Ấn tượng các sản phẩm của Kiên Giang

NDO -

NDĐT - Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Kiên Giang vừa tham gia Hội chợ đặc sản vùng miền tại thành phố Hà Nội từ ngày 20 đến 24-11. Tại sự kiện này, gian hàng của Kiên Giang tham dự với hàng chục sản phẩm, thủ công, nông sản, hàng tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm truyền thống tạo được ấn tượng đẹp

Dán nhãn cho nước mắm cá cơm truyền thống tại Phú Quốc.
Dán nhãn cho nước mắm cá cơm truyền thống tại Phú Quốc.

Nước mắm cá cơm truyền thống

Từ cuối thế kỷ XIX, nghề đánh cá ven biển ở Phú Quốc gắn với nghề làm nước mắm với quy mô lớn đã hình thành. Một số tài liệu của người Pháp nhắc đến Phú Quốc như là trung tâm làm nước mắm nổi tiếng của Việt Nam và cả khu vực Đông-Nam Á. Nước mắm Phú Quốc nổi tiếng với vị dìu dịu, thơm lừng mùi cá cơm.

Thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới là hai nơi sản xuất nước mắm nhiều nhất đảo. Nơi đây có rất nhiều gia đình làm nước mắm bí truyền theo phương pháp cha truyền con nối và giữ vững tiếng tăm từ đời này sang đời khác. Thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã được chứng nhận chỉ dẫn xuất xứ ở châu Âu.

Đối với nước mắm Phú Quốc thì nguồn nguyên liệu chính để tạo ra giọt nước mắm thơm ngon đó chính là cá cơm. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi nên có nhiều rong biển và phù du nguồn thức ăn lớn cho cá cơm. Do đó, cứ đến tháng 7, tháng 12 hằng năm, người dân nơi đây lại bắt đầu ra biển với những chuyến đi đánh bắt cá cơm làm nguyên liệu để sản xuất nước mắm.

Để cho hương vị của nước mắm trở nên khác biệt, người dân nơi đây chỉ sử dụng loại cá cơm sinh sống tại vịnh Thailand và vùng biển Phú Quốc. Ngoài ra, quá trình ủ chượp cá trong những thùng gỗ to có sức chứa từ 10 tấn đến 15 tấn. Chính từ cách thức ủ cá khác biệt so những địa phương khác đã tạo cho nước mắm Phú Quốc rất trong và có màu vàng cánh gián đậm, mùi thơm nhẹ, vị mặn đậm đà.

Hiện nay, tại Phú Quốc có khoảng 70 nhà thùng đang hoạt động, sản xuất những chai nước mắm cá cơm thượng hạng. Phần lớn du khách đã từng đặt chân đến đảo ngọc đều cho rằng ở đây không chỉ có vẻ đẹp của biển mà con bị thu hút bởi vẻ đẹp lộng lẫy của những nhà thùng nước mắm. Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, hiện nay nước mắm Phú Quốc còn được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản… Với khoảng 70 doanh nghiệp sản xuất, cung ứng ra thị trường hơn 30 triệu lít nước mắm, doanh thu hơn 600 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Sản phẩn thân thiện môi trường

Hưởng ứng kêu gọi “Thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon dùng một lần bằng sản phẩm thân thiện với môi trường”, cộng đồng các doanh nghiệp ở tỉnh Kiên Giang đã có những hoạt động thiết thực. Nổi bật nhất là thay thế dần các vật dụng chứa đựng, trang trí bằng nhựa chuyển sang sử dụng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đan lát từ mây, tre, nứa, lục bình, cỏ bàng...

Qua kết quả khảo sát tại huyện Gò Quao và các huyện vùng U Minh Thượng ở tỉnh Kiên Giang cho thấy, đã có nhiều doanh nghiệp nhà hàng khách sạn ở Phú Quốc liên hệ đặt hàng các sản phẩm đan lát từ tre, trúc tăng lên. Với lợi thế sản phẩm giá rẻ chỉ 7.000 đến 120.000 đồng, mỗi ngày trung bình một thành viên Tổ hợp tác (THT) đan lát Vĩnh Thuận có thể làm ra 50 sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vĩnh Thuận tham mưu UBND huyện có chính sách hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp đầu tư nâng cấp điều kiện sản xuất kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.

Mới đây, Công ty Hoa tươi Dalat Hasfarm ở tỉnh Lâm Đồng vừa có kế hoạch chiến lược kinh doanh thay thế các lọ cắm hoa tươi bằng sản phẩm đan lát từ sợi lục bình. Công ty này đã nghiên cứu tìm hiểu thị trường và định hướng lựa chọn, đặt hàng sản phẩm lọ hoa, bình hoa đan lát lục bình của doanh nghiệp trên địa bàn huyện Gò Quao - Kiên Giang.

Với nhu cầu mới của thị trường, việc kết nối thành công trực tiếp giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng cơ sở sản xuất tiểu thủ công tại địa phương là kết quả của quá trình xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm đặc trưng của Kiên Giang, làng nghề nông thôn trong của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, trong thời gian vừa qua

Theo đó, định hướng năm 2020, Trung tâm sẽ tiếp tục tập trung giới thiệu, trưng bày các sản phẩm chủ lực tỉnh Kiên Giang đến các sự kiện hội chợ, tuần hàng nhất là các chuỗi sự kiện liên quan đến Chương trình "Mỗi làng một sản phẩm - OCOP".

Ấn tượng các sản phẩm của Kiên Giang ảnh 1

Một gian hàng trưng bày các sản phẩm thân thiện môi trường.