Xin lửa, xin nước đầu năm

Giờ người ta khó tưởng tượng nổi cảnh thiếu thốn hơn 30 năm trước. Quê tôi nấu bếp rơm quanh năm, ít nhà có điện thắp sáng thì lửa, nước vẫn còn quan trọng lắm.

Minh họa: TRỌNG TOÀN
Minh họa: TRỌNG TOÀN

Nhà bà nội tôi từ trong sông chuyển vào cánh đồng, nhà xây xong chỉ còn cái thùng vôi làm thành ao, không đào giếng. Nhà cụ Thu bên cạnh đấy, giếng nước quanh năm thừa thãi. Mùa hè đúng mạch ngầm, nước sông Hồng lên thành lũ, đỏ ngầu phù sa, có khi còn dọa vỡ đê thì giếng nhà cụ nước phun trào khỏi miệng, nước chảy lênh láng ra vườn suốt mấy tháng trời. Nước nhiều bao nhiêu thì trong mát bấy nhiêu.

Giữa hai nhà đã trổ một lối đi. Nấp dưới những tán cây lại ở vùng trũng thấp, dù được đặt lên những viên gạch nhưng lối đi đó quanh năm bọp bẹp, khấp khểnh. Tôi ngày nào chả qua lại chỗ đó mấy chục lượt, thuộc từng viên gạch nào cập kênh, từng chỗ nước sùi lên, thuộc cả cành cây chỗ nào thì quệt vào mặt mà tránh. Ngày nào cũng vậy, bất kể ngày đêm, hễ chum nước trước cửa bếp hết nước là bà xỏ đôi thùng vào, đi sang giếng nhà cụ Thu quảy về.

Sáng mồng Một mà hết nước chẳng ai đi xin. Xin như thế là không biết điều, là gánh lộc của nhà người khác về nhà mình. Để khỏi bị giận, khỏi mất may mắn của hàng xóm, để tiện cho sinh hoạt của cả gia đình, việc tích trữ nước phải chuẩn bị từ ngày 30 Tết. Mà thường là gần Giao thừa, lúc mọi người đã dùng vơi hết các ang, chậu, chum rồi, mẹ tôi sẽ là người chịu trách nhiệm gánh nước về đổ đầy để dùng cho cả ngày mồng Một.

Đêm mùa đông rét như cắt, từ giếng đến chum chỉ độ hai chục mét nhưng trời thì tối như mực, đường thập thõm, có khi gánh được mấy gánh nước xong thì hai ống quần mẹ ướt sũng. Thế là cái bếp lại được nhen lửa lên để mẹ sưởi ấm, để mẹ hơ ống quần, và cũng là để mẹ tích trữ than cho sáng ngày hôm sau. Tất nhiên, cũng là để sáng mồng Một ra khỏi phải sang nhà hàng xóm xin cái đỏ về nhà mình.

Quê tôi cả làng làm ruộng, từ thân ngô, rơm cho đến lá mía, thân đỗ chẳng bỏ chừa cái gì. Gánh tất về nhà, cái nhiều như rơm thì chất đống để dành đun dần, cái ít thì để ngay trong bếp, chỉ dăm bữa nửa tháng là hết. Lửa rơm nhanh cháy nhanh tàn, chỉ độ tiếng sau là nguội lạnh hết cả.

Hồi ấy bật lửa đã hiếm, diêm càng hiếm hơn. Bật lửa là thứ bật lửa xăng, đen đúa ăn đủ bồ hóng, tro than, dầu mỡ, thân có khi trơn nhẫy nhưng bánh xe thì cứ lì ra, cứng nhắc. Có những lúc bật trầy cả tay lửa chẳng chịu lên. Trong ruột chiếc bật lửa lằng nhằng những bông, sặc mùi xăng. Có những lúc hết xăng, người lớn hay trẻ con chẳng ngại ngần gì mà rút đuôi ra, thò mồm vào thổi.

Ấy thế mà không phải lúc nào ông bơm xăng cũng qua làng. Vì cả làng cũng chẳng mấy ai có bật lửa. Hầu hết đều đi xin lửa nhà nhau. Thích nhất là gần nhà những ông hay thuốc lào. Trong nhà lúc nào cũng có ngọn đèn dầu lom dom, cứ bỏ thông phong ra, dí bùi nhùi rơm vào chạy ù về bếp nhà mình là có thể nhen lửa.

Đúng ra thì ngày Tết, để cho sáng sủa, không thể tiết kiệm được, chiếc đèn dầu sẽ được vặn nhỏ hết cỡ suốt đêm trên bàn thờ ông bà, đủ soi sáng cả ba gian nhà. Nhưng vẫn cứ phải tìm cách ủ than. Bởi có những năm chuột chạy đèn đổ. Có những năm gió lùa nhà trống đèn tắt. Cũng có năm bấc kẹt, dầu hết.

Việc nổi lửa đầu năm là quan trọng, để bếp ấm cúng, để có mâm cơm cúng tổ tiên đầu năm, để cả nhà còn được ăn sáng. Và chắc chắn là để đun nước rửa mặt vì nước tích trữ để qua đêm lạnh như kim châm rồi.

Thế là, những cục than gộc nấu bánh chưng sẽ được ủ vào lớp tro rơm rồi ủ thêm những lớp tro dày nữa hay theo cách nào đó mà mẹ tôi mới biết. Để sáng hôm sau, cục than gộc ấy bong hết lớp tàn tro bên ngoài, vẫn còn cái lõi hồng rực bên trong. Khẽ đặt nó vào đám rơm, thổi khe khẽ gượng nhẹ cho đến lúc nó bùng lên thành ngọn lửa, lúc ấy, mẹ tôi như trút được gánh nặng còn đeo lại của năm cũ, hăm hở bước vào nấu nướng bữa cơm đầu năm.

Tất nhiên là kèm theo hy vọng về năm mới khá hơn vì không phải xin lửa, xin nước hàng xóm.