Điện lực Sơn La vượt khó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Sơn La là một tỉnh miền núi, biên giới nhiều dân tộc còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Điện lực Sơn La cũng đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để bảo đảm việc cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, vận hành đã giúp tăng năng suất lao động, hỗ trợ các tiện ích đem đến nhiều sự hài lòng cho người dân sử dụng điện. 

- Trung tâm điều khiển điện từ xa của Công ty Điện lực Sơn La.
- Trung tâm điều khiển điện từ xa của Công ty Điện lực Sơn La.

Chặng đường vượt khó

Ngày 13-3-1990, Bộ Năng lượng đã ra Quyết định thành lập Sở Điện lực Sơn La trực thuộc Công ty Điện lực 1 trên cơ sở hợp nhất các cơ sở phát điện trong tỉnh. Đồng thời, các trạm điện từ các huyện trong tỉnh được giao về cho Sở Điện lực Sơn La quản lý. Đây là khởi đầu nhiều khó khăn để hình thành, phát triển công ty Điện lực Sơn La như ngày nay, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La.

Nhớ lại ngày đầu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, cũ nát, hệ thống nguồn lưới điện không được đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, nguồn điện thắp sáng của tỉnh Sơn La chủ yếu chạy bằng diezel và nhà máy thủy điện Chiềng Ngàm công suất chưa đến 2MW. Cũng bởi sản lượng điện thấp, tỷ lệ tổn thất cao, chất lượng điện năng không bảo đảm, thời gian cấp điện không ổn định, nên điện giai đoạn đó chỉ thị xã Sơn La và một vài trung tâm thị trấn huyện trong tỉnh có điện thắp sáng.

Điện lực Sơn La vượt khó: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương -0
 Công nhân điện lực Sơn La khắc phục hậu quả mưa lũ cung cấp điện cho người dân.

Năm 1990, Công ty Điện lực Sơn La mới quản lý 163 km đường dây trung thế, 72 km đường dây hạ thế, 11 trạm biến áp, sản lượng điện 3,3 triệu kWh, với  hơn chín nghìn khách hàng. Sử dụng điện giai đoạn đó được ví là sa xỉ, chỉ khoảng 9% số dân trong tỉnh có điện. Trải qua 30 năm xây dựng phát triển, đến nay Công ty Điện lực Sơn La đã có bước phát triển mạnh mẽ, hệ thống lưới điện quốc gia đã vươn đến tận vùng sâu vùng xa, vùng biên giới phục vụ đồng bào các dân tộc. Tính đến ngày 31-8-2020, Công ty Điện lực Sơn La đã có hệ thống lưới điện phát triển rộng khắp, với gần 413,88 km đường dây 110 kV, sáu trạm biến áp 110 kV, 2.370 máy biến áp phân phối 35 - 22 - 10 - 6/0,4 kV, có 4.489,35 km đường dây trung thế, 4699.20 km đường dây hạ thế, 285.116 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, chiếm 97% số hộ trong toàn tỉnh, trong đó có 236.963 hộ khu vực nông thôn.

Điểm nổi bật của ngành điện Sơn La từ năm 2010 đến nay là đã bám sát quy hoạch điện lực và mục tiêu phát triển hệ thống điện lưới quốc gia gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là chương trình điện khí hóa nông thôn, phục vụ xây dựng nông thôn mới... Ngành điện Sơn La đã có sự bứt phá mạnh mẽ, cùng với tập trung đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý vận hành an toàn hệ thống lưới điện, chỉ số kinh doanh của Công ty đều có sự tăng trưởng, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm, thời gian cắt điện ít hơn, dịch vụ ngày càng hoàn thiện, thủ tục cấp điện cho khách hàng được thực hiện nhanh nhất.

Khắc phục khó khăn về nguồn vốn, Công ty Điện lực Sơn La đã tích cực tham mưu với tỉnh và ngành điện lồng ghép nhiều nguồn lực để đầu tư. Trong đó, Dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc Sơn La (2012 - 2015) có số vốn lên đến 577 tỷ đồng, cung cấp điện cho hơn 52 nghìn hộ dân. Sau này còn nhiều dự án khác với số vốn hàng trăm tỷ đồng đã góp phần cấp điện cho hàng chục nghìn hộ dân, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đến hết năm 2020, tỷ lệ số hộ trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97%, đạt mục tiêu do Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra.

Quá trình phát triển công ty Điện lực Sơn La đã quan tâm xây dựng đội ngũ ngày càng vững mạnh. Đến nay, công ty có bảy đơn vị điện lực trực thuộc, với gần 900 cán bộ; trong đó có 19 thạc sĩ, 389 người có trình độ đại học, 35 cao đẳng, còn lại là công nhân kỹ thuật có trình độ chuyên môn, tay nghề cao. Đến hết năm 2019, sản lượng điện thương phẩm trên 604 triệu kWh, tăng 180 lần so với năm 1990; tỷ lệ tổn thất điện năng còn 5,7%, giảm gần sáu lần so với năm 1990; doanh thu 1.123 tỷ đồng, tăng gần 2.300 lần so với năm 1990.

