Nâng niu thực phẩm đảo xa

Tết đến, Xuân về với người lính đảo không chỉ có hoa thơm trái ngọt, lương thực, thực phẩm… được chuyển ra từ đất liền. Ở Trường Sa những năm trở lại đây, việc tăng gia sản xuất của lính đảo đã làm nên nét đẹp đầy sức sống.

Chiến sĩ đảo Song Tử Tây nhận quà từ đất liền. Ảnh: ANH NAM
Chiến sĩ đảo Song Tử Tây nhận quà từ đất liền. Ảnh: ANH NAM

Vịt đùa sóng, lợn phơi mình trên đá

Hình ảnh ấy không xa lạ với những ai đã ra thăm đảo Trường Sa. Ngoài những chú khuyển tinh khôn, vịt bầu bĩnh… thì lợn là vật dễ nuôi và năng suất nhất. Những con lợn thắm da, mượt lông, nặng cả gần tạ dùi dũi bên mép sóng khiến khách thăm đảo không khỏi phục “tài nghệ” lính đảo.

Lần đó, chúng tôi theo chân Thiếu tá Trần Duy Thảo, Phó Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh B, những chú lợn đang nằm phơi mình trên đá khi nhìn thấy chủ và khách đã vội bật dậy, chực chờ lao đến. Anh Thảo cố lùa những chú lợn ục ịch vào chuồng để sự “quá trớn” của chúng không làm khách giật mình. Trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, anh nở nụ cười: “Các anh, các chị thấy đấy, đảo nhỏ và chuồng trại chưa được làm kiên cố nên chỉ cần sơ sẩy một chút là chúng lại vượt rào ra mép biển, rồi nhớn nhác theo đàn vịt trên sóng”. Lùa mãi những “ông ỉn” chẳng chịu vào, anh Thảo phải chạy vào trong lán lấy khẩu phần bữa trưa, mặc dù chưa đến thời gian cho lợn ăn. Ngửi thấy mùi thơm thức ăn, cùng tiếng va gõ quen thuộc vào thành xoong chậu, những chú lợn từ mép biển lũ lĩ chạy thẳng về chuồng, đàn vịt cũng vỗ cánh lao lên tranh phần.

Đảo lớn thì có chuồng trại, kiên cố và nuôi được nhiều lợn, còn đảo nhỏ như thế này, lán, chuồng cho vật nuôi thường được làm tạm, ngày bão to, gió lớn là phải lùa chúng lên ở cùng với người. Nhiều khi anh em chiến sĩ còn phải nhường cả chỗ đứng chân cho vật nuôi. Ở đây, để gây được một lứa lợn hay gà vịt, quả không dễ dàng. Lợn nuôi trên đảo không tính lứa, tính ngày, cứ ang áng chừng dịp nào khan hiếm thực phẩm là tính chuyện cải thiện cho lính, thường là để dành vào dịp Tết. Đảo nhỏ, cũng không dám nuôi nhiều, vì còn liên quan đến khẩu phần của lính. Khó khăn nên cái gì cũng tính vừa đủ, chứ không được quá sức. Lợn là giống vật nuôi tạo nên năng suất nhưng năm nào, bão to, sóng nhiều là không nuôi được.

Năm nay, Thiếu tá Trần Duy Thảo đã được điều động công tác sang làm Trợ lý Tham mưu đảo Phan Vinh A, khi tôi gợi lại hình ảnh những “ông ỉn” ở đảo Phan Vinh B, anh ngậm ngùi: “Năm 2018 bão không nhiều như mọi năm nhưng những đợt gió lớn liên tục tràn vào, Phan Vinh B và các đảo chìm khác vốn chuồng trại chưa được xây dựng kiên cố nên không nuôi được lợn. Mãi dịp gần cuối năm anh em mới gầy lại được đàn lợn nên Tết này phải nhờ nguồn thịt lợn tươi từ đất liền mang ra và từ các đảo lớn có chuồng trại kiên cố chia sẻ”.

