Tiếng của mùa xuân

Chưa nhìn, chưa chạm, chỉ nghe không thôi thì tiếng của Tết nhất, năm mới, ngày xuân đã dồi dào lắm. Nào âm thanh kỳ cạch cọ rửa bàn ghế, ban thờ, cửa kính, đồ kim khí. Lời chào mời đào hoa quất lá pha chút âm quê pha chút lam lũ. Tiếng nước sôi réo nồi bánh. Tiếng lầm rầm nhẫn nại văn khấn Nôm đêm ba mươi. Tiếng chuông loang không gian trừ tịch thoáng gợi mơ hồ khắc khoải xa nhớ. Từng hồi trống ngoài đình vọng qua những ngõ vắng sạch sẽ. Câu chào nhau vóng từ ngoài cổng vóng vào trong sáng ngày đầu tiên Tết cổ truyền lạnh se nắng trong vắt. Những lời mở hàng hỏi han năm cũ việc mới. Rồi mấy chiếc chén sủi tăm chạm lách cách. Tiếng cười ngả ngả, men men...

Hát quan họ hội làng Ngang Nội. Ảnh: THANH BÌNH
Hát quan họ hội làng Ngang Nội. Ảnh: THANH BÌNH

Nhưng đủ đầy rồi, tôi muốn nghe lấy tiếng ca. Những lời hát có lên từ trước ngày đoàn tụ, trong những ngày sum họp, chào mời và còn làm người ta luấn quấn khi khép lại ngày Tết, cũng là khép những ngày hội làng, vì ở làng người ta coi hội như ngày Tết nữa. Tết vì thế mà dài ra, không gọn trong mấy mồng đầu Giêng, dâng đủ cỗ, hóa vàng xong là xong, mà còn đưa người đi trong không khí mênh mang xuân sướng dài lắm. Chen lẫn những ngày đó, êm đềm và nao nức, là câu hát. Hát lên một cái là thấy chân tay líu díu, muốn để việc gì đang giở lại đấy, để đi. Hát lên một cái là muốn cứ thế ngồi mà hát nữa, hát mãi. Không cứ phải hát bài về mùa xuân, ngày Tết ngày nhất. Hát chuyện giao duyên, nhớ mong sớm tối, cồn cào gặp gỡ, ấy là mùa xuân, là gắn bó và sinh sôi rồi. Chúng tôi đi trên đường làng, nghe tiếng hát vẳng ra từ một đôi cửa nhà đâu đó, lòng như đã muốn quen biết nhau rồi.

Những tiếng hát là để nối người ta quý mến nhau thật! Có anh bạn nghe cô diễn viên đoàn quan họ hát sân khấu ở triển lãm Vân Hồ Hà Nội một tối mùa rất lạnh ngày di sản mùa đông năm nọ, thì hội Lim đến, đi tìm để gặp ở giữa nơi trăm nghìn người. Cứ theo tiếng hát mà đến thôi. Cô bạn hát thuyền rồng trên hồ làng Lũng Sơn, gặp phút nghỉ mời nhau bữa trưa giản dị, rồi trở lại thuyền hát tặng lên bờ: “về là có ai xuôi về, cho em nhắn, cho em nhủ, bên nay a nhời về, nhắn cùng là cùng, anh Hai xuống, là xuống thuyền xuôi đông, là em có quản bao nhọc nhằn…”. Thì từ khi ấy, trong lòng làm sao yên cho nổi. Lại có lần phải tìm đến thăm tận nhà ở trong làng Phù Lưu.

Em bé gái ở làng Ngang Nội, tôi từng có dịp phỏng vấn từ năm 2004 đang là học sinh cấp hai, khi em hát cho GS dân tộc nhạc học người Nhật Bản Tokumaru và các cộng sự về điền dã. Hơn mười năm sau chợt thấy em hát thật hay, thật trẻ, thật nền nã áo khăn trên thuyền chiều hội làng Ngang. Khán giả người làng đều quen mặt cả, mà cứ như chờ đợi để nghe em gái, cháu gái duyên dáng hát. Mấy bà vai trên trong họ cứ tấm tắc khoe, ui, nó mà xuống thuyền hát thì bọn con giai xúm vào nghe đông lắm!

Cũng ở làng ấy, một năm hội sau lần đó, chúng tôi trở lại thăm nhà vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Đức Nhuận - Nguyễn Thị Bướm sau mấy ngày ông Nhuận vừa đón danh hiệu nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh, ngồi nghe ông bà phấn khởi kể chuyện đi hát từ hồi trẻ, hát một mạch đến tận bây giờ, chưa nghỉ. Ông Nhuận trước có quãng làm ít nghề mộc, đi làm cho nhà người ta, phải để cả ống sáo trong hòm đồ nghề mới yên tâm. Bà Nguyễn Thanh Xuân em bà Bướm, nguyên là diễn viên Nhà hát Tuồng Trung ương bồi hồi, nói thì nghĩ tội, chứ có lần em giận anh giận chị ghê lắm! Ai lại bố mới mất mà vẫn cứ hẹn người ta đi hát cho bằng được…

Còn liền anh Nguyễn Xuân Trường, làng Đọ Xá, tôi được quen cũng đã lâu nay, mới đợt vừa rồi cũng được tỉnh phong nghệ nhân. Bao năm qua, năm nào Tết đến là cũng có lời mời anh hai Trường đi hát. Hát cho vui cửa vui nhà, đẹp lòng chủ, khách. Hát để ngày hội ấy, bạn trong ngoài tỉnh về chơi ăn cỗ, uống rượu, được nghe hát hay mà tấm tắc, toại nguyện, thế là có tài có lộc cho gia chủ lắm. Hát mà thành bạn bè của vợ chồng bao nhiêu nhà mời hát. Rồi có khi ngày hội đến, hát cho nhà này mà chưa kịp qua nhà kia, thì vợ chồng nhà nó mắng yêu cho phải biết.

Những người hát hay như thế, được người ta yêu quý. Bởi người ta mê câu hát xuân hội đầy những tình tang luyến nhớ mà mến thêm giọng người vang lên lời ca ấy. Lần đầu tôi nghe liền anh Xuân Trường hát đã lâu lắm, cũng mười mấy năm rồi. Cái trại của phường Kinh Bắc không dựng ở trên đồi mà để xuống dưới phố, gần hồ đình Lim. Cô Phượng học trò thầy Trường với bạn hát đã kéo người vây quanh rồi, đến hai ông thầy trung niên hát thì họ xúm lại kín nữa. Hát bài buồn hẳn hoi, “ba bốn năm ăn ở trong rừng, chim kêu vượn hót nửa mừng nửa lo…” mà không khí cứ như sôi lên.

Phượng bây giờ ở đâu, chưa có duyên nghe lại câu hát. Cô ấy có hát ru, hát cho con mình nghe những lời giao duyên thánh thót, để con cái lớn lên cũng dần biết hát, cũng nao nức âm thanh khi xuân hội về. Như nghệ nhân Nguyễn Thị Bướm, như người con gái lớn lên lại cùng với mẹ hát thành một cặp. Những người hát giọng tươi đẹp và tâm hồn đầy giai điệu như thế, hẳn còn khiến nhiều người từng nghe phải nhớ lâu. Mỗi năm, hội lại mở, câu hát vẳng nghe từ xa, vẳng trong trí nhớ, dựng lên mùa xuân xanh non, vạm vỡ như đồi núi.