2019 sẽ ra sao?

Năm 2018 qua đi với biết bao chuyện lạ đời! Nào là những phát minh, sáng chế kỳ diệu như trong tiểu thuyết viễn tưởng; nào là những vụ “ra đòn” kinh tế - thương mại chí tử; nào là sự tranh hùng đầy kịch tính giữa những “người khổng lồ” ở trên chứ không phải ở ngoài hành tinh… Tiếng vậy thôi, chứ đằng sau chúng đều ẩn chứa những quy luật khách quan của sự vận động lịch sử. Vào buổi giao thời giữa năm cũ và năm mới, những suy tư, trăn trở về nhân tình, thế thái lại trỗi dậy, và nay xin chia sẻ với bạn đọc.

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Papua New Guinea năm 2018. Ảnh: TTXVN
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Papua New Guinea năm 2018. Ảnh: TTXVN

Chẳng thế mà các cụm từ mở đầu bằng chữ “bất”, như “bất thường”, “bất ngờ”, “bất an” xuất hiện với tần suất cao chưa từng thấy. Ngày nay, đặc biệt ở nước ta, cụm từ “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (CMCN 4.0) đã trở thành câu nói cửa miệng ở mọi nơi, mọi lúc. Những thành quả kỳ diệu của nó phản ánh sự phát triển vượt bậc của trí tuệ con người, đồng thời báo hiệu thời đại dựa vào lao động dồi dào và tài nguyên thiên nhiên “rừng vàng, biển bạc” sắp tới hồi kết. Mối lợi từ CMCN 4.0 đem lại rất nhiều, phương thức và cơ cấu sản xuất, lao động, tiêu dùng, lối sống, phương cách quản trị quốc gia và cả quan hệ quốc tế cũng như phương tiện chiến tranh… đều biến đổi đến chóng mặt. Cũng như mọi chuyện trên đời, cái gì cũng có hai mặt. Chính nó lại là nguồn cơn của biết bao hệ lụy như nguy cơ mất việc làm, sự gắn kết giữa con người với con người, kể cả trong gia đình, tai ương an ninh mạng và tội phạm công nghệ cao đe dọa sự yên bình của mọi quốc gia, mọi cá nhân.

Để khai thác được những mối lợi mà CMCN 4.0 đem lại và phòng ngừa được những hệ lụy nó gây ra, thì nhân tố quyết định vẫn lại là con người. Người ta nói rất nhiều về “thành phố văn minh”, nhưng làm sao nó vận hành được nếu không có những “con người văn minh” trên cả ba tầng nấc: những người sáng tạo công nghệ số, những người vận hành công nghệ số và cả những người dân thường biết sử dụng công nghệ số, vốn là những người nước ta có rất ít. Làm sao chống chọi được dòng thác thông tin sai lệch trên mạng nếu từng người không biết phân biệt lẽ phải, lẽ trái? Như vậy, câu chuyện không thể dừng lại ở chỗ đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) theo nghĩa kinh điển nữa mà cần có cách tiếp cận hoàn toàn mới.

Và nữa, mấy thập kỷ gần đây, sự phát triển của thế giới thuận theo xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa và hội nhập kinh tế. Bỗng dưng vài ba năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2018 đã xuất hiện những biểu hiện gắt gao của chủ nghĩa bảo hộ. Điều đáng nói là, hiện tượng đó xuất phát từ Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn là nước đi đầu trong việc cổ súy cho ý tưởng tự do hóa thương mại theo mô hình “đồng thuận Washington”. Hệ lụy là tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung và thương mại toàn cầu nói riêng giảm tốc, hệ thống tài chính - tiền tệ và thị trường chứng khoán xáo động, thể chế đa phương, kể cả Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bị thách thức, các “luật chơi” bị thay đổi, luồng hàng hóa, dịch vụ, đầu tư chuyển hướng… Trong bối cảnh đó, hai khuynh hướng: Tự do hóa hay bảo hộ? Đa phương hay đơn phương? trở thành một chủ đề nóng bỏng trên đấu trường quốc tế, lúc căng, lúc dịu như đã diễn ra tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea và Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Argentina.

Vốn là quốc gia hội nhập kinh tế quốc tế rất sâu rộng và có “nền kinh tế mở” vào loại hàng đầu thế giới, chắc rằng nước ta sẽ phải tìm cách thích nghi cục diện mới nói trên.

Những xáo trộn trên thế giới đâu có khoanh gọn trong phạm vi kinh tế mà lan tỏa ra mọi lĩnh vực: chính trị, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ… Sự tranh hùng toàn diện bộc lộ rõ nhất trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga, bị Washington coi là các nước “muốn định hình một thế giới đối chọi những giá trị và lợi ích của Mỹ”(1) . Mâu thuẫn giữa các nước lớn không dừng lại ở đó, mà còn thể hiện trong sự trục trặc giữa Mỹ với cả các đồng minh như Liên hiệp châu Âu (EU), Canada, Nhật Bản…; đáp lại một số nước đồng minh của Mỹ vừa cố duy trì quan hệ với Washington, vừa tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc và cả với Nga. Dưới tác động của sự tranh hùng này, đã nảy sinh những sáng kiến mang tầm chiến lược như “Một vành đai, một con đường”, “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”… cọ xát lẫn nhau.

Thật ra, đây không phải lần đầu nảy sinh cục diện này mà trong hơn 2.000 năm qua, không phải một lần đã diễn ra tình huống sức mạnh của các quốc gia và vị trí của các khu vực chuyển dịch dưới tác động của quy luật phát triển không đều, trong đó “cường quốc cũ” suy yếu dần do phung phí tiềm lực vì những tham vọng quá mức và “cường quốc mới” tìm cách thế chân. Nhà sử học Hy Lạp Thycydides, khoảng 1.400 năm trước đây từng rút ra quy luật: Cục diện như vậy ắt sẽ đưa tới chiến tranh. Quả thật trong thiên niên kỷ qua không phải một lần lời nguyền ấy đã trở thành hiện thực cướp đi sinh mạng của triệu triệu con người, tàn phá biết bao quốc gia. Hy vọng rằng, trong thời đại ngày nay, khi tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước hết sức khăng khít, các loại vũ khí hiện đại có thể tàn phá cả hành tinh, không một quốc gia nào có thể an toàn, bi kịch đau buồn ấy sẽ không lặp lại. Thậm chí không loại trừ khả năng vào thời điểm nào đó sẽ có sự thỏa hiệp cục bộ, ngưng chiến tạm thời trong thế giằng co tiếp diễn dài dài.

Là một bộ phận cấu thành của thế giới, nước ta không thể tránh khỏi những tai ương trên thế giới cho nên rất cần tỉnh táo quan sát, ứng phó thích hợp. May thay, nước ta ở vị trí đắc địa về chính trị và kinh tế, có lịch sử hào hùng, chiến lược - sách lược đối ngoại thích hợp, thế và lực đã khác sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập. Hơn lúc nào hết, tình hình đòi hỏi chúng ta vận dụng nhuần nhuyễn lời dạy của Bác Hồ: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt” và trong hành động thì “Các công tác phải phối hợp liên hệ với nhau, bộ phận phối hợp với toàn cục… Mỗi công tác phải hợp với từng nơi, từng lúc, từng hoàn cảnh”(2). Việc trong nước đã vậy, việc đối ngoại càng cần như vậy thì sẽ vượt qua được sóng gió, bão bùng.

1- Phần III về “Bảo vệ hòa bình thông qua sức mạnh” trong Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ công bố ngày 18-12-2018.

2- Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội - 2011, T.8, tr.555.