Tấm lòng của Việt kiều Pháp

Nhiều năm qua, chương trình Nhịp cầu Nhân ái của Hội người Việt Nam ở Pháp được thực hiện tại nhiều địa phương của Việt Nam với mục tiêu giúp đỡ bà con vượt lên hoàn cảnh khó khăn. Mỗi dự án là một câu chuyện chan chứa tình cảm hướng về quê hương của kiều bào xa quê...

Ông Nguyễn Thanh Tòng (thứ 2, phải sang) trao học bổng cho trẻ em tại Trung tâm Mái ấm Tre xanh ở TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Thanh Tòng (thứ 2, phải sang) trao học bổng cho trẻ em tại Trung tâm Mái ấm Tre xanh ở TP Hồ Chí Minh.

Sau chiến tranh, đất nước còn nhiều khó khăn, vì vậy các thành viên của Hội người Việt Nam tại Pháp đã thành lập một ban để chung tay quyên góp cho các dự án từ thiện ở quê nhà. Nhờ có sự hưởng ứng nhiệt tình của kiều bào và các hội đoàn tại Pháp, hàng chục dự án đã được thực hiện trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, xã hội, cứu trợ... tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam, nhằm chia sẻ, trợ giúp giảm bớt khó khăn cho những người bị bệnh phong, bị các bệnh khó chữa do ảnh hưởng của chất độc da cam; trao học bổng cho trẻ em trong các gia đình nghèo và hỗ trợ bà con ở các vùng bị lũ lụt. Trong giai đoạn 2006-2018, gần 400 nghìn euro đã được chuyển về Việt Nam để thực hiện các dự án từ bắc vào nam. Mỗi dự án có ý nghĩa riêng nhưng đều có sự đóng góp và tấm lòng của kiều bào ở Pháp, hội đoàn và bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam qua các đợt quyên góp hay các bữa cơm “nhân ái - đoàn kết”.

Có được những kết quả như vậy phải kể đến sự tham gia hết lòng, những hy sinh giúp đỡ thầm lặng của cộng đồng người Việt ở Pháp, trong đó có ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, Trưởng ban dự án hướng về Việt Nam của Hội. Mong muốn giúp quê nhà có từ lúc ông còn làm ở Viện Pasteur và càng thôi thúc ông phải xây dựng các dự án hướng về quê hương sau lần về Việt Nam năm 1978. Lần đó, ông về nước theo chương trình hợp tác của Viện Pasteur Paris với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, hỗ trợ thiết bị y tế và giảng dạy cho cán bộ y tế. Sau bao năm xa Tổ quốc, ông thấy quê hương thật gần gũi, gắn bó.

Ông chia sẻ: “Sau đợt đó, nhất là năm 2002 lúc sắp về hưu, tôi luôn nghĩ rằng phải làm gì đó để có thể tiếp tục vận động các đối tác, hội đoàn Pháp và bà con Việt kiều thực hiện các dự án khoa học và xã hội giúp quê nhà. Đầu tiên là dự án giúp những người bị bệnh phong ở Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định) từ năm 2005 vì tôi biết nhiều bác sĩ Pháp đã từng sang Việt Nam để làm các chẩn đoán bệnh này, do đó dễ vận động sự giúp đỡ về chuyên môn và thiết bị”.

Từ năm 2003, ông về Việt Nam thường xuyên, mang theo tình cảm và tiền quyên góp của Việt kiều và hội đoàn ở Pháp giúp đỡ bà con trong nước và tìm hiểu khả năng xây dựng dự án mới. Trở về Pháp để vận động tài trợ còn khó hơn nhiều việc về Việt Nam thực hiện dự án, nhưng ông vẫn đi từng nơi, gặp mọi người để giới thiệu và vận động. Có dự án dễ vận động quyên góp và thực hiện, nhưng cũng có dự án phức tạp vì liên quan vấn đề chuyên môn và các tổ chức Việt Nam hay quốc tế. Có dự án lúc triển khai vui vì có kết quả như mong đợi nhưng cũng có lúc buồn vì chưa hoàn thành như mọi người mong muốn.

Ông Nguyễn Thanh Tòng cho biết, hiện nhiều dự án đã xong nhưng vẫn chưa có thời gian tổng kết vì lại phải bắt tay vào dự án mới. Với ông, nhớ nhất là những dự án trao học bổng cho trẻ em trong các gia đình khó khăn ở ba miền, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và có con em bị khuyết tật ở Yên Bái, Hà Tĩnh, Thanh Hóa trong giai đoạn 2008-2017, hay việc quyên góp mua máy lọc nước ngọt cho các chiến sĩ trên các đảo Trường Sa.

Ông cho biết: Nhà nước đã có nhiều chương trình hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn nhưng thiên tai, bệnh dịch hoành hành liên tục. Chính vì vậy, chúng tôi rất vui mừng được đóng góp một phần nhỏ để các cháu có thêm điều kiện học hành, bà con đỡ vất vả. Mỗi lần trở lại các tỉnh, tôi rất xúc động vì lại thấy có sự thay đổi. Có thể nói, Nhịp cầu Nhân ái từ Pháp đã được tiếp tục nối dài về Việt Nam bởi sự ủng hộ của những tấm lòng thầm lặng có chung một tình yêu, đó là vì bà con và đất nước Việt Nam.

Nhiều năm qua, ông tự nguyện nhận nhiệm vụ từ Hội người Việt Nam tại Pháp, thực hiện những chuyến “về nguồn”. Suy nghĩ của ông đã thay đổi từ sự hãnh diện về đất nước Việt Nam trong lần đầu về quê hương sang ý thức “bổn phận” của một người con đất Việt ở xa. Ở tuổi 76, nhiều lúc sức khỏe không được như trước nhưng ông vẫn tự nhủ rằng, cũng như người lính ra trận phải tròn nhiệm vụ, mình phải vượt qua mọi khó khăn, mệt mỏi để có thể góp phần làm nên những nụ cười, ánh mắt tràn niềm vui của trẻ em cũng như bà con ở quê hương.

Ông nhớ lại: Những lúc gặp lại bà con nhận được sự giúp đỡ từ kiều bào và bạn bè Pháp, tôi thấy may mắn vì là người trực tiếp cảm nhận được sự ấm áp từ tình cảm của những người có chung dòng máu Việt Nam. Nhưng đặc biệt vẫn là dịp đi thăm các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa, được gặp gỡ, chứng kiến các chiến sĩ dù thực hiện nhiệm vụ đầy vất vả nhưng ai cũng đầy niềm tự hào, tôi rất cảm động và không cầm được nước mắt. Những kỷ niệm đó càng thôi thúc tôi cố gắng vận động mọi người ở Pháp góp công, góp sức thực hiện nhiều dự án hơn nữa.