Trên đất mới Tân Bồi

Đó là ngôi làng của những gia đình không cùng dòng tộc. Họ từng là những phận đời không thể nghèo khó hơn trôi về đây vào những thời khắc khác nhau. Mới đấy mà cũng đã gần 60 năm rồi. Nương dâu bãi bể… Ngày trở lại, đi trên những con đường bê-tông, trong ánh điện sáng đêm của xóm mạc được chia ô như phường như phố, bỗng muốn gọi tên những người đầu tiên về đây lập ấp…

Khu du lịch sinh thái Cồn Vành (Thái Bình).
Khu du lịch sinh thái Cồn Vành (Thái Bình).

Vùng đất ấy ngày xưa thuộc huyện Thanh Quan, phủ Thái Ninh. Sau này, cái tên Thái Ninh được dành cho một huyện. Khi thành huyện, Thái Ninh có hai xã giáp biển, Thái Đô là một trong hai xã đó. Làng mới Tân Bồi thuộc xã Thái Đô, nằm ngay bên tả cửa sông Trà Lý. Thì vẫn biết, trên dải đất hình chữ S này biển nơi bồi, nơi lở, riêng vùng biển Thái Bình, từ thượng cổ đến nay biển không hề xâm thực. Ngược lại, phù sa cứ dần dà bồi tụ làm nên bãi mật bờ xôi. Bằng chứng là hôm nay, để ra được đến mép nước bể Đông, lữ hành phải qua đến năm lần đê bối. Một lần đê là kết quả của một lần lấn biển. Và, những năm tháng này, ngày kém nước, đứng từ khu du lịch Cồn Đen nhìn ra biển rộng, lại đã thấy xuất hiện ngoài chân sóng hình hài của một cồn cát mờ xa. Dân Tân Bồi gọi đó là Cồn Mờ. Rất có thể, một ngày nào đó, đất liền sẽ lại được nối đến Cồn Mờ. Niềm tin ấy bắt nguồn từ ký ức, bởi đến bây giờ, người dân vùng cận biển này vẫn còn nhớ như in trận lũ mùa hè năm 1971. Năm đó, trong cơn lũ dữ, sông Hồng xé đôi cồn Lu ngoài cửa Ba Lạt, dồn đất cát về bên tả làm biến đổi diện mạo cồn Vành. Ở cửa Trà Lý, phù sa tôn cao và lấp đầy khoảng biển từ ấp Tân Bồi ra tới Cồn Đen. Vậy nên bây giờ, cồn Vành, cồn Đen mới có cơ trở thành khu du lịch. Nhưng mà biển thì vẫn đục như xưa.

Xa quê vậy là cũng đã 50 năm có lẻ, về thăm cồn Đen lần này, trong ký ức sâu thẳm của một người có phần lớn thời gian đời sống nơi đất khách, là tôi, Tân Bồi xưa là vùng bờ bãi kéo dài từ cửa sông ra đến tận ngoài chân sóng. Những ngày kém nước, cồn bãi nhấp nhô lầy lội phù sa. Chiều đến, thủy triều xóa nhòa tất cả. Người bắt còng, cào don cứ theo hiệu lệnh tù và của đồn công an báo nước gọi nhau mà về và tất cả đều lấm lem bùn đất. Đó là vùng đất nhiều năm đã qua của đói nghèo cơ cực.

Bây giờ trở lại, ngỡ ngàng trước những đổi thay đến không ngờ của xóm mạc nơi đây. Làng quê được quy hoạch chia ô như phường như phố. Đường đi lối lại đều đã được bê-tông hóa và chiếu sáng qua đêm. Nước sạch đã về đến mỗi nhà. Và một điều thật sự quan trọng là, đã nhiều năm nay, mùa giáp hạt, cả thôn không còn nhà nào thiếu đói. Những căn nhà tường đất, mái rạ thấp bé như cố thu nhỏ lại trước bão gió đồng biển giờ đã được thay bằng nhà kiên cố và không thiếu những căn nhà mái bằng của những gia đình có bát ăn, bát để. Nhà nhà đều có sân gạch tường hoa. Và kẻ lạ là tôi cứ mãi bồi hồi khi nhìn những luống hoa nhiều mầu chạy song song bên đường làng, ngõ xóm. Thì vẫn biết, có hoa cuộc đời thêm đẹp nhưng chỉ khi không còn phải lo đến cái ăn, cái mặc mà cụ thể là cái đói, cái rét thì mới có chỗ cho hoa. Những biến đổi theo chiều đi lên với tốc độ ngày càng nhanh ở nơi này đang nói lên điều bao đời mơ ước, người dân Ấp Cói đã qua thời cơ cực, người dân đồng bãi Tân Bồi nay đã ấm no.

