Muôn năm không chịu cũ

“Ngàn năm áo mũ” của Trần Quang Đức (bên trái)sau ba năm bán được vạn bản, một con số “khó hiểu” với một đầu sách nghiên cứu lịch sử. Gã bạn lâu năm của Đức, Nguyễn Hữu Sử (bên phải), cũng chuẩn bị ra cuốn “Lịch sử thư pháp”, không rõ sẽ bán được bao nhiêu bản. Bằng hữu của mấy gã gàn dở mở miệng là chữ nghĩa ấy, hóa ra nhiều người viết sách, dịch sách, chỉ để “Làm việc mà mình tin”.

Muôn năm không chịu cũ

Nghĩ về lịch sử theo cách khác

Khi Trần Quang Đức ra mắt cuốn “Ngàn năm áo mũ”, ngay cả phía NXB cũng không cho rằng đó sẽ là cuốn sách bán được. Thế nhưng “Ngàn năm áo mũ” lại thành công, đến giờ vẫn tiếp tục được bán, lên hẳn Wikipedia. Đức “bỗng dưng” nổi tiếng, trở thành chuyên gia nghiên cứu trang phục truyền thống. Giờ thì đến lượt Sử, cuốn “Lịch sử thư pháp Việt Nam” của gã cũng chuẩn bị ra mắt đầu năm 2017.

Những người như Sử và Đức, cần mẫn phá bỏ đi những định kiến thông thường bằng các tác phẩm của mình. “Trước đến giờ người ta vẫn cho rằng trang phục truyền thống Việt Nam phải là áo dài khăn đóng. Nhưng thời Lê chúng ta có áo giao lĩnh hai vạt chéo. Rồi chúng ta từng để tóc ngắn. Đó cũng là truyền thống”, Đức nói. Còn Sử, dù không nhắc đến trực tiếp nhưng trong cuốn sách đầu tay, cậu rất cố gắng để hệ thống hóa một cách chuẩn mực nhất khái niệm thư pháp. Đó không phải là đơn giản vẽ vài dòng trên một tờ giấy. “Thư pháp là nghệ thuật viết chữ. Nó xuất phát từ văn tự, mục đích sử dụng và chuyển tới định hướng thẩm mỹ. Đó là nghệ thuật giữa ranh giới văn tự và hội họa, là phương thức nghiên cứu tâm lý và tính cách của người viết”, Sử quan niệm. 250 trang sách mở ra những “câu thần bút hoa” của một thế hệ cha ông, mà như Sử khẳng định thư pháp chẳng phải nghệ thuật của riêng Trung Quốc. Hàn Quốc, Nhật Bản mà cả Việt Nam cũng có một nền nghệ thuật đặc sắc, thậm chí đạt đỉnh cao. Câu chuyện thư pháp của Sử không nằm ở những ông đồ cho chữ ngoài Văn Miếu hay mấy chữ treo tường nhà dịp Tết, mà như tấm bia A Di Đà Phật tụng thời Lý - điển hình cho lối chữ Khải, hay Lệnh cấm chỉ trên núi Dục Thúy của một tác giả không rõ tên thời Trần - viết theo lối chữ Hành, hoặc những tác giả điển hình của nghệ thuật thư pháp như Lê Hiến Tông, Nguyễn Phúc Chu, Vũ Tuần, Nguyễn Cẩn. Hay thậm chí giữa trùng trùng chữ Hán, thư pháp chữ Nôm - thứ chữ của riêng người Việt cũng có chỗ đứng với những tác phẩm của chúa Trịnh Sâm. “Người Việt Nam ưa pháp độ, chuộng cương kiện, chữ lấy phép tắc làm nền tảng, phải cứng cáp rắn rỏi hoặc nếu không thì “rồng bay phượng múa”, cuốn “Lịch sử thư pháp” viết. Và Sử bảo: “Tôi cực kỳ cố gắng chuẩn mực hóa nhận định của mình một cách tối đa. Tôi không tự cho mình là đúng mà tham khảo rất nhiều chuyên gia về thư pháp. Khi có cùng nhận định với tôi thì tôi mới đưa ra nhận định”.

Làm vì tin

Viết sách thời này, vẫn là liều khi mà văn hóa đọc mới chỉ manh nha trong quá trình được tôn vinh. Vì tuy sở hữu cuốn sách được coi là bán chạy, Đức cũng chẳng dám chắc những cuốn sau đó của mình sẽ lại có thành tích một vạn bản. Thế nhưng, giờ đang chuẩn bị ấp ủ vài quyển sách nữa. Hiệu ứng từ “Ngàn năm áo mũ” giống như một đòn bẩy để Đức tiếp tục công việc, với một mục tiêu ngày càng rõ ràng hơn: “Quá trình nghiên cứu cũng là quá trình tôi tự thay đổi nhận thức bản thân mình. Có nhiều quan điