Didgeridoo, hang drum, djembe Việt Nam!

Cùng những nhạc cụ độc đáo đến từ nhiều nơi trên thế giới như cây sáo didgeridoo của Australia, chiếc trống thép hang drum của Thụy Sĩ… Vũ đã chinh phục được rất nhiều khán giả trong nước và quốc tế.

Nhiều du khách đến Đà Lạt đã tới thăm địa điểm du lịch này chỉ để giao lưu cùng hai vợ chồng Vũ.
Nhiều du khách đến Đà Lạt đã tới thăm địa điểm du lịch này chỉ để giao lưu cùng hai vợ chồng Vũ.

Mục tiêu Didgeridoo

Những ngày gần đây, Huỳnh Tấn Vũ (31 tuổi) “nổi như cồn” trên các trang mạng xã hội. Đoạn clip ghi lại cảnh vợ chồng anh cùng lúc vừa chơi cây sáo didgeridoo, chiếc trống thép hang drum, cùng chiếc trống djembe vừa hát những bản “hit” gần đây tại khu du lịch “Đường hầm đất sét” tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) liên tục được cộng đồng mạng chia sẻ. Vũ cũng thường xuyên được mời xuất hiện trên các chương trình truyền hình với tư cách là “người thổi sáo didgeridoo đầu tiên tại Việt Nam”. Nhưng ít ai biết, những thành công hôm nay của Vũ lại bắt đầu từ những mục tiêu… có phần hài hước.

Trước đây, anh từng có thời gian làm Bí thư Chi đoàn khu phố tại phường 2, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Khi giao lưu văn nghệ giữa các đoàn khối địa phương, anh đã tình cờ nghe được câu hát “Tiếng anh ấm như hơi thở, em nghe để nhớ suốt đời” trong ca khúc “Tình yêu trên dòng sông quan họ” của cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa (thơ Đỗ Trung Lai). Từ câu hát này, Vũ đã trăn trở phải làm cách nào, chơi loại nhạc cụ gì để giọng mình được trầm ấm hơn, với mục đích là để… hát hay hơn.

Một lần tình cờ, Vũ xem được một đoạn video trên kênh Youtube, trong đó một cô gái đang thổi cây sáo có hình thù bắt mắt. Tiếng nhạc từ cây sáo phát ra khiến Vũ mê mẩn. Vũ cho biết: “Thứ âm thanh này đưa người nghe vào một thế giới mênh mông, của rừng, của núi, tạo cảm giác thư thái, quên hết mệt mỏi”. Sau khi tìm tòi, Vũ biết được cây sáo này có tên gọi “Didgeridoo”, một loại nhạc cụ cổ truyền của thổ dân Australia, đã xuất hiện từ cách đây hàng nghìn năm trong các bộ lạc thổ dân Yolngu ở vùng tây bắc của Arnhem (Bắc Australia).

Sau khi tìm được một người “hiếm hoi” tại Hà Nội sở hữu cây sáo này, Vũ bán xe, “khăn gói” từ Đà Lạt ra Thủ đô để thương lượng mua sáo. Có được cây sáo mơ ước, Vũ quyết định ở lại Hà Nội để có thể học chơi và tìm hiểu thêm về nhạc cụ didgeridoo. Vũ kể: “Khoảng thời gian mưu sinh và tìm tòi học thổi sáo tại Hà Nội khá vất vả nhưng cũng rất thú vị. Để có tiền thuê trọ, sinh hoạt, mình đã làm bảo vệ tại quán cà-phê, bán cà-phê dạo… Hằng ngày, sau khi xong việc, mình mang cây sáo didgeridoo ra ven hồ Trúc Bạch tập chơi. Mình phát hiện ra, không chỉ giúp người nghe cảm thấy “relax”, chơi loại nhạc cụ này có thể khiến mình thư giãn đầu óc cực tốt, nên mình càng tập, càng hăng say. Có hôm mình tập tới 4 - 5 giờ sáng rồi ngủ quên luôn ở ghế đá ngoài đường”.

Để tìm được những tài liệu học qua mạng, Vũ cũng rất vất vả. Tuy nhiên, Vũ vẫn không bỏ cuộc. “Có lần, một du khách người Malaysia dừng lại nghe mình tập thổi sáo, và cho mình một tờ tiền của nước họ. Chính đồng tiền đầu tiên kiếm được từ việc chơi nhạc đã tiếp thêm lửa cho quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc một cách nghiêm túc”, Vũ chia sẻ.