Thì nội cái tên Tân Bồi cũng đủ nói rằng nơi này là vùng đất mới. Làng quê Tân Bồi chỉ mới được hình thành từ sau khi nông thôn miền bắc vào HTX. Nhưng cũng chỉ sau khi thành lập HTX nông nghiệp vài năm, vùng đất này triền miên thiếu đói. Những trận đói nối nhau ở cái tỉnh được coi là quê hương năm tấn kéo dài cho đến tận cuối những năm 80 của thế kỷ trước… Và cũng ngay từ khi HTX nông nghiệp được thành lập, chủ trương đưa hàng nghìn gia đình từ Thái Bình lên khai hoang miền núi được tiến hành. Ngay trong nội bộ tỉnh, việc bố trí lại dân cư cũng được thực hiện. Một số hộ của mấy xã đông dân được đưa về Tân Bồi lập ấp. Biển mặn sình lầy, suốt mấy chục năm sau khi lập làng, Tân Bồi không cấy được lúa mà chỉ chuyên canh cây cói. Cái tên Ấp Cói mới được thay bằng cái tên Tân Bồi cách đây chưa lâu.

Thật ra, chẳng có gia đình no ăn đủ mặc nào chịu bỏ nhà cửa về nơi đầu sóng, vớt đất vớt cát dựng lều dựng lán để trồng thứ cây không ăn được là… cói. Vậy nên Tân Bồi, ngay từ ngày ấy, chỉ gồm toàn những gia đình nghèo khó của mấy xã lân cận. Cùng với cói, nghề dệt chiếu cói, bện thảm cói xuất khẩu sang Đông Âu được mở ra. Mỗi lao động trồng cói được mua 13 kg gạo khi giao đủ định suất cói hằng tháng cho HTX. Không ruộng, không vườn, người dân vùng cói chịu cái khó, cái khổ gấp đôi người dân làng cũ. Ngoài việc trồng cói, họ cào don vạt tép, bắt cáy bắt còng, mò con cua, con hến sống lần hồi nơi đầu sóng. Cũng có những gia đình không chịu đựng được gian khổ đã bỏ về làng cũ. Lại cũng có những gia đình tự tìm đến Tân Bồi định cư. Khoảng một chục năm trở lại, dân số Tân Bồi dần ổn định như hiện nay.

Sau những năm 90 của thế kỷ trước, nghề bện thảm cói đình trệ. Hàng nghìn sản phẩm bỏ mục trong kho, HTX chiếu cói tan dần. Mầu xanh ngăn ngắt của đồng cói không làm no bụng người. Người dân Tân Bồi thêm một lần lao khổ. Bạt ngàn đồng cói đành phải cuốc bỏ để cải tạo thành ao, thành ruộng. Họ bảo nhau làm lúa để ổn định cuộc sống. Bây giờ bờ bãi cào don, bắt còng không còn. Hầu hết đã trở thành ao đầm nuôi tôm nuôi cá.

Có được công việc ổn định, có đường đi lối lại khang trang, có điện có nước… Đó là những điều thiết yếu đủ để xóm làng nơi đồng chiêm như Tân Bồi đạt được mục tiêu có đủ cái ăn cái mặc. Đứng trên đê biển nhìn về, với khoảng cách chưa đầy một cây số là hình ảnh những ống khói vươn cao trên nền xanh ngô lúa của cụm công nghiệp Mỹ Lộc. Vậy là cho đến hôm nay, cái vùng đất tưởng như bị bỏ quên bao đời nay đã có tên trên bản đồ quy hoạch phát triển công nghiệp Tổ quốc. Bình minh trên đồng biển thật đẹp. Sáng cuối năm, nhìn xóm làng thức dậy với mầu xanh ngô lúa tràn bờ, với cách mà người dân quê đang tất bật dậy sớm sửa sang nhà cửa, dọn dẹp đường làng đón chào năm mới, mà thấy ấm lòng.

Trên đất mới Tân Bồi ảnh 1

Bãi ngao.

Cồn Đen đang thay da đổi thịt để trở thành khu du lịch sinh thái, dẫu hôm nay, cách làm du lịch ở nơi này vẫn còn nặng tư duy của những chàng “Hai lúa”, song du khách cũng đã biết đến và cũng đã về với Cồn Đen ngày một đông hơn. Mạng lưới giao thông thuận tiện mới được nâng cấp khiến khoảng cách từ thành phố Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương về nơi này như ngắn lại, hứa hẹn sẽ đem đến những đổi thay không xa cho một vùng có nhiều tiềm lực.