ra khỏi danh sách huyện 30a của cả nước -0
 Chăn nuôi heo rừng lai, một hướng đi mới, góp phần làm giàu cho nhiều người dân huyện Tuy Đức.