Già làng thời @

Khi hương rừng dậy lá cũng là thời khắc như hàng trăm năm qua, đồng bào Cà Tu trên dãy Trường Sơn lại sắm cho gia đình một mâm cơm tươm tất mừng năm mới. Với đồng bào Cà Tu xã miền núi huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, đón Tết về còn kèm thêm một ché rượu cần Phú Túc.

Già làng Lê Văn Nghĩa bên sản phẩm tâm huyết. Ảnh: TRẦN LÊ LÂM
Già làng Lê Văn Nghĩa bên sản phẩm tâm huyết. Ảnh: TRẦN LÊ LÂM

Mang hai dòng máu Kinh và Cà Tu, già làng, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn Phú Túc Lê Văn Nghĩa, 64 tuổi, là người rắn rỏi và mạnh mẽ. Bao năm qua ông mê đắm văn hóa ẩm thực của địa phương, tìm ra phương thức ủ rượu cần độc đáo, làm nên thương hiệu rượu cần Phú Túc được nhiều người biết đến.

Được dùng bữa cơm mừng năm mới với già Nghĩa và gia đình, bên ché rượu cần nồng đậm vị ngọt nếp hương Trường Sơn, với nguồn suối thanh mát và cả sự ấm nồng của lòng người. Nói về sản phẩm rượu cần Phú Túc, già Nghĩa tự hào đã “chinh phục được khát vọng bấy lâu” sau nhiều thời gian đầu tư công sức, tiền bạc, tâm huyết để nấu, ủ rượu cần nhưng “thất bại”. Cái khó không chỉ là tạo công ăn, việc làm cho bà con trong thôn, mà còn để quê hương có sản phẩm giới thiệu đến nhiều người.

Già Nghĩa từng mất nhiều đêm thức trắng tìm hiểu, nghiên cứu quá trình ủ rượu, đặc biệt là cẩn thận từ chọn nguyên liệu gạo nếp, gạo tẻ, bắp, men, nước... Già tâm đắc: làm bất cứ điều gì cũng phải chuyên tâm. Đối với cách nấu rượu, ủ rượu cần, thì phải thật sự “mát tay” và “tâm huyết”, phải làm thực tâm. Sản phẩm phải thật sự sạch, nấu ủ đúng nhiệt độ, thời gian, theo dõi thời tiết từng mùa để điều chỉnh lượng men phù hợp, không nấu, ủ một cách đại trà. Ông tin, tâm sức đổ vào sản phẩm vừa tạo nên thương hiệu sản phẩm, mà còn là nét văn hóa, hàm chứa nhiều giá trị tinh thần của đồng bào.

Với đồng bào dân tộc Cà Tu tại thôn Phú Túc và nhiều người dân xã Hòa Phú, già làng Lê Văn Nghĩa còn có nhiều đóng góp cho cộng đồng, an sinh xã hội. Trong vòng tay của các em học sinh Trường tiểu học Hòa Phú, ông cười hiền kể, hồi cả vùng này còn nhiều khó khăn, con em trong vùng lại không có điều kiện học hành, khi xã có chủ trương xây dựng Trường tiểu học Hòa Phú, gia đình ông đã tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất mặt tiền với tâm nguyện giúp con em đồng bào được học hành chu đáo. Ông là người đi đầu trong việc xóa bỏ sự lạc hậu, là người đầu tiên ở thôn Phú Túc quyết bung ra khỏi tập tục ở chung, quần cư, để mua nhà, có đất ruộng, xây dựng mô hình kinh tế VAC, làm gương cho đồng bào Cà Tu ở Phú Túc cùng theo và ổn định cuộc sống. Già Nghĩa cũng là một trong những người tiên phong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như khởi xướng khôi phục nhà Gươl.

Trong màn sương mỏng của những ngày đầu xuân, hơi ấm lan tỏa từ bữa cơm của gia đình già làng Nghĩa gợi bao điều thi vị về cuộc sống nơi này. Dưới chân dãy núi Trường Sơn, những tán rừng thời gian mang sắc xanh của ấm no, đủ đầy đang lan tỏa trong từng gia đình, thôn, xóm. Vị rượu cần ngọt lành như thấm đượm vị mặn của giọt mồ hôi người làm ra sản phẩm. Ngoài nương rẫy, mùa nếp mới lại bắt đầu được bà con gieo hạt, nảy mầm.

Già làng thời @ ảnh 1

Đồng bào dân tộc Cà Tu ở huyện Hòa Vang trang hoàng đón Tết.