Một cây làm chẳng nên non…

Đại diện 196 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (BĐKH) lần thứ 24 (COP24) tại TP Katowice (Ba Lan) tháng 12-2018 đã tiến được một bước dài trong nỗ lực ứng phó BĐKH.

Biếm hoạ của: SCHOT
Biếm hoạ của: SCHOT

Những tưởng COP24 sẽ kết thúc với kết quả ảm đạm như những hội nghị trước, bởi quan điểm và cách tiếp cận vấn đề ứng phó BĐKH giữa các bên cho thấy quá nhiều khác biệt. Nhiều khúc mắc vẫn tồn tại giữa các nước phát triển và đang phát triển. Đặc biệt, lợi ích trong việc phát triển kinh tế vẫn được coi trọng hơn vấn đề bảo vệ môi trường. Mỹ, một trong những quốc gia có lượng phát thải khí CO2 hàng đầu thế giới tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris năm 2015 về chống BĐKH. Một số nước khác như Brazil, Nga, Saudi Arabia hay Trung Quốc khá cứng rắn bảo vệ quan điểm ưu tiên phát triển kinh tế...

Trong thảo luận, các nước giàu còn tìm cách thoái thác trách nhiệm hỗ trợ tài chính và công nghệ cho những nước nghèo để ứng phó BĐKH. Họ cố tình “làm mờ” đi trách nhiệm này bằng những khái niệm mới, như thay cụm từ “cung cấp tài chính” bằng “huy động tài chính”. Còn đối với báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ LHQ về BĐKH (IPCC), nêu lên thực tế đáng lo ngại khi các nước không duy trì được mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp, bốn nước là Mỹ, Saudi Arabia, Nga và Kuwait cũng chỉ đồng ý “ghi nhận” thay vì “hoan nghênh”.

Chia rẽ sâu sắc là thế, song “thời khắc lịch sử” đã lóe lên tại Katowice trong ngày làm việc cuối cùng, khi các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua Chương trình nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris. Theo đó, mỗi quốc gia sẽ được hướng dẫn cụ thể để xây dựng các báo cáo về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính một cách minh bạch, cũng như cách thức để giảm mức phát thải này.

Kết quả COP24 ghi dấu sự thành công, bởi BĐKH sẽ trở thành “cơn ác mộng” thật sự với loài người nếu chính phủ các nước không gấp rút vào cuộc. Dù một số nước vẫn còn ý kiến trái chiều, song “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Phải có sự đoàn kết, đồng lòng thì các nhà lãnh đạo thế giới mới có thể đối phó hiệu quả với vấn đề toàn cầu này.