Làn gió mới ở Tam Đường

Một tiết học, cô giáo giảng trên lớp cùng phụ huynh trợ giảng, học sinh sôi nổi tham gia. Nội dung và cách thức xây dựng bài học luôn lấy trẻ làm trung tâm thay vì giảng giải một chiều là mô hình học tập hiện đại mà nhiều trường học dưới xuôi còn khó thực hiện, thế nhưng đã được áp dụng tại một số điểm trường ở các xã vùng cao Lai Châu, mang đến cho những đứa trẻ cơ hội học tập tốt hơn.

Các em học sinh ở Khun Há, Lai Châu. Nguồn: AIDE ET ACTION
Các em học sinh ở Khun Há, Lai Châu. Nguồn: AIDE ET ACTION

Lấy trẻ làm trung tâm

Lý A Sà đến từ bản Hồ Pên, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu. Anh có hai con, đứa lớn học lớp 7, đứa bé học lớp 2. Anh kể, mấy năm trước đứa con gái lớn nhà anh đi học còn khó khăn lắm, có lúc con đi học không biết tiếng, “không hiểu hết cái chữ cô giáo dạy”. Nhưng đến năm 2016, con trai bé của anh là Lý A Long đi học mẫu giáo lớn thì khác hẳn. Con trai và con gái anh mấy năm vừa qua được học theo chương trình song ngữ có phụ huynh trợ giảng tiếng Mông. Các con học những tiết ngoại khóa còn có thêm sách mới trình bày rất đẹp và đoạn phim tiếng Mông để trẻ nghe hiểu.

Chính anh Sà cũng là một trong số các phụ huynh tham gia trợ giảng cho cả trường tiểu học và mầm non ở xã. Mỗi tháng anh trợ giảng một buổi, sau khi cô giáo giảng xong anh đọc lại bài thơ bằng tiếng Mông, trả lời những chỗ học sinh chưa hiểu và đặt câu hỏi cho các con bằng tiếng Mông. “Các con rất vui vì nghe song ngữ hiểu rõ hơn, khi đi trợ giảng mình mang theo cả quả cầu, quả pao, quả tu lu để hướng dẫn bằng các dụng cụ đấy, lại nói bằng tiếng Mông nữa nên các con rất vui và hiểu”, anh nói. Anh khoe, cô con gái lớn Lý Thị Vân của anh năm học 2017 vừa qua được học sinh xuất sắc, được chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện.

Đây là kết quả của chương trình dạy học song ngữ lấy trẻ làm trung tâm nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn tại Lai Châu, Việt Nam” do Liên hiệp châu Âu (EU) tài trợ và Tổ chức Aide et Action Việt Nam phối hợp Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA), thực hiện từ tháng 1-2016. Dự án đã được triển khai trong ba năm tại ba xã Tả Lèng, Nùng Nàng, Khun Há của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Tại một lớp học theo mô hình triển khai tại điểm trường mầm non xã Khun Há, sau khi nghe cô giáo kể chuyện, học sinh tiếp tục xem clip giảng giải về câu chuyện đó bằng tiếng Mông có phụ đề tiếng Việt. Mỗi clip là những bài học có nội dung về phong tục tập quán, thiên nhiên hoặc kỹ năng sống. Học sinh xem xong, một phụ huynh có mặt giảng giải những điều các em chưa hiểu, nhất là những trò chơi, trang phục, nét văn hóa của dân tộc mình. Các phụ huynh còn hỗ trợ phiên dịch tiếng Việt sang tiếng Mông và ngược lại, nhờ thế các em hiểu hơn câu chuyện, thầy, cô giáo trao đổi với các em tốt hơn. Sau đó học sinh được chia thành tổ thảo luận nội dung, cuối cùng các em đóng vai các nhân vật trong câu chuyện vừa xem để thảo luận tình huống. Bằng cách này, thông điệp của câu chuyện được các em dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ lâu dài.

Đón chào thay đổi

Ông Trương Quốc Cần, Viện trưởng CISDOMA cho biết, triển khai từ tháng 1-2016 đến hết tháng 12-2018, chương trình nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số tại Lai Châu gồm ba nội dung chính là tăng cường khả năng tiếng Việt, xóa bớt rào cản tiếng Việt với trẻ em dân tộc Mông trước khi đi học tiểu học; tăng cường sự tham gia của cha mẹ học sinh trong công việc giáo dục, chăm sóc con cái ở cả gia đình và trong trường học; cải thiện dinh dưỡng, tăng mức độ sẵn sàng đến trường cả về thể chất và tinh thần cho trẻ dân tộc miền núi.

Sau ba năm triển khai, chương trình đã nhận được những phản hồi tích cực. Việc áp dụng bộ tài liệu tiếng Việt và tiếng Mông đã tăng cường sự hiểu biết về ngôn ngữ của trẻ với cha mẹ cũng như của giáo viên, qua đó cải thiện kiến thức của trẻ trước khi đến trường. Những nội dung song ngữ cũng gắn liền kỹ năng sống và một số chủ đề về văn hóa giúp bảo tồn văn hóa bản địa. Cùng với đó, việc thành lập các chi hội cha mẹ học sinh trong cộng đồng đã giúp phụ huynh dân tộc thiểu số nắm bắt được cách chăm sóc con cái tốt hơn. Phụ huynh còn được tham gia trực tiếp giám sát đánh giá chất lượng bữa ăn, giám sát chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Theo báo cáo, dự án của Aide et Action và CISDOMA đã tác động trực tiếp đến gần 2.000 trẻ trong độ tuổi từ 3 - 8, hơn 3.800 cha mẹ và người dân cộng đồng… Dự án cũng thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh kế, sát cánh cùng phụ huynh, cung cấp giống rau, gà giống, lợn giống cho các gia đình trẻ dân tộc thiểu số cải thiện chất lượng bữa ăn.

Ba năm qua, sự thay đổi không tự nhiên mà đến, mà từ những nỗ lực và hành động của cả cộng đồng phụ huynh, học sinh và các thầy, cô giáo ở ba xã Tả Lèng, Nùng Nàng và Khun Há. Một năm mới sắp tới, làn gió đổi thay hứa hẹn mang đến hy vọng và tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ vùng cao.

Làn gió mới ở Tam Đường ảnh 1

Một lớp học sôi nổi của cả cô và trò. Nguồn: AIDE ET ACTION