Bâng khuâng mắt làng

Về quê. Bao giờ tôi cũng dừng chân ở cổng làng. Ngắm con đường lên huyện. Tôi nhớ lời bố nói, xưa còn có cánh cổng làng, dân dắt trâu ra đồng chỉ đi cửa nhỏ hai bên. Cổng giữa chỉ mở khi có lễ hội hay đón quan khách. Làng nào cũng có hai cổng. Đầu làng và cuối làng. Cổng cuối làng cho người đi, mỗi khi có đám ma, hay chạy giặc càn. Khi ấy kẻng khua lên. Cổng đầu làng đóng chặt…

Cổng làng cổ ở Yên Cốc (Hà Nội).
Cổng làng cổ ở Yên Cốc (Hà Nội).

1/ Khi học đánh đàn bầu, ông tôi dạy phải nảy gọn cần đàn trong lòng bàn tay, âm phải rung ngân, vọng tới tận cổng làng mới gọi là hay. Lại có lần, ông vẽ hai cánh cổng làng giống hai con mắt người, nhìn rất ấm áp ân tình. Ông bảo đó là con mắt quê hương. Ai đó đi xa, mỗi lần gặp bất cứ một cổng làng nào đó đều nhớ đến con mắt của làng mình, ở nơi đó người thân đang chờ đợi.

Có lần tôi lạc vào con đường dọc sông Nhuệ. Hun hút triền đê vắng ngắt, chỉ nghe tiếng lá tre rì rào, chim hót. Bỗng một cổng làng nhỏ hiện ra sau nẻo khuất. Mắt quê. Đúng như lời ông nói. Cửa ô tròn trên gác đầu cổng như con mắt vậy. Tôi dừng chân. Hồi hộp nhìn lên. Lắng nghe xem có tiếng người trên đó. Gió sông rít lên, thổi dọc đường làng. Tôi luôn ngoái lại nhìn về phía cửa tròn ấy. Gai gai chân tóc. Lại có lần tôi chạy theo đám rước kiệu quay của thanh niên làng Yên Cốc, xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Kiệu quay như có ma quỷ vô hình chặn lối. Đám trai trẻ chạy lao xuống cả ruộng. Tôi bị chen bật lên một bờ cỏ. Một cây đa lớn hiện ra trước mắt. Những cành rễ bám chặt lấy cổng làng. Rước kiệu quay qua được cổng làng không dễ. Tôi lại bất chợt gặp hai con mắt thau tháu nhìn qua cổng làng. Tiếng đàn bầu của ông tôi lại ngân lên trong tâm trí. Những chùm rễ cây đa cuốn quanh cổng làng chắc phải cả trăm năm. Tôi sững người. Đúng lúc đó đám rước kiệu vừa hô, vừa khấn, thần mới lái kiệu, cho phép đi vòng qua giếng vào làng.

2/ Cổng làng Trinh Tiết gần chùa Hương, duyên dáng mảnh mai đúng với nét dịu dàng của người phụ nữ vùng sông nước, một lòng thờ chồng nuôi con. Còn cổng làng Chanh Thôn, toàn người hát ả đào nổi tiếng, lại chung chiêng lối ngõ uốn cong. Có lẽ những cổng làng cổ còn giữ lại được đến nay, với con mắt rêu phong nhất phải kể đến, cổng làng Yên Thái, Đường Lâm, Đông Ngạc, Lai Xá, Ninh Hiệp, làng Sủi (Hà Nội), cổng làng Thổ Hà, làng Diềm, hay kẻ chợ làng Giầu (Bắc Ninh), hoặc làng Nôm (Hải Dương), cổng làng Kẻ Rỵ, Thiệu Trung (Thanh Hóa)… Mỗi cổng làng cổ mở ra không gian văn hóa riêng mỗi vùng, miền. Nào lễ hội. Nào chợ phiên. Mỗi làng đều có những di tích, mỗi làng một nghề thủ công khác nhau, nên càng nhiều mầu sắc độc đáo.

Cách đây gần 10 năm, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bill Gates đã đến làm lễ ở cổng làng Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh), thăm và khơi dậy dự án cung cấp máy tính rẻ đến với người làng. Ông đã ngạc nhiên với cổng làng cổ này, sau chiếc cổng làng kia là một thế giới khác lạ. Một làng khoa bảng, với 17 người đỗ tiến sĩ và trạng nguyên. Dân gian đã truyền tụng: “Tam Sơn là đất ba gò/Của trời vô tận một kho nhân tài”. Bây giờ, lớp trẻ trong làng luôn hăng say học hành và đam mê với những gì mới lạ của công nghệ thông tin. Riêng cổng làng Sủi ở Gia Lâm (Hà Nội), còn ghi dấu ba chữ: “Trung - Nghĩa - Lý”, được gìn giữ từ thời Lê đến nay. Cổng làng còn ghi dấu ấn lịch sử của Nguyên Phi Ỷ Lan, trong suốt thời kỳ nhà Lý đánh tan quân xâm lăng phương Bắc. Có lẽ độc đáo nhất là làng Giầu (Từ Sơn, Bắc Ninh) còn giữ được tới bốn cổng làng cổ. Trong đó có cổng đầu làng và cổng cuối làng, nối con đường đá xanh rải khắp nơi.

3/ Thật ra, những cổng làng cổ không còn gìn giữ được bao nhiêu, so con số khổng lồ, hàng chục nghìn làng, được phong danh “Làng Văn hóa”. Cách đây mươi năm, tại Nhà Văn hóa trung tâm Hà Đông (Hà Nội) có trưng bày 84 bức ảnh cổng làng cổ, còn sót lại, trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Như vậy, có thể nói hầu hết nhiều thôn làng giờ đây, chưa có “con mắt quê” của mình. Không ít làng văn hóa, chỉ dựng một chiếc cổng chào nhỏ, khiêm tốn đơn giản gọi là cho có. Hoặc những di tích cổng làng không được tu bổ, buông bỏ với thời gian, mặc cho đổ vỡ. Đâu còn cảnh: “Chiều hôm đón mát cổng làng/Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi/Đồng quê vờn lượn chân trời/Đường quê quanh quẩn bao người về thôn…”. (“Cổng làng”, Bàng Bá Lân).

Cố GS Từ Chi cho rằng cổng làng có vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt và văn hóa tâm linh của quê hương. Làng nào cũng có một lịch sử và những di tích văn hóa hàng trăm, hoặc nghìn năm. Cổng làng phải đại diện cho một kho tàng văn hóa lịch sử đó. Mỗi cổng làng đều phải đậm chất dân gian, thể hiện hồn cốt của vùng, miền đất ấy. Nhất là những vùng được coi là nơi “Địa linh - nhân kiệt”, càng phải giữ gìn chất cổ phong của mình, qua hình dáng cổng làng. Đó là con mắt làng quê. Nó cũng là một lời chào thân thiện, cởi mở như muốn kể lại những chuyện cổ tích mà con người đã làm nên. Và những nơi có những cổng làng đẹp bao giờ cũng vậy, đều hấp dẫn, với những phong vị riêng bên cây đa, bến nước, sân đình. Tôi vẫn mơ về cổng làng tôi như thế. Đúng với chính nó. Đẹp với nét cổ kính trong giấc mộng nghìn xưa.