50 năm EVNNPC: Sức mạnh và niềm tin

NDO -

Ngày 6-10-1969, Công ty Điện lực, tiền thân của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) hôm nay được thành lập theo Quyết định số 106/QĐ-TC của Bộ trưởng Bộ Điện và Than nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải tiến quản lý kinh tế, hoạt động theo cơ chế hạch toán kinh tế.

50 năm EVNNPC: Sức mạnh và niềm tin

Đây là một bước chuyển quan trọng về cơ chế, nhằm tạo ra những bước phát triển mới gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của một ngành kinh tế quan trọng với hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD); là bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Điện lực Việt Nam.

Bề dày truyền thống

Trongcác đợt leo thang bắn phá miền bắc của đế quốc Mỹ, các cơ sở của Công ty Điện lực phải đương đầu với 1.634 trận đánh, những với tinh thần “vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu”, CBCNV Công ty Điện lực vừa chiến đấu, vừa tổ chức sản xuất, khôi phục các cơ sở điện lực bị tàn phá, bảo đảm dòng điện vận hành liên tục. Đến cuối năm 1973, Công ty đã đưa 12 lò hơi, 11 tổ máy vào vận hành nâng công suất từ 181MW khi tiếp nhận lên 231MW; phục hồi toàn bộ hệ thống lưới điện, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân miền bắc. Vì mục tiêu “Giữ vững dòng điện trong mọi tình huống”, 123 CBCNV Công ty Điện lực đã anh dũng hy sinh trong các trận chiến đấu.

Năm 1976, khi miền nam đã được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngành Điện lực Việt Nam được chia thành ba Công ty Điện lực quản lý tương ứng 3 miền: bắc - trung - nam là: Công ty Điện lực Miền Bắc (tiền thân là Công ty Điện lực), Công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực Miền Nam trực thuộc Bộ Điện và Than. Năm 1981, Bộ Điện lực được thành lập theo Nghị định số 170-CP ngày 23-4-1981 của Hội đồng Chính phủ. Theo Quyết định số 15ĐL1/TCCB ngày 9-5-1981, Công ty Điện lực Miền Bắc được chuyển từ Bộ Điện và Than về trực thuộc Bộ Điện lực và đổi tên thành Công ty Điện lực 1.

Năm 1987, Bộ Năng lượng được thành lập theo Nghị định số 47/HĐBT ngày 5-3-1987 của Hội đồng Bộ trưởng (trên cơ sở sáp nhập các Bộ Điện lực với Bộ Mỏ và Than), Công ty Điện lực 1 là đơn vị hạch toán độc lập trực thuộc Bộ Năng lượng. Thành tựu nổi bật của giai đoạn này được mở đầu bằng sự kiện đưa 4 tổ máy (440MW) của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại vào vận hành an toàn, bảo đảm ổn định hệ thống, nâng sản lượng điện lên hàng tỷ kW giờ (năm 1988 đạt sản lượng 3,87 tỷ kW giờ). Tháng 12-1988, tổ máy 1 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được đưa vào vận hành an toàn và tháng 12-1994, công trình được hoàn thành với tổng công suất 1.920MW, tăng thêm 20% sản lượng điện cho hệ thống điện miền Bắc. Năm 1995, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) ra đời, Công ty Điện lực 1 được chuyển từ Bộ Năng lượng về trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam từ ngày 1-4-1995. Công ty Điện lực 1 đã hoàn thành vai trò sứ mệnh lịch sử của mình.

