Mùa của mẹ...

Như thể đã có lời giao ước, cứ vào cữ tháng mười, hoa dong riềng lại vươn mình kiêu hãnh giữa biển lá xanh dày mướt mát, trổ bông đỏ rực, thắp lửa sáng bừng một góc vườn. Khu vườn nhỏ thường ngày vốn trầm lặng, giờ bỗng choàng thức, cây lá xôn xao trước mầu hoa quyến rũ như mầu son môi thiếu nữ trước giờ đi trảy hội.

Minh họa: ĐOÀN XUÂN TẶNG
Minh họa: ĐOÀN XUÂN TẶNG

Hoa nở cũng báo hiệu đến mùa bận rộn của mẹ vào mỗi dịp cuối năm. Nhìn quyển lịch trên tường chỉ còn lại một lớp mỏng, giấy bìa đã lợt mầu, mẹ bắt đầu bấm ngón tay nhẩm tính. Nào tính ngày làm giỗ bà, tính đám ăn hỏi cháu, tính thời gian gọi thợ đến dọi lại mái nhà để mùa mưa bão năm sau không còn lo bị tốc ngói, dột nước. Nào tính đến ngày đàn lợn xuất chuồng, phỏng đoán giá cả ngoài chợ lên xuống ra sao, từ đó ước xem lứa lợn liệu thu về được bao nhiêu để lo cho mùa Tết. Cả mùa Tết trông vào mấy con lợn, nên bữa nào lợn bỏ bữa là mẹ mất ăn mất ngủ. Trong khi lịch trên tường vẫn đang còn chùng chình với tháng mười, mẹ đã hối hả như thể cái Tết vừa ào ào đi qua ngõ, giờ đang chầu chực sẵn bên hiên, chỉ cần buổi sáng mở cửa bước ra ngoài là Tết ập vào nhà.

Tưởng chẳng có gì phải vội, vậy mà Tết kéo đến nhanh bất ngờ, mang theo không khí vui tươi, nồng nhiệt như bạn cũ lâu ngày gặp lại. Hoa dong riềng chỉ vừa mới lụi đã thấy phố xá ngập tràn sắc đào, quất, lay dơn, hải đường... Từng đoàn xe thồ chất ngất lá dong nườm nượp tỏa về các chợ. Chợ thường ngày vốn chỉ gói gọn trong lòng một ngõ phố, giờ duềnh ra kín hai đầu ngã tư. Những măng, miến, hành khô, mộc nhĩ, nấm hương,... bầy ngồn ngộn. Cửa hàng bách hóa ưu tiên mặt tiền để xếp chật kín các hộp bánh mứt kẹo in hình hoa đào. Hàng bán cây cảnh tranh thủ ghé chân ở các vỉa hè. Mấy cửa hàng chuyên bán hoành phi, câu đối cả năm ngủ vùi, giờ như choàng tỉnh giấc. Phố xá đông đúc, nhộn nhịp từ sáng đến tối mịt dù ai nấy đều hối hả, tranh thủ mua mua bán bán để còn nhanh chóng về nhà.

Chẳng phải đợi đến sát Tết mẹ mới tất bật. Mẹ lo dọn cỏ ở mảnh vườn nhỏ, dặm thêm luống rau mới, chăm chút khóm hoa, tranh thủ ngày nắng để phơi phóng chăn màn, soạn lại tủ quần áo, sắp xếp lại nồi niêu bát đĩa, lau các khung ảnh trên tường... Những ngày nghỉ mẹ làm luôn chân, luôn tay. Nhưng phải đến lúc bán xong lứa lợn, công cuộc sửa soạn Tết nhất của mẹ bắt đầu vào giai đoạn cao trào. Mẹ trịnh trọng treo quyển lịch mới ngay ngắn trên tường, đếm ngược thời gian đến lúc Giao thừa. Bàn thờ lau dọn tỉ mẩn. Nhà cửa quét dọn tinh tươm. Bếp nhà có thêm vại dưa hành. Măng, miến, gạo nếp, đỗ xanh... đã sẵn sàng. Có thêm ít gừng dưới quê gửi lên, mẹ thức suốt đêm làm mứt. Quần áo mới diện Tết cho con mẹ cũng đã kịp sắm sanh.

Không khí Tết rộn ràng từ nhà ra phố, đến nỗi ngày nào đi học về, con cũng náo nức hỏi mẹ còn bao nhiêu ngày nữa thì Tết đến. Tết gần lắm rồi, gần như có thể cầm, nắm và hít hà đến chật căng cả lồng ngực. Mỗi tối đi ngủ, con lại ngủ mơ Tết đang chờ bên giường. Và một lúc nào đó trong giấc say nồng, mẹ sẽ đánh thức giấc con trong tiếng pháo nổ ran, trong hương vị ngày Tết thơm tho, no đủ bao phủ khắp nơi.

Tết có mùi đặc trưng đến độ, chỉ thoáng bắt gặp là biết Tết đã đến rất gần. Đó là mùi hương trầm vấn vít tỏa ra từ mỗi nếp nhà, giục giã người đi xa trở về. Mùi của cây cỏ trở mình, trỗi dậy trong tiết xuân nồng. Mùi thức ăn nồng nàn trong căn bếp của mẹ. Mùi lá dong, mùi gạo nếp thơm đến tứa nước miếng trong nồi bánh chưng sôi sùng sục. Mùi của hành vừa ngấu trong vại. Mùi bâng khuâng của hoa mùi già tiễn năm cũ. Mùi quần áo mới nôn nao nằm đợi trong ngăn tủ. Mùi của những tờ tiền mừng tuổi chộn rộn trong phong bao.

Tết xôn xao ghé từng nhà, thương yêu trìu mến.

Tết là mẹ, lo toan, tất bật, nhưng rất đỗi ấm áp, hiền hòa, chẳng bao giờ có thể rời xa...