Vô giá một lời thư của Bác

Lâu nay, mỗi lần đề cập tới mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, giữa lời nói và việc làm, giữa diễn thuyết và nêu gương, chúng ta thường trích dẫn một câu gần như kinh điển của Bác Hồ: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Người nhắc nhở công nhân, cán bộ phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền bắc, ủng hộ miền nam. Ảnh: TƯ LIỆU
Đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Người nhắc nhở công nhân, cán bộ phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền bắc, ủng hộ miền nam. Ảnh: TƯ LIỆU

Nhưng câu ấy Bác viết hay nói ở đâu, vào lúc nào, với tư cách gì và nhằm mục đích gì thì không phải ai cũng thấu hiểu.

Có một sự ngộ nhận nào đó, rằng qua câu nói trên, Bác coi trọng thực tiễn hơn lý luận, thiên về hành động thực tế hơn là tuyên truyền, giảng giải.

Lần tìm xuất xứ, tôi bắt gặp trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, trang 263, “Thư gửi đồng chí Pê-tơ-rốp, Tổng thư ký Ban Phương Đông”. Người gửi ký tên: Nguyễn Ái Quốc, thuộc Đông Dương. Thư viết vào giữa tháng 5-1924, ngay sau khi Nguyễn Ái Quốc dự một cuộc mít-tinh của sinh viên Trường đại học cộng sản Phương Đông mà đồng chí Pê-tơ-rốp là diễn giả (Trường thành lập tại Mát-xcơ-va (Liên Xô) năm 1921, theo quyết định của Quốc tế Cộng sản, để đào tạo cán bộ cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc).

Thư bày tỏ ý kiến của mình, một sinh viên với nhà lãnh đạo: “Đồng chí đã hiểu rõ nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự biệt lập. Không giống như các dân tộc phương Tây, các dân tộc phương Đông không có những quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau”. Cho nên: “Sẽ rất có ích cho người An Nam biết bao, nếu họ được biết những người anh em Ấn Độ của họ tự tổ chức như thế nào để đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Anh, hoặc biết... người Ai Cập đã phải hy sinh cao cả như thế nào để đòi lại quyền tự do của mình? Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Từ đó, thư đề nghị có một tổ chức phù hợp (tôi xin không trích dẫn, HĐ) để các chiến sĩ Quốc tế Cộng sản trong Ban Phương Đông “hiểu biết tình hình toàn châu Á và có mối quan hệ mật thiết giữa các chiến sĩ của các nước khác nhau”.

Về Trường đại học Phương Đông, thư viết: “Trường đại học này là một cái lò đào tạo những cán bộ tuyên truyền đầu tiên cho các nước phương Đông. Nó cũng phải là cơ sở trên đó sẽ được thiết lập một Liên Bang Cộng sản Phương Đông. Để cho công tác được dễ dàng, chúng ta đã lập nhóm La-tinh, nhóm Ăngglô Xắc-xông… vậy vì lẽ gì chúng ta lại không lập nhóm châu Á?

Vậy tôi đề nghị là trước ngày các sinh viên tốt nghiệp lên đường và trước cuộc Đại hội thế giới, một Tiểu Ban Phương Đông sẽ được các đồng chí triệu tập để chuẩn bị việc thành lập Nhóm Châu Á đó”.

Rõ ràng nội dung chủ yếu của Thư gửi đồng chí Pê-tơ-rốp là đòi hỏi phải lập ra những tổ chức cụ thể để bảo đảm cho công tác tuyên truyền giáo dục lý luận ở trường đào tạo cán bộ được hiện thực hóa có hiệu quả trong cuộc sống. Nói rộng ra, tuyên truyền vận động và tổ chức luôn là hai khâu trọng yếu, gắn bó hữu cơ với nhau trong hoạt động cách mạng.

Minh chứng rõ nhất là năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã cùng một số đồng chí cách mạng Việt Nam tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí, tiền thân của Đảng ta. Hội đưa thanh niên trong nước ra Quảng Châu huấn luyện rồi phái trở về tuyên truyền và tổ chức khắp cả nước. Cũng năm 1925, Người thành lập báo Thanh niên, cơ quan tuyên truyền, cổ động và tổ chức của Trung ương Hội, từ đó khai sáng nên nền báo chí cách mạng nước ta sau này. Năm 1927, trên cơ sở tập hợp các bài giảng ở các lớp huấn luyện tại Quảng Châu, Người viết sách “Đường Kách mệnh”, mở đầu bằng hai câu bất hủ của Lê-nin: “Không có lý luận kách mệnh thì không có kách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận kách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm kách mệnh tiên phong”.

Bằng một cách nhìn khoáng đạt, dù ở góc độ nào, ta vẫn thấy lời thư của Bác Hồ “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” là vô giá.

Cách mạng dân tộc giải phóng của nhân dân ta, đỉnh cao là thắng lợi rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám 1945, thật sự là một tấm gương sáng cho các dân tộc thuộc địa vùng lên trong thế kỷ XX.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp Đổi mới với những thành tựu to lớn đạt được trong mấy thập niên qua cũng là tấm gương sống cho các nước nhỏ yếu vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu để tiến bước theo con đường phát triển.

Về cá nhân, trong cuộc chiến đấu dài lâu cho độc lập, tự do của dân tộc, biết bao chiến sĩ cách mạng tiên phong, bao anh hùng dũng sĩ đã xả thân vì nước, nêu tấm gương sống để đời cho các thế hệ mai sau.

Là lãnh tụ tối cao của Đảng và dân tộc, Bác Hồ suốt đời vì nước vì dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, là tấm gương sống cao đẹp nhất trong mọi tấm gương sống Việt Nam. Người đã ra đi nhưng còn sống mãi. Vẫn ngày ngày bên cạnh chúng ta qua phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chẳng phải vậy sao?

Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày nay, đặc biệt là trong công tác cán bộ, bài học nêu gương đã trở nên sống động hơn bao giờ hết.

Mới đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, qua Hội nghị lần thứ tám, đã biểu thị quyết tâm nêu gương của mình bằng cách ban hành Quy định “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (ngày 25-10-2018)”.

Có nhiều quy định tưởng chừng cũ mà lại rất mới. Đối tượng là đảng viên, cán bộ nói chung, nhưng điểm nhấn lại là ở cấp cao nhất: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Với đối tượng cấp cao này, có tám điều xây và tám điều chống. Xây và chống đều cụ thể, rõ ràng. Xây thì phải gương mẫu đi đầu thực hiện. Chống thì phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết đến cùng.

Đã toát lên sự nghiêm minh trong từng điều quy định. Như điều 2, điểm cuối của xây khuyến nghị: “Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Điều 3, điểm cuối của chống cho thấy trách nhiệm không thể thoái thác của bất cứ ai: “Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật”.

Vậy là phải nêu gương từ việc công đến việc tư, từ việc lớn đến việc nhỏ. Nêu gương là một nét đẹp đạo đức và phương thức lãnh đạo đã trở thành trách nhiệm pháp quy mà mọi nhà lãnh đạo cao đều phải tuân thủ.

Xuân Kỷ Hợi 2019