Bước chuyển về chất

Giai đoạn 2000-2009, Công ty Điện lực 1 luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch; không ngừng phát triển hệ thống lưới điện phân phối, bảo đảm cung ứng điện với tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10,3%-13%. Năm 2010, với sự ra đời của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 1 và tiếp nhận lại các Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Hải Dương và Ninh Bình, EVNNPC được tổ chức theo hình thức Công ty TNHH MTV và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, đánh dấu bước trưởng thành lớn cả về lượng và chất, đáp ứng xu thế phát triển. Giai đoạn 2010-2014, EVNNPC thực hiện các chương trình, mục tiêu lớn mà Đảng và Chính phủ giao: thực hiện tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT), trực tiếp bán điện đến các hộ dân, bảo đảm người dân được hưởng giá bán điện theo đúng quy định của Chính phủ; thực hiện chương trình đưa điện đến các thôn bản, miền núi, biên giới và hải đảo, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Giai đoạn 2016-2018, tăng trưởng điện khu vực miền bắc luôn ở mức cao, tình hình thiên tai, biến động bất thường của thời tiết, việc thu xếp vốn đầu tư các dự án điện gặp khó khăn… Tuy nhiên, Ban Lãnh đạo EVNNPC luôn bám sát tình hình SXKD của các đơn vị để đưa ra những định hướng sát thực tế; chỉ đạo kiên quyết, triệt để, kịp thời, toàn diện các lĩnh vực SXKD, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu EVN giao.

Xác định tầm quan trọng của đầu tư xây dựng phục vụ SXKD, EVNNPC đã tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả như chống quá tải lưới điện, đặc biệt là lưới 110kV; cấp điện cho các khách hàng công nghiệp; cải tạo tối thiểu LĐHANT sau tiếp nhận… Giai đoạn 2014 - 2018, EVNNPC thực hiện “Tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn” và “Năng suất và hiệu quả”, “Đẩy mạnh KHCN”, chú trọng công tác quản trị DN nhằm nâng cao hiệu quả SXKD, nâng tầm thương hiệu; hiện đại hóa lưới điện, ứng dụng KHCN trong quản lý vận hành lưới điện và kinh doanh; nghiên cứu áp dụng CNTTvào quản lý nhân sự trên máy tính (HRMS)…

EVNNPC là đơn vị dẫn đầu toàn ngành điện về công tác điện nông thôn. Tính đến 31-12-2018, số huyện có điện trên địa bàn quản lý đạt 247/247 huyện, đạt tỷ lệ 100%; 5.032/5.032 xã có điện lưới quốc gia (100%) và 7.773.928/7.898.983 hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia (98.3%). Riêng năm 2018, EVNNPC tiếp nhận 17 xã, cụm với 18.892 hộ; 325 km đường dây hạ thế; 754 công trình, hạng mục công trình với giá trị 534,6 tỷ đồng được đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước theo Quyết định số 41/QĐ-TTg; 31 công trình, hạng mục công trình trên địa bàn 11 tỉnh theo nguồn vốn ngân sách Nhà nước được phân bổ thuộc Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 (Chương trình 2081) với khối lượng 276,3 km đường dây trung áp và hạ áp và 74 TBA…

Đến hết năm 2015, EVNNPC đã cấp điện cho ba huyện đảo trên địa bàn gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng) và tiếp nhận để bán điện trực tiếp đến khách hàng trên huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Cùng với việc hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến đảo Cái Chiên và đảo Trần (Quảng Ninh), góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đến nay hầu hết các xã biên giới đã được cấp điện, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu định canh, định cư, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh biên giới. EVNNPC đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận LĐHANT để bán điện trực tiếp các hộ dân, đạt nhiều kết quả tích cực: có 3.465/4.048 xã (86%) thuộc địa bàn quản lý của EVNNPC đạt tiêu chí nông thôn mới về điện.

Bắt kịp xu thế phát triển

Hiện nay, EVNNPC đang đẩy mạnh triển khai các chương trình đổi mới về kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình quan trọng như: triển khai hệ thống CMIS 3.0; cung cấp dịch vụ điện mức độ 4, cung cấp dịch vụ điện tại Trung tâm hành chính công của 15 tỉnh và trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của 12 tỉnh không có Trung tâm hành chính công; lắp đặt công-tơ điện tử giai đoạn 2016-2020. EVNNPC luôn là đơn vị có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm (ĐTP) và doanh thu cao nhất trong EVN với mức tăng trưởng ĐTP bình quân hằng năm của các Công ty Điện lực tăng từ 12 đến hơn 14%. Sản lượng ĐTP năm 2018 đạt 64,27 tỷ kW giờ với tốc độ tăng trưởng 12,1%, vượt 370 triệu kW giờ so kế hoạch. Thủ tục cấp điện cho khách hàng đấu nối lưới trung áp năm 2014 gồm năm bước, thời gian giải quyết 36,89 ngày; năm 2018, EVNNPC rút ngắn còn hai bước, thời gian giải quyết dưới sáu ngày, góp phần đưa chỉ số tiếp cận điện năng của EVN tăng 129 bậc, từ vị trí 156 lên vị trí 27, là chỉ số có sự cải thiện tốt nhất năm 2018 trong các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt nam.

