Đòn bẩy phát triển nông thôn ở Bình Phước

Trong những năm qua, Bình Phước tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn, trong đó chú trọng xây dựng nông thôn mới (NTM) và xóa nghèo bền vững. Đến cuối năm 2020, Bình Phước sẽ có 60/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt 66,6% tổng số xã trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,56%.
 

Bình Phước đẩy nhanh tiến độ bê-tông hóa giao thông nông thôn, tạo thuận lợi trong đi lại và thông thương hàng hóa.
Bình Phước đẩy nhanh tiến độ bê-tông hóa giao thông nông thôn, tạo thuận lợi trong đi lại và thông thương hàng hóa.

Tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Bình Phước được T.Ư chọn xã Tân Lập, huyện Đồng Phú là một trong 11 xã chỉ đạo điểm của cả nước để thực hiện thí điểm xây dựng NTM. Đây là một thuận lợi để triển khai thực hiện và rút kinh nghiệm, vận dụng và phát huy sáng tạo cho giai đoạn 2 (2016-2020). Từ đó xây dựng NTM đã đạt được kết quả nổi bật, vượt chỉ tiêu, lộ trình đặt ra.

Trong quá trình xây dựng NTM, Bình Phước xác định vai trò chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở trong việc tổ chức chỉ đạo điều hành hết sức quan trọng. Từ đó, đứng đầu phải phát huy trách nhiệm; phân công, phân cấp trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng thành viên ban chỉ đạo, từng cơ quan đơn vị, từng cán bộ, đảng viên không để tình trạng né tránh.

Tỉnh ủy Bình Phước tập trung lãnh đạo với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, liên tục đến tận cơ sở. Đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban ngành liên tiếp xuống cơ sở để tháo gỡ khó khăn vướng mắc kịp thời, tạo khí thế trong xây dựng NTM.

Đặc biệt, Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu được xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng. Qua đó, thu hút sự tham gia của người dân, đẩy nhanh tiến độ quá trình xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, giàu đẹp.

Với tinh thần “mỗi người dân góp một ý tưởng xây dựng nông thôn mới” các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xây dựng NTM với nhiều cách làm hay sáng tạo, như: sử dụng nguồn vốn công khai, dân chủ; lập “quỹ nông thôn mới”; mỗi chi bộ, đoàn thể đăng ký một chỉ tiêu thi đua; cộng đồng dân cư cùng nhau tự quản, tự làm đường giao thông, kênh mương theo quy chuẩn. Phong trào “hiến đất mở đường, xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp” cũng đem lại hiệu quả cao. Các địa phương trong tỉnh “phát động toàn dân hiến đất, mở đường xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp” và phát động  phong trào “góp đất làm đường giao thông đồng ruộng”...

Ở nhiều xã, nhân dân đã góp hàng vạn ngày công, hàng tỷ đồng, tự nguyện hiến hàng chục héc-ta đất nông nghiệp, hàng nghìn mét vuông đất ở, tự phá dỡ hàng nghìn mét tường cổng, hàng trăm mét vuông công trình phụ và nhà ở để mở rộng đường trục thôn, đường trong khu dân cư và xây dựng kênh mương, đường giao thông nội đồng. Tiêu biểu như: xã Đức Liễu (Bù Đăng), xã Long Giang (Phước Long), xã Thanh Lương, Thanh Phú (Bình Long), xã Tân Thành, Tân Hưng (Đồng Xoài)...

Nhiều cá nhân đã tự giác, tích cực vận động nhân dân hiến đất, ủng hộ tiền vốn làm đường giao thông, tiêu biểu như: ông Trương Văn Đảo, xã Phước Tín (Phước Long) đóng góp hơn 150 triệu đồng; ông Trương Đường, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) đóng góp hơn 700 triệu đồng làm đường; ông Nguyễn Viết Tuyên ở ấp 3, xã Mình Thành (Chơn Thành) đã tự nguyện hiến đất và đóng góp một tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn; ông Nguyễn Đăng Khoa ở ấp 6, xã Minh Long (Chơn Thành) đóng góp 126 triệu đồng...

Đặc biệt, nhiều cá nhân tuy còn có khó khăn trong cuộc sống, nhưng đã sẵn lòng góp hàng chục triệu đồng, hiến hàng trăm mét vuông đất ở để mở đường hoặc xây dựng công trình phúc lợi. Nhiều cụ đã ngoài 80 tuổi vẫn tích cực vận động con cháu ủng hộ hàng trăm triệu đồng. Hàng nghìn hộ làm ăn khá giả và con em công tác xa quê; nhiều chức sắc tôn giáo đã ủng hộ hàng chục, hàng trăm triệu đồng trong phong trào thi đua.

 Đến nay đã có 1.974 tập thể, cá nhân tham gia đóng góp từ 20 triệu đến 100 triệu đồng. Nhân dân các địa phương tự nguyện hiến gần 2.000ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; một số công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao, một số chỉ tiêu đã hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Đòn bẩy phát triển nông thôn ở bình phước -0
Khu tái định cư Tiểu khu 42 (xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập) nơi an cư cho hàng trăm hộ đồng bào khó khăn về nhà ở và đất sản xuất.

Thần tốc bê-tông hóa giao thông nông thôn

Đặc biệt, từ năm 2018, Bình Phước triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các xã về đích NTM, trong đó có thực hiện mô hình đưa lực lượng vũ trang chung sức xây dựng NTM ở xã Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh). Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng vũ trang cùng nhân dân thi công xong 16km đường bê-tông xi-măng (BTXM). Từ kết quả đó, cuối năm 2018 Tỉnh ủy Bình Phước đề ra chương trình đột phá trong xây dựng NTM là thực hiện 1.000km đường BTXM trong năm 2019.

Thực hiện kết luận số 210-KL/TU ngày 9-7-2018 của Tỉnh ủy Bình Phước, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 15-3-2019 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung kế hoạch về việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Bình Phước đã thực hiện nhiều nội dung, nhiệm vụ giải pháp khác nhau. Trong đó, tỉnh hỗ trợ141.400 triệu đồng cho bảy huyện để mua xi măng; các huyện đối ứng vốn mua cát, đá; huy động động cộng đồng dân cư được hơn 196.222 triệu đồng.

Ông Lường Đình Hải, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Bình Phước cho biết, đây là chủ trương mới, chỉ tiêu phấn đấu mới nên trong quá trình thực hiện nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị; được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo các cấp, các ngành. Công tác triển khai thực hiện theo cơ chế đặc thù, có thiết kế mẫu, phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân nên được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ đó, nhiều huyện đã tiên phong về đích và vượt chỉ tiêu tỉnh giao.

Huyện Hớn Quản làm được 100,07km với tổng kinh phí để thực hiện 94.315 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh 39.400 triệu đồng, ngân sách huyện 14.935 triệu đồng, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp: 39.980 triệu đồng. Bù Đốp là huyện biên giới, điều kiện kinh tế nhiều khó khăn nhưng cũng thực hiện được với 270 tuyến (72,066 km) BTXM nông thôn với tổng mức đầu 37.362 triệu đồng.  

Năm 2020, Tỉnh ủy Bình Phước tiếp tục triển khai chương trình 1.000km đường BTXM nông thông (đến nay đã giao thực hiện được 650km). Khi hoàn thành 1.000km đường nông thông, Bình Phước cơ bản hoàn thành việc bê-tông hóa đường giao thông nông thôn. Từ đó, hạ tầng giao thông từ vùng xa đến thành thị được cứng hóa, hàng hóa lưu thông thuận lợi, kinh tế nông thôn phát triển, đời sống nhân dân nâng cao.

Đòn bẩy phát triển nông thôn ở bình phước -0
 Bình Phước đẩy mạnh phát triển chăn nuôi nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Dồn lực xóa 1.000 hộ nghèo

Bình Phước hiện có khoảng một triệu dân, với 41 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó 20% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Giai đoạn 2016-2018, cả tỉnh giảm được 1.945 hộ nghèo.

Nhằm tạo sự đột phá trong giảm nghèo, 4-2019, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 168-KH/TU về phúc tra, rà soát số liệu và các chính sách thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế, xã hội bền vững vùng DTTS của tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Qua đó, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung rà soát, phúc tra nhu cầu của đồng bào từ nhà, đất ở, nước sinh hoạt, vốn sản xuất, con giống, đào tạo nghề, nhà vệ sinh đến phương tiện sản xuất... Tiếp tục thực hiện nghị quyết về giảm 1.000 hộ nghèo DTTS, vừa qua, UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ 75,2 tỷ đồng cho công tác giảm hộ nghèo DTTS năm 2020 cho bảy huyện, trong đó có ba huyện biên giới Bù Đốp, Lộc Ninh và Bù Gia Mập.

