Vị thế Việt Nam

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (WEF ASEAN) - một trong những sự kiện đối ngoại đa phương quan trọng nhất năm 2018 của Việt Nam diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13-9 tại Thủ đô Hà Nội đã thành công trên mọi phương diện.

Khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Ảnh: TRẦN GIA
Khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Ảnh: TRẦN GIA

Sự kiện này một lần nữa khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong bối cảnh khu vực Đông - Nam Á đang dần trở thành một trung tâm mới của thế giới.

Là chủ nhà WEF ASEAN 2018, Việt Nam có trọng trách cùng WEF và các nước ASEAN tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng và hình thành các ý tưởng, định hướng lớn về phát triển của các nước ASEAN trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) nhằm góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025 vì lợi ích và sự phát triển của cả khu vực và từng quốc gia, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, những đề xuất, sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã được lãnh đạo nhiều nước, nhiều doanh nghiệp (DN) ASEAN đồng tình và đánh giá cao.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ đề Hội nghị WEF ASEAN năm nay là “ASEAN 4.0: Tinh thần DN và CMCN 4.0” phù hợp xu thế của thế giới, đáp ứng quan tâm và lợi ích của các nước ASEAN, gắn kết chủ đề của ASEAN 2018 là “tự cường và sáng tạo”.

Với tư cách chủ nhà WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự báo, ASEAN không còn là công xưởng của thế giới nhưng có thể trở thành nơi khởi nguồn đổi mới. Thủ tướng nêu sáng kiến mới về hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, hợp tác an ninh mạng, hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao. Lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra một số đề xuất cụ thể: Thứ nhất, kết nối số, chia sẻ dữ liệu, nâng cao hiệu quả các hình thức kết nối, hỗ trợ thương mại điện tử, Chính phủ điện tử... Thứ hai, hài hòa môi trường kinh doanh, các hạ tầng kết nối về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông, logistics… ở quy mô khu vực. Thứ ba, thúc đẩy hình thành và kết nối các vườn ươm sáng tạo. Thứ tư, tìm kiếm phát huy tài năng. Thứ năm, hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống học tập suốt đời.

Đó là sự khẳng định tầm nhìn về một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và sáng tạo, phát huy sức mạnh nội khối, tăng cường kết nối, chủ động và tích cực tranh thủ CMCN 4.0, cũng như khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào xây dựng Cộng đồng ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0.

WEF ASEAN 2018 diễn ra với hơn 60 phiên họp, hoạt động thảo luận nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, công nghệ, môi trường, xã hội thiết thực với các nước ASEAN; quy tụ được nhiều nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác và khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các DN ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 DN trong nước và WEF ASEAN 2018 đã thành công toàn diện. Cũng trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018 đã diễn ra một sự kiện đặc biệt: Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018, với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối và sáng tạo”. Đây là hội nghị chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tổ chức WEF tại các nền kinh tế, là một sáng kiến được Việt Nam khởi xướng.

Theo thống kê của WEF, sự kiện lần này đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng quốc tế. Tới trưa 13-9 đã có 7.890 bài viết đưa tin về WEF ASEAN 2018, trong khi đó, WEF ASEAN 2017 chỉ có 2.000 bài viết. Có tới hơn bảy triệu người đã tham gia tương tác trên mạng xã hội, 13.000 lượt bài viết và bình luận trên Facebook và 90.000 lượt người xem trực tuyến về các phiên thảo luận khác nhau của WEF. Thông điệp được truyền tải nhiều là các nước ASEAN cần bắt kịp cuộc CMCN 4.0 để không bị tụt lại phía sau.

Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập WEF, đã bày tỏ, trong suốt 27 năm tổ chức WEF ASEAN, đây là hội nghị thành công nhất mà ông được tham dự.

Chiến lược gia về truyền thông của WEF Peter Vanham chia sẻ: “Dạo bước quanh Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam, bạn có thể cảm nhận được nguồn năng lượng tuôn chảy từ mọi hướng. Việt Nam giàu sức trẻ, đang phát triển mạnh mẽ và dường như có thể khiến mọi thứ trở thành hiện thực. Nếu như cách đây chỉ khoảng 30 năm, kinh tế Việt Nam còn rất khó khăn. Giờ đây, Việt Nam là một trong những “ngôi sao” trong nhóm các nước mới nổi”.

Còn Chủ tịch Điều hành WEF Borge Brende thì khẳng định: Từ năm 2010 đến nay, WEF đã chứng kiến sự tăng trưởng vị thế tuyệt vời của Việt Nam với GDP tăng gần gấp đôi trong tám năm, xuất khẩu tăng gần gấp ba lần. Quan trọng hơn đó là tỷ lệ đói nghèo tại Việt Nam đã giảm nhanh, năm 1990 tỷ lệ đói nghèo là 50% thì nay chỉ còn khoảng 3%. Những con số này là minh chứng rõ ràng cho sự thành công của Việt Nam trong tiến trình phát triển vững chắc. Có được kết quả này, Việt Nam đã xây dựng được những chính sách phát triển phù hợp. Điều này cho thấy, Chính phủ Việt Nam không hề “ngủ quên” trên chiến thắng và Việt Nam không hề có sự tự mãn. Và hơn thế, Việt Nam đang tiếp tục cải cách và thay đổi để tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Tại hội nghị, phần lớn các chính khách, học giả, các nhà lãnh đạo DN hàng đầu thế giới đều khẳng định thành công của WEF ASEAN 2018. Đóng góp cụ thể của nước chủ nhà trong việc chuẩn bị, bảo đảm cho thành công của hội nghị lần này tại Hà Nội cho thấy rõ sự chủ động của Việt Nam trong quyết tâm vươn lên tự cường trong cuộc CMCN 4.0. WEF ASEAN 2018 thể hiện sức hấp dẫn và niềm tin của cộng đồng DN, nhà đầu tư quốc tế về triển vọng phát triển của Việt Nam; thể hiện sự chủ động và “tầm vóc” của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình kinh tế khu vực và toàn cầu.

Tiếp nối thành công của Năm APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Mê Công mở rộng (GMS 6) tháng 3-2018, WEF ASEAN 2018 là dịp để Việt Nam làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, đối tác, trong đó có các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, quan trọng. Qua đó củng cố quan hệ đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Vị thế Việt Nam ảnh 1

Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực hội nhập thị trường quốc tế. Ảnh: NG.ANH