Tết gần, Tết xa, Tết trong nhà

Thấm thoắt, tôi đã đón cả chục cái Tết ở khu phố nhà binh Lý Nam Đế. Khi tôi chuyển về sống ở đây, những nhà văn khoác áo lính tóc đã bạc trắng. Sáng sáng, họ chụm quanh ấm trà, trước mặt là tờ báo gấp ngay ngắn. Ngày thường thế và Tết cũng chẳng khác là bao.

Phong tục Tết cổ truyền. Ảnh: NG.ANH
Phong tục Tết cổ truyền. Ảnh: NG.ANH

1/ Những người lính già đã làm xong nhiệm vụ, họ sống xa con cháu, gần Tết thư thả ra đầu phố chọn cành đào, chậu quất con con về trưng trong căn hộ nhỏ hẹp.

Ánh mắt ngóng chờ của nhà thơ Anh Ngọc mỗi khi kể về hai đứa cháu nội bên trời Tây làm tôi suy nghĩ. Tấm lụa tím rộng dài mướt mát phủ lên những bức ảnh chụp các cô gái xuân thì của nhà nhiếp ảnh già cùng khu phố. Đã nhiều tháng ngày ông không cầm đến máy ảnh. Thêm cành đào, chậu cúc kề bên ảnh là thành Tết. Thi thoảng, gặp đám trẻ mau mắn chạy nhảy loáng thoáng ở cầu thang, chưa kịp định hình là ai, những người già như thế vẫn niềm nở: “Tết nhất đến đâu rồi các cô, các cậu?”. Ở khu phố này, trong bầu khí quyển ấy, Tết bao năm dường như vẫn nhẹ nhàng thế thôi.

Ngót chục hộ gia đình ở phố chung sở thích cắm thược dược đủ mầu xen violet tím chờ Tết, chọn những cành đào bé xinh, những chậu quất bon-sai lúc lỉu chỉ vài chục quả xanh chín, nụ hoa, chồi lá. Trước ban-công khu tập thể cũ là những chiếc rổ mây tre hong đầy măng miến, mộc nhĩ, bột nếp… Trông gọn ghẽ vậy nhưng tất cả đã được tính cho vừa vặn cỗ bàn từ mâm cúng ông Công, ông Táo hăm ba tháng Chạp cho tới mồng bốn Tết.

2 / Vài năm nay, cứ dịp ấy là chúng tôi đến phố Hàng Thùng, nhà nhạc sĩ Hoàng Vân, biếu ông tờ báo Tết. Giờ thì ông đã qua đời, mà lời hẹn dường như vẫn mới. Con trai ông, nhạc trưởng Lê Phi Phi, mấy chục năm nay không được ăn Tết ở quê nhà vì đã định cư ở nước Cộng hòa Macedonia… Khi chưa qua đời, nhạc sĩ Hoàng Vân có thói quen đọc và giữ gìn tất cả những bài báo viết về các con mình. Đó là niềm vui, là đợi chờ và khắc khoải. Nhạc trưởng Lê Phi Phi luôn nói với tôi, trong tâm thức anh mãi đinh ninh một cuộc trở về. Vào thời khắc Giao thừa tại Việt Nam, ở đất nước xa xôi kia, vợ con anh luôn tạo một không khí yên lặng trong nhà để nỗi niềm của anh thật trọn vẹn. Sau khoảnh khắc thiêng liêng ấy, cả gia đình sẽ lại quây quần nhấc điện thoại chúc Tết bố mẹ ở Hà Nội.

Mười bảy tuổi sang Nga du học, ký ức Lê Phi Phi vẫn vẹn nguyên nỗi da diết nhớ nhà giữa vùng băng tuyết trắng xóa, giá lạnh. “Hồi đó hàng hóa chưa tràn ngập như bây giờ nên chỉ có những nồi măng, bóng do các bạn nữ trong ký túc xá nấu, biến tấu theo điều kiện thiếu thốn cùng cành đào giấy tự làm như hồi bé mình loay hoay trong giờ học thủ công thôi. Nhẩm tính mình đã có hơn hai mươi cái Tết tha hương. Cũng vẫn bánh chưng, trà mứt đặt mua từ các nước khác về, hai món măng bóng, miến gà thì bao giờ mình cũng tự tay nấu mà sao có những góc khuất thẳm sâu không thể nói nên lời”.

Ở Macedonia, bằng tất cả mọi cố gắng, anh đã mang từ Việt Nam sang từng bộ bàn ghế, tủ chè khảm trai trang trí cho phòng khách đúng chất Hà thành. Nhà không có bàn thờ, anh sắp xếp một góc trang trọng nhất dành để thắp hương trong những dịp đặc biệt. Và vợ anh - nghệ sĩ violin Lidija Dobrevska - luôn được chồng truyền cho cảm hứng, bí quyết nấu các món ăn Việt. Ngoài cỗ Tết, Lidija Dobrevska còn thành thạo cách nấu phở, làm nem, làm bún chả, chả cá và các món ăn xào, nấu khác.

3 / Đến nhà NSND Lê Khanh trong con ngõ số 20 Phan Đình Phùng luôn thấy vài ấm nước reo sôi trên bếp lửa dọc lối đi. Quán trà đầu ngõ của mẹ chị, NSƯT Lê Mai, vài mái đầu bạc phơ ngồi bên nhau. Tôi yêu mến dáng ngồi tận tụy và bình thản của bà. Tôi nói, chị cổ điển đến cực đoan, chị cười thừa nhận. Bởi nhiều cái Tết, lịch diễn dày đặc cho đến mãi 30 mà giờ nghỉ trưa Lê Khanh vẫn xoay xở được một nồi bánh chưng xanh biếc. Gần đây, ngôi nhà chị biến thành “lò” nấu bánh chưng tập thể cho bạn bè nghệ sĩ và hàng xóm trong phố. Nhiều nhà gửi cả con cháu sang cho chúng học làm bánh chưng.

Trong cơn mưa lay phay quyện hơi nồm ẩm báo tin xuân, tôi hình dung từ hình ảnh những người phụ nữ gói bánh chưng không cần khuôn nhưng trăm cái như nhau, đến đêm hội của đám trẻ làng, trẻ phố cho công đoạn luộc bánh chưng bằng thùng phuy to đùng, ám khói từ nhiều năm trước.

Tết gần, Tết xa, Tết trong nhà ảnh 1

Chợ hoa.