Năm 2020, huyện Lộc Ninh còn hơn 1.300 hộ nghèo, trong đó gần 790 hộ DTTS, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Với mục tiêu “Tất cả vì người nghèo, giúp người nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo”, đầu năm 2020, UBMTTQVN huyện Lộc Ninh đã phát động chương trình “khát vọng thoát nghèo” ở tất cả xã trên địa bàn huyện biên giới và được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Ông Lê Trường Sơn, Bí Thư, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết, giải pháp các xã trên địa bàn huyện Lộc Ninh đang hướng tới là lấy người dân làm trung tâm và tự ý thức, chủ động vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vận động “khát vọng thoát nghèo”, huyện đã đồng loạt thực hiện khi người dân tự nguyện thoát nghèo sẽ tặng hai triệu đồng/hộ và nhiều phần quà khác. Sắp tới, Lộc Ninh tiếp tục phát triển quỹ khát vọng thoát nghèo để bà con chủ động hơn. Với cách làm này, hiện Lộc Ninh đã có ba xã không còn hộ nghèo

Lộc Khánh cũng là một trong những xã có số hộ DTTS đông của huyện Lộc Ninh. Đầu năm 2020, xã còn 190 hộ nghèo, trong đó 142 hộ DTTS. Qua khảo sát, toàn xã có 69 hộ cần hỗ trợ xây nhà mới, 36 hộ cần hỗ trợ con giống, 12 hộ cần hỗ trợ về thu nhập, 106 hộ cần hỗ trợ về giếng nước, xe máy, tivi, xây dựng nhà vệ sinh… Đến nay, toàn xã đã có 42 hộ thoát nghèo, trong đó chín hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Cuối tháng 8 vừa qua, xã Lộc Khánh đã tổ chức chương trình “Khát vọng thoát nghèo” và cấp giấy chứng nhận cho 42 hộ dân thoát nghèo, trong đó trao tiền hai triệu đồng/hộ cho chín hộ tự nguyện xin thoát nghèo. Đồng thời, lãnh đạo xã, các ban, ngành cũng trao tặng nhiều phần quà thiết thực để chung tay xóa nghèo và chống tái nghèo cho các hộ vừa thoát nghèo trên địa bàn xã.

Bình Phước còn 1,56% hộ nghèo

Năm 2020, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ xây dựng 719 căn nhà đại đoàn kết với tổng trị giá khoảng 57,52 tỷ đồng cho tám huyện, thị xã. Trong đó, dự kiến hỗ trợ chương trình xóa 1.000 hộ nghèo DTTS sẽ xây dựng 451 căn nhà.

Bên cạnh đó, các chương trình như hỗ trợ nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, điện lưới, vay vốn chính sách đến tạo việc làm... cũng được thực hiện đồng thời và mang lại hiệu quả thiết thực.

Tính đến tháng 9-2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ 190/511 nhà vệ sinh; 220/574 hộ có nhu cầu nước sinh hoạt; hỗ trợ kéo điện cho 20/413 hộ; 33/497 cái tivi; vay vốn ưu đãi tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội 146/192 hộ; tạo việc làm cho 782/1.629 nhu cầu.

Kết quả giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh giảm được 4,59% hộ nghèo (bình quân mỗi năm giảm 0,9%, đạt 180% kế hoạch giao), đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 1,56% vào cuối giai đoạn.

Với việc đẩy mạnh xây dựng NTM và thực hiện các biện pháp giảm nghèo, bộ mặt nông thôn ở Bình Phước có nhiều khởi sắc. Các nhu cầu thiết yếu như điện - đường - trường - trạm - nước sạch đã đáp ứng gần như 100% vùng nông thông. Mặc dù một số mặt hàng nông sản đang xuống thấp, nhưng nhờ chính sách đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nên người dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn có thu nhập hơn 70 triệu đồng/ người/ năm.

Để có được kết quả trên đó là nhờ những Nghị quyết sát sườn của Tỉnh ủy Bình Phước và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, các ngành trong thời gian qua.