Ứng dụng công nghệ mới

Điện lực Sơn La vượt khó: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương -0
 Đóng điện đưa ánh sáng về các bản vùng sâu vùng xa ở Sơn La.

Phát huy truyền thống 30 năm xây dựng và phát triển, bước vào giai đoạn mới Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La Cầm Văn Giáo cho biết: Chúng tôi xác định cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Với mục tiêu chuyên nghiệp hóa quá trình sản xuất kinh doanh, tăng năng xuất lao động. Đặc biệt, quan tâm vừa kinh doanh hiệu quả, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Ba năm trở lại đây, Công ty đã triển khai thực hiện một loạt các ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Trong đó, từ ngày 10-6-2018, Công ty đã đưa Trung tâm điều khiển từ xa vào quản lý vận hành, mang lại hiệu quả cao.

Trước kia, với chế độ trực ba ca năm kíp, mỗi trạm biến áp 110kV đòi hỏi phải có ít nhất 11 nhân viên trực vận hành thay phiên nhau. Khi đưa Trung tâm điều khiển vào vận hành và chuyển các trạm biến áp sang mô hình vận hành không người trực, các điều độ viên tại phòng Điều độ. Nhờ có Trung tâm điều khiển, bất kỳ một tình trạng bất thường nào xảy ra (điện áp thấp, ngắn mạch, chạm đất…), đều được hệ thống theo dõi, cảnh báo, xử lý kịp thời, khôi phục chế độ vận hành bình thường của hệ thống, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng.

Với những ưu việt và lợi ích thiết thực, việc đưa Trung tâm điều khiển vào vận hành đã phản ánh nỗ lực của toàn thể cán bộ Lãnh đạo, nhân viên Công ty Điện lực Sơn La trong việc phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa công tác vận hành và quản lý hệ thống, góp phần giảm chi phí vận hành và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng điện năng.

Để thích ứng với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Công ty đã triển khai một loạt các ứng  dụng khác, như: Áp dụng Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS); Thực hiện phần mềm chấm nợ (thu tiền điện) qua máy tính bảng; Hệ thống thu thập dữ liệu từ xa và phần mềm ghi chỉ số online; Hệ thống nhắn tin chăm sóc khách hàng. Với hệ thống nhắn tin chăm sóc khách hàng, đây là một kênh ứng dụng không mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp. Nhưng là cầu nối rất quan trọng giữa ngành Điện và khách hàng. Các thông tin như tiền điện, ngày ghi số, lịch cắt điện, hỗ trợ giá do dịch bệnh Covid-19,… đều được ngành Điện gửi tới khách hàng qua hệ thống tin nhắn SMS, Zalo.

Ông Vũ Xuân Quỳnh, ở Tổ 10, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, cho biết: “Trước đây, mỗi khi bị mất điện, điện không ổn định không biết kêu ai. Từ khi có Trung tâm chăm sóc khách hàng, mọi thắc mắc đều được giải đáp nhanh chóng, thỏa đáng. Không chỉ thế, tôi thấy cán bộ, công nhân Điện lực Sơn La đã có bước chuyển về phong cách phục vụ, chu đáo, tận tình hơn”.

Điện lực Sơn La vượt khó: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương -0
Hướng dẫn người dân Sơn La sử dụng điện. 

Nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, tới đây Công ty tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối Internet, sử dụng các phần mềm trong sản xuất điều hành, cải cách thủ tục hành chính trong ngành điện. Việc nâng cấp website, thành lập các trang mạng xã hội, thúc đẩy tiếp thị, quảng bá, trao đổi thông tin qua Internet giúp trao đổi thông tin với khách hàng nhanh, hiệu quả và chi phí thấp. Ứng dụng thương mại điện tử vào quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, tăng cường giao dịch điện tử trên Internet, nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng…

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La, bà Lê Thị Song Hảo, cho biết: Thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, ngành điện đã có nhiều thay đổi trong việc triển khai các giao dịch điện tử, bắt đầu từ việc sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy, thực hiện thanh toán tiền điện, phí cấp điện mới và các dịch vụ khác trực tuyến trên Internet… rút ngắn được thời gian làm thủ tục. Hiện, Công ty đang đẩy mạnh thực hiện thanh toán điện tử, đa dạng hóa các kênh thanh toán tiền điện qua trích nợ tự động từ tài khoản ngân hàng, sử dụng Mobile banking để tự thanh toán, thanh toán trực tuyến qua Website chăm sóc khách hàng,…

Những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công nhân Công ty Điện lực Sơn La 30 năm qua đã được Đảng, Nhà nước, tặng một Huân chương Lao động hạng nhất, một Huân chương Lao động hạng nhì, một Huân chương Lao động hạng Ba. “Vì sự phồn vinh của quê hương Sơn La, vì sự phát triển bền vững của ngành điện” Công ty Điện lực Sơn La phấn đấu giữ vai trò là ngành kinh tế chủ lực, góp phần phục vụ hiệu quả sự nghiệp sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.