Trong 20 năm công tác ở Lữ 146, có bảy năm làm đảo trưởng, điểm đảo trưởng, sáu năm liền ăn Tết ở Trường Sa, với Thượng tá Phạm Văn Lý, Phó Tham mưu trưởng Lữ 146, Hải quân thì câu chuyện về việc chuẩn bị thực phẩm cho Tết luôn làm anh nhớ nhất. Nhớ cái Tết đầu tiên trên đảo Đá Lớn năm 1999, thời ấy biết bao khó khăn, điện không có phải dùng máy nổ, điện thoại di động cũng không, tủ lạnh càng không. Thực phẩm mang từ đất liền cho lính đảo trong dịp Tết, to nhất là một con lợn nên khi đã tổ chức mổ lấy thịt là phải ăn dồn, ăn dập. Đảo Đá Lớn có ba điểm đảo (Đá Lớn A, Đá Lớn B, Đá Lớn C), tựa vào nhau theo thế chân kiềng, mỗi khi thủy triều rút, dải san hô trên cụm đảo trồi lên tầng tầng như vỉa chông và những khi cần thiết anh em vẫn phải vượt đường để gặp nhau. Từ điểm đảo này tới điểm đảo kia có đi cũng phải mất nửa ngày mới sang được. Có năm, anh em ba điểm đảo tập trung mổ lợn chia phần, mới mang thịt được non nửa đường về điểm đảo thì nước biển sầm sầm dâng lên, cố lắm mới bơi được người về, còn thịt bị sóng giằng mất, làm mồi cho cá. Những khi ấy, lính cứ đứng nhìn nhau mà thương, người có thịt để ăn cũng chẳng thể nào nuốt nổi.

Bây giờ khác xưa rồi, đảo chìm, đảo nổi đều được trang bị ca-nô để nếu gần có thể đi sang nhau, có thể ra tận ngoài tàu để đón khách hoặc nhận lương thực, thực phẩm cấp tiếp từ đất liền. Hơn nữa ở các đảo hiện nay, anh em đã tự trồng, tự nuôi, tự làm ra được một phần lương thực tươi sống để cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Đàn bò vàng gợi bóng chiều quê

Gặp Thượng tá Nguyễn Đăng Hồng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, tôi đọc cho anh nghe bài thơ “Đàn bò trên đảo Song Tử Tây” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: “Cách đất liền hàng trăm cây số biển/Song Tử Tây, kìa Song Tử Tây/Nghe chó sủa trăng gà gọi sáng/Lại gặp đàn bò theo lính đảo về đây/Mịt mù cát trắng rang trong nắng/Cát xót mắt người, nhức mắt bò/Bò ra mép biển lo say sóng/Bò vào vọng gác dáng lơ ngơ/Bỗng đâu áo lính phơi trên đá/Đàn bò ngỡ là vuông cỏ xanh/Cái màu áo lính như ăn được/Mấy tháng cây khô, nắng cháy cành/Song Tử Tây đàn bò gặm nắng/Tiếng lính gọi bò vọng giữa trùng khơi/Bao giờ trắng biển cơn mưa xối/Đảo hóa làng quê cỏ nõn trời…”. Anh Hồng bất ngờ lắm, anh bảo: “Tôi có biết và rất ấn tượng với bài thơ này từ lúc còn là một người lính công binh. Ấn tượng hơn khi đúng ngày 22-12-2016 mình được cử ra đảo Song Tử Tây làm nhiệm vụ, lúc ấy nhìn đàn bò thong thả gặm cỏ trên đảo, tôi cũng đã đọc bài thơ ấy, giống như anh đang đọc lúc này. Từ khi có đàn bò, không chỉ mình, mà tất cả anh em đều cảm thấy quen thân như ở quê nhà”.

Đàn bò trên đảo Song Tử Tây hiện nay có năm con, năm vừa rồi có thêm hai chú bê con ra đời và sang năm 2019, trong đàn cũng sẽ có thêm thành viên mới. Nhìn sự thơ mộng của đàn bò, tôi hỏi anh Hồng: “Đàn bò đẹp như thế, khi có một con bị biến thành nguồn thực phẩm thì có tiếc không?” Anh Hồng cười: “Tiếc thì cũng tiếc thật, nhưng… vật nuôi ngoài đảo cũng là một phần trong công tác bảo đảm hậu cần, lương thực. Vả lại, kế hoạch nâng cấp đàn bò từ nguồn sinh sản của bò mẹ vẫn tiếp tục được phát huy hằng năm. Tết này, ngoài nguồn cung cấp thực phẩm từ đất liền, đảo đã dự trữ được nguồn tại chỗ là đàn gà, vịt cùng hơn hai mươi con lợn, mỗi con chừng tám mươi đến hơn trăm kg, thì còn có thêm một con bò nữa”.

Anh nói trong niềm vui, niềm tự hào của những người lính đảo luôn vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.