Theo đuổi đam mê

Nhờ người quen giới thiệu, năm 2013, Vũ vào sinh hoạt tại Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam (đình Hào Nam, Hà Nội). Từ đây, Vũ thường xuyên được trung tâm giới thiệu đi biểu diễn sáo didgeridoo ở một số sân khấu nhỏ, phần để giới thiệu, đưa giai điệu của sáo didgeridoo đến với công chúng và cũng là để Vũ có thêm thu nhập. Nhớ lại buổi diễn đầu tiên trong sự nghiệp, Vũ không khỏi xúc động: “Đó là một buổi diễn ở Thanh Hóa của các nghệ sĩ trong trung tâm. Buổi diễn được tổ chức trong một ngôi đình nên có ít người theo dõi, nhưng mình vẫn cảm giác như đang đứng trước hàng triệu khán giả. Đó là cảm giác vừa bỡ ngỡ nhưng cũng vô cùng hạnh phúc”.

Nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc trung tâm nhận xét: Vũ ngay từ đầu đã thể hiện niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt. Hằng ngày, Vũ đều dậy từ tờ mờ sáng, sau khi làm hết việc công vụ, anh lại ngồi miệt mài tập sáo. “Mỗi lần Vũ tập là quên hết mọi thứ chung quanh”, nhạc sĩ nói.

Thành thạo didgeridoo, Vũ bắt đầu tìm hiểu những loại nhạc cụ khác để phối cùng cây sáo này. Vũ cho biết: “Mình không tìm kiếm những loại nhạc cụ thông thường mà mong muốn sở hữu những nhạc cụ trông bắt mắt, vừa có tác dụng đối với sức khỏe khi chơi nó vừa phải có những ý nghĩa nhân văn, văn hóa đặc sắc”. Và “những người bạn” tiếp theo mà Vũ lựa chọn là trống thép hang drum của Thụy Sĩ và trống gỗ djembe có nguồn gốc từ châu Phi. Đã biết về nhạc lý, giờ đây lại có bạn đồng hành là người vợ, việc tập chơi những nhạc cụ mới trở nên thuận lợi hơn nhiều.

Chỉ trong thời gian ngắn, Vũ đã kết hợp nhuần nhuyễn ba loại nhạc cụ trên thế giới với nhau, tạo nên những bản nhạc thú vị. Kể từ đầu năm 2018, Vũ và vợ đã bắt đầu cùng nhau biểu diễn tại khu du lịch Đường hầm đất sét và được nhiều người chú ý. Thậm chí, nhiều du khách tại Đà Lạt, tới thăm địa điểm du lịch này chỉ để giao lưu cùng hai vợ chồng. Anh cũng được mời đi nhiều nơi để biểu diễn hay tham gia vào các chương trình truyền hình. Dù vậy, Vũ vẫn chưa hài lòng với những điều đã có. Trong tương lai, Vũ ấp ủ việc ra mắt một cuốn sách nói sâu về didgeridoo cũng như các nhạc cụ dân tộc thế giới để giúp người Việt Nam hiểu hơn về những nét đặc sắc văn hóa cũng như những tác dụng mà các loại nhạc cụ đem lại, để cây sáo didgeridoo, chiếc trống thép hang drum, trống gỗ djembe được phổ biến hơn tại Việt Nam.

Didgeridoo, hang drum, djembe Việt Nam! ảnh 1

Hai vợ chồng Vũ biểu diễn tại khu du lịch Đường hầm đất sét.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, vợ anh Vũ chia sẻ: “Sau khi có được chiếc trống hang drum đầu tiên mà hai vợ chồng phải bỏ hết số tiền dành dụm là 1.000 USD để mua, anh Vũ nhảy cẫng lên vui như một đứa trẻ. Ngay sau đó, anh bắt tay vào tập luyện một cách miệt mài và kỷ luật. Chỉ khoảng 10 ngày, anh đã biết cách chơi loại nhạc cụ còn khá mới mẻ đối với người Việt Nam này. Sau đó anh còn dạy cả mình chơi”.