Về Đông Hồ ngắm tranh

Sự chuyển mình của tranh Đông Hồ cùng các loại hình mỹ thuật, nghệ thuật dân gian nói chung trong bối cảnh mới thắp lên những hy vọng về các giá trị văn hóa của cha ông được lưu truyền không chỉ cho con cháu mà với cả bạn bè quốc tế.

Khuôn tranh Đông Hồ khắc dương bản, món lưu niệm được nhiều du khách đặt mua.
Khuôn tranh Đông Hồ khắc dương bản, món lưu niệm được nhiều du khách đặt mua.

Vang bóng

Làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) - làng Mái, nằm bên sông Đuống nghiêng nghiêng. Làng nhỏ, ít ruộng nhưng từ xưa đã nổi tiếng khắp trong nam, ngoài bắc về nghề in tranh. Thời thịnh vượng, gần Tết, khách theo đường bộ từ Bắc Ninh về, từ Hà Nội sang, khách từ miền nam, từ Thanh - Nghệ theo đường sông lên bến đò Hồ để “ăn tranh”. Họ nhắc nhau: “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh”.

Theo lời những người cao tuổi ở làng, chợ tranh họp ngay ở sân đình, năm phiên trong tháng Chạp vào các ngày 6, 11, 16, 21, 26 (âm lịch), tấp nập kẻ bán người mua. Tranh la liệt trong đình, ngoài bãi. Tranh bày trên chiếu, tranh treo trên dây, tranh còn được bán ngay tại nhà cho những khách quen. Năm 1938, cụ Võ An Ninh đã tới sân đình làng Hồ chụp cảnh bán tranh, ảnh nay còn lưu lại. Người ta mua tranh Đông Hồ về treo trong những ngày đón xuân như mang về cho cả gia đình niềm hy vọng tốt đẹp trong năm mới: “Mua tờ tranh điệp tươi mầu/ Mua đàn gà lợn đua nhau đẻ nhiều”.

Những ngày vang bóng của nghề in tranh dân gian xưa dường như đã lùi vào dĩ vãng… Cả làng hơn trăm nhà làm tranh xưa nay chỉ còn… hai gia đình bền bỉ giữ nghề.

Khởi sắc mới

Thế nhưng… Sắp sang năm mới, năm “của con lợn”, tranh lợn Đông Hồ đang được in hối hả. Cũng những mô-típ dân gian đã nức tiếng từ xưa: lợn đàn, lợn ăn lá khoai với hình lợn bụ bẫm, mang xoáy âm dương tượng trưng cho sự sung túc no đủ, ấm êm hạnh phúc… nhưng tranh lợn đón Tết hôm nay của Đông Hồ đã mang những chuyển động mới của làng nghề dân gian trong thời hiện đại.

Cùng với khổ tranh “cổ điển” 26 x 37 cm được lồng trong khung cho dễ treo thay vì dán lên vách như xưa, tranh lợn được in với nhiều kích cỡ trên mành tre giúp du khách có thể cuộn lại mang theo. Tranh lợn được đặt lên post card, đặt lên sổ, lịch… là món quà ý nghĩa để các em học sinh, sinh viên vui vẻ tặng nhau. Khuôn tranh cũng có thể được khắc dương bản để khách mua về, vừa như tranh vừa như một “hiện vật” của làng nghề…

Không còn cảnh bán tranh tấp nập ở đình khi giáp Tết nhưng tranh Đông Hồ nay được phổ biến ở một thị trường khác, hẹp hơn nhưng nhiều hứa hẹn. Đó là thị trường những sản phẩm văn hóa dân gian phục vụ khách du lịch. Các nghệ nhân còn lại ở làng Hồ đang nỗ lực bảo tồn những mộc bản cổ quý giá, đồng thời giới thiệu rộng rãi tranh Đông Hồ với bạn bè bốn phương. Làng Đông Hồ giờ đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn du khách. Tranh Đông Hồ nay đang đến với bạn bè Nhật Bản, Đức, Singapore, Nga, Mỹ... để giới thiệu một nét văn hóa dân gian độc đáo Việt Nam, để bạn bè gần xa biết đến.

Nhiều người ước một lần đến Đông Hồ để sống trong không khí một làng nghề cổ truyền độc đáo, mang trong mình sức sống âm thầm, vẫn bền bỉ bảo tồn những giá trị truyền thống trong dòng chảy những sản phẩm văn hóa của nền văn minh hiện đại đang xô về từ nhiều hướng.