Trong xu thế phát triển hiện nay, EVNNPC xác định việc cải cách hành chính trong dịch vụ khách hàng là một trong những vấn đề trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả SXKD, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng với phương châm “Dễ tiếp cận - Dễ tham gia - Dễ giám sát”. EVNNPC đồng thời triển khai cơ chế một cửa liên thông cấp điện cho khách hàng đấu nối lưới trung áp theo Nghị quyết 19 của Chính phủ; thực hiện 14 chỉ tiêu dịch vụ khách hàng năm sau tốt hơn năm trước, thời gian trung bình giải quyết yêu cầu đều đạt so quy định; các Công ty Điện lực áp dụng hiệu quả các ứng dụng CNTT như: sử dụng máy tính bảng để phát triển khách hàng, ghi chỉ số và chấm xóa nợ, ký kết với các đối tác thu hộ tiền điện để nâng cao hiệu quả thanh toán tiền điện của khách hàng qua cổng thanh toán điện tử, ứng dụng hiệu quả chương trình nhắn tin chăm sóc khách hàng (CSKH)...

Từ cuối năm 2015, EVNNPC đã đưa vào vận hành Trung tâm CSKH với Tổng đài 19006769 hoạt động 24/7 cung cấp thông tin và giải đáp, hướng dẫn khách hàng trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố miền bắc. Trong hơn ba năm, Trung tâm đã tiếp nhận, xử lý kịp thời 3.273.846 yêu cầu của khách hàng. Năm 2018, sau khi đưa phần mềm CSKH đa kênh và phần mềm tiếp nhận dịch vụ điện trực tuyến trên trang mạng, số lượng yêu cầu về cấp điện mới qua Trung tâm CSKH tăng 4,66 lần so cùng kỳ trước đó. Hằng năm, các hoạt động tri ân khách hàng được các đơn vị triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng được xã hội ghi nhận và đồng tình. Thực hiện chương trình lan tỏa “Hành trình văn hóa EVNNPC” và “Khách hàng là trung tâm” đạt những kết quả bước đầu, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, tư duy đổi mới và phong cách làm việc hướng đến chuyên nghiệp, hiệu quả của đông đảo CBCNV, tạo sự thay đổi nhận thức và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp ở nhiều đơn vị.

Đến hết năm 2018, chỉ số độ tin cậy cung cấp điện của EVNNPC được cải thiện đáng kể so các năm trước: hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao của EVN cũng như chỉ tiêu tối ưu hóa đã đề ra của EVNNPC. Xác định giai đoạn 2015-2020 là giai đoạn tăng cường công tác quản lý và đầu tư chiều sâu để tăng cường an toàn của hệ thống, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, trong năm 2017 và 2018, EVNNPC đẩy mạnh đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp lưới điện; tăng cường ứng dụng KHCN, mua sắm thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. 5 năm qua, để giảm tổn thất điện năng (TTĐN), EVNNPC đã tính toán vận hành tối ưu lưới điện 110kV. Năm 2018, EVNNPC đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu giảm TTĐN EVN giao với tỷ lệ TTĐN/kế hoạch đạt 5,1/5,5%.

Lịch sử dòng điện cách mạng đầu tiên được khởi đầu từ việc hình thành DN đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mang tên: Công Ty Điện lực tiền thân của EVNNPC ngày nay đồng thời cũng là tiền thân của ngành Điện Việt Nam - EVN. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, dòng điện ấy được hun đúc từ truyền thống anh hùng và liên tục được nuôi dưỡng bởi dòng nhiệt huyết đầy sáng tạo qua các thế hệ. Kiên cường trong chiến tranh, quyết liệt và sáng tạo trong đổi mới, vững vàng trong hội nhập là những phẩm chất làm nên một EVNNPC gánh vác sứ mệnh lịch sử Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.