Hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh Thành phố Đà Lạt

NDO -

Trên lộ trình tiến tới xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh, Tập đoàn VNPT đã cùng tỉnh Lâm Đồng xây dựng Trung tâm điều hành thông minh Thành phố Đà Lạt. Chiều ngày 10-12, hệ thống đã chính thức đi vào hoạt động. Hệ thống này được ví như “cơ quan đầu não” của thành phố thông minh. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Lâm Đồng và Tập đoàn VNPT.

Hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh Thành phố Đà Lạt

Trung tâm điều hành thông minh Thành phố Đà Lạt (Trung tâm IOC - Intelligent Operation Center) được xây dựng với mục tiêu cung cấp cho lãnh đạo Chính quyền cái nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn thành phố. Hệ thống hiện có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống, như các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, giám sát trực quan trên bản đồ số, tình hình chất lượng dịch vụ y tế, việc xử lý phản ánh về bất cập đô thị, camera, trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp, quản lý thủ tục cấp phép xây dựng, tình hình giải quyết dịch vụ hành chính công…

Hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh Thành phố Đà Lạt ảnh 1

Đặc biệt, công nghệ được áp dụng hiện nay cho Trung tâm IOC cho phép thực hiện phân tích dữ liệu lớn để phát ra các cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định. Trung tâm điều hành thông minh Thành phố Đà Lạt hiện tại đã được tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bảo đảm tính chân thực, chính xác, minh bạch, trong đó có nhiều hệ thống đang cung cấp dữ liệu thời gian thực tại trung tâm.

Trong mảng Chính phủ điện tử, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Lâm Đồng đã được triển khai tập trung đến 100% sở, huyện, xã cũng sẽ được tích hợp trên hệ thống IOC. Đặc biệt, tại thành phố Đà Lạt, các dịch vụ hành chính công đang được cung cấp dưới dạng ứng dụng trên thiết bị di động với tên gọi “Đà Lạt Trực tuyến - iGov Connect” cũng sẽ được tích hợp trên hệ thống.

Hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh Thành phố Đà Lạt ảnh 2

Với việc tích hợp này, các số liệu khi người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa như: nộp hồ sơ, bấm số thứ tự, theo dõi quầy bốc số, tra cứu nhanh trạng thái hồ sơ, đánh giá thái độ phục vụ của nhân viên tiếp nhận hồ sơ, phản ánh kiến nghị của người dân đến các cơ quan chức năng của UBND thành phố sẽ được giám sát và cập nhật về Trung tâm IOC. Điều này giúp lãnh đạo thành phố có thể giám sát hầu hết hoạt động hành chính công. Với các số liệu được cập nhật theo thời gian thực, Trung tâm IOC sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho lãnh đạo trong việc ra các quyết định phù hợp, kịp thời.

Cũng trên ứng dụng “Đà Lạt trực tuyến”, người dân có thể gửi các phản ánh cho cơ quan chức năng của thành phố về hiện trạng đô thị như: sự cố đường sá, xây dựng trái phép, buồn bán lấn chiếm lề đường… Lãnh đạo thành phố có thể trực tiếp chỉ đạo và theo dõi trực quan được tình hình xử lý các vấn đề người dân phản ảnh.

Trong lĩnh vực du lịch, Trung tâm điều hành đang tiếp nhận dữ liệu liên tục được cập nhật từ 1.176 khách sạn và cơ sở lưu trú, 772 nhà hàng và địa điểm ẩm thực, 103 địa điểm du lịch, 75 địa điểm mua sắm, 489 điểm giải trí. Cổng thông tin du lịch (http://dalat.vn) và ứng dụng du lịch thông minh (Dalat City) sẽ được kết nối với Trung tâm IOC để cập nhật và theo dõi các số liệu từ hệ thống. Với Cổng thông tin du lịch (http://dalat.vn) và ứng dụng du lịch thông minh (Dalat City), du khách có thể tìm hiểu, cập nhật thông tin về thành phố Đà Lạt. Du khách cũng có thể đặt vé, phòng khách sạn trực tuyến hay tra cứu các sự kiện văn hóa, điểm đến, ẩm thực, giao thông, thời tiết.

Cũng đã được tích hợp trên trung tâm điều hành IOC thành phố Đà Lạt, hệ thống đã đưa vào vận hành dữ liệu thông tin quy hoạch đất đai, quy hoạch kiến trúc xây dựng, quy hoạch khu đô thị - nhà ở thông qua nền tảng bản đồ số GIS. Đây là dữ liệu của 97.751 thửa đất ở 12 phường, dữ liệu quy hoạch cho 11 phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố. Cùng với đó lớp dữ liệu hạ tầng giao thông với 207 đường, 577 cung đường và 625 hẻm, tạo thành một bức tranh toàn cảnh sinh động và cập nhật về hiện trạng thành phố trên giao diện số hóa.

Tương tự như vậy, các lĩnh vực Nông nghiệp, Giáo dục (Hệ thống quản lý trường học - VNPT School), Lĩnh vực y tế (Hệ thống khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế VNPT- HIS)… đều được tích hợp trên hệ thống IOC. Từ đó, giúp thành phố có nguồn dữ liệu tổng quát, tập trung, phục vụ công tác điều hành của lãnh đạo thành phố.

Với lượng dữ liệu lớn đổ về liên tục, Trung tâm IOC của thành phố Đà Lạt được tích hợp các công nghệ về phân tích dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) giúp phân tích khối dữ liệu khổng lồ được cập nhật thường xuyên từ các lĩnh vực. Trên cơ sở đó giúp lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành đưa ra các quyết định điều hành phù hợp. Đó là lý do mà trung tâm IOC được ví như “cơ quan đầu não” của một thành phố thông minh.

Với mục tiêu cung cấp cho lãnh đạo Chính quyền cái nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra, thực hiện giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể, hỗ trợ ra quyết định, Trung tâm điều hành thông minh thành phố Đà Lạt được xây dựng với hệ màn hình ghép giám sát cỡ lớn, đã được đưa vào hoạt động trước thềm Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 8-2019 để giám sát các chỉ tiêu chính sau: Giám sát và điều hành: chỉ tiêu báo cáo, thống kê; hiệu quả hoạt động của chính quyền và độ hài lòng của người dân; an ninh trật tự công cộng; các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, quản lý sử dụng đất đai; Tương tác, giao tiếp phục vụ công dân.

Việc thành phố Đà Lạt cùng với Tập đoàn VNPT khởi xướng và xây dựng thành công Trung tâm điều hành thông minh Thành phố Đà Lạt là một bước tiến lớn trên lộ trình tiến tới xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh, nhằm tạo được những lợi ích thiết thực nhất trong phục vụ người dân, du khách, doanh nghiệp. Cùng với chủ trương, định hướng của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh và sự vào cuộc của các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin (VT-CNTT), tin tưởng rằng phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung sẽ là đơn vị đi đầu cả nước về ứng dụng CNTT, theo đúng chủ trương của Chính phủ.