Đắm đuối với... bút

Đã không chuyên sâu tìm hiểu thì thôi. Nếu dấn thân, cẩn trọng đọc tài liệu, tìm hiểu, sưu tầm bất cứ ai cũng rất dễ đắm đuối với… bút.

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng hiện sở hữu 2.500 cây bút quý.
Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng hiện sở hữu 2.500 cây bút quý.

Giới văn chương thường có thói quen khai bút vào đầu xuân. Điều đó còn trở thành một thú chơi văn hóa. Có người, đầu năm mới phải kiếm thêm cho bộ sưu tập một chiếc bút mới, có nét độc đáo, lạ. Có thêm nó như được tiếp thêm năng lượng để yêu đời.

Điều đó cũng trùng hợp với nhà văn Dương Thu Ái, ngoài sưu tầm những chiếc bút quý, gần 40 năm qua ông nhặt bút ngoài đường để dịch sách và xuất bản. Đến nay ông vẫn còn giữ hàng vạn cây bút, tuy hết mực, nhưng ông vẫn trân trọng lưu giữ trong bộ sưu tập của mình, đó là những cây bút đã đồng hành, cùng ông xuất bản được hơn 245 đầu sách các loại. Nhà văn Dương Thu Ái vinh dự được Tổ chức Guinness Việt Nam trao tặng danh hiệu kỷ lục: “Nhà văn duy nhất viết sách bằng bút nhặt và giấy tận dụng”. Vì sao lão nhà văn chỉ có thể có được cảm hứng tốt nhất khi lao động cùng những cây bút cũ được ông nhặt từ… ngoài đường? Dương Thu Ái trả lời: “Do bản tính tôi tiết kiệm. Với lại, tôi là người sống gần gũi với thiên nhiên. Gần 40 năm qua không bỏ đi bộ ngày nào. Đi bộ thì có sức khỏe. Việc đó cũng giúp tôi có cơ hội được gặp những chiếc bút bị rơi ngoài đường. Tận dụng bút cũ và giấy đã in một mặt là cách bảo vệ môi trường và… tri ân bút!”.

Có những người mê bút chẳng kém gì nhà văn Dương Thu Ái. Như anh La Trọng Hưng, sống ở khu Mỹ Đình (Hà Nội). Anh Hưng mê bút hơn vàng bạc đá quý. Nhiều năm qua, dành dụm được tiền, ngoài chi tiêu cho gia đình, anh đầu tư sưu tầm nhiều loại bút chì, bút máy được sản xuất từ năm 1900 đến 1980. Anh Hưng chia sẻ, mỗi niềm đam mê đều có cái giá của nó, và với đam mê bút, ngoài có cơ hội tìm hiểu, anh học tự rèn bản thân tính kiên nhẫn. Anh cũng tiết lộ, trong bộ sưu tập, mình trân quý cây Pilot Super G-500 vì loại này được sản xuất từ năm 1955, với thiết kế ngòi bản rộng, hệ thống bơm mực nhạy, nét viết đẹp. Anh Hưng có nhiều loại bút của nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới, kim cổ đủ cả. Như các hãng Mont Blanc, Parker, Waterman, Conklin, Esterbrook… được chế tác cầu kỳ, có chiếc bút trị giá 10 nghìn USD.

Một người cũng rất đáng nể là bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, hiện là Giám đốc Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa. Hiện ông sở hữu khoảng 2.500 cây bút khác nhau, trong đó ngoài những cây bút quý lại có những “mảng” rất ngộ nghĩnh như bút hình trái cây, bút hình lá cây, bút tượng người, hình các loại củ, hình đồ ăn, hình những con cá, bút tre, bút gỗ, bút chì. Lại có chiếc to như bắp tay, bút nhỏ vừa bằng cái kim… “Điều đó cho thấy những người sản xuất bút cũng rất sáng tạo, có trí tưởng tượng phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt là tuổi thiếu niên. Mỗi lần ngắm bút, tôi như được trở về tuổi thơ”, bác sĩ Xáng chia sẻ.

Bác sĩ Xáng quê gốc Huế, ngày nhỏ nhà ông “nghèo như không thể nghèo hơn”, nhưng vẫn quyết tâm học hành. Chính cây bút đã cùng ông nắn nót những nét chữ đầu tiên, rồi trở thành người bạn đồng hành cùng ông suốt những năm qua. Năm 1995, ra nước ngoài học ngành tai-mũi-họng, ông được bác sĩ ngoại quốc tặng cây bút đẹp, với lời chúc thành công. Trở về nước, vào Khánh Hòa công tác, ông đã thành công thật sự, từ đó ông nghĩ ra cách tri ân chiếc bút bằng cách sưu tầm bút, cũng là để mình sống thoải mái với những “người bạn bút”, nhớ lại tuổi thơ nghèo khó mà đầy ước mơ. Điều đáng nói, đó không phải là các loại bút mua dễ dàng trên thị trường, mà nhiều loại bút hiếm gặp trên thế giới. Đi đến đâu ông cũng tìm. Có một điều thuận lợi là ông có nhiều người bạn đang làm việc ở nước ngoài, nên rất dễ nhờ mua hàng ngoại. Mới đây, bác sĩ Xáng đã mất nhiều thời gian để có chiếc bút hình Tổng thống Mỹ D. Trump và gia tài của ông sẽ tiếp tục lớn thêm nữa.

Bút không chỉ là vật dùng để viết. Bút còn làm sang và thể hiện đẳng cấp của giới doanh nhân. Bút thể hiện tinh thần hiếu học, là công cụ để các phụ huynh dạy con trân trọng quá khứ, những người bạn thuở niên thiếu đã giúp đỡ mình. Bút đồng hành cùng cánh tay, luyện viết chữ đẹp, rèn nết người, là đồ dùng không thể thiếu trong đời sống và cũng thể hiện nét văn hóa ngôn ngữ của con người. Chơi bút, sưu tầm bút là thú chơi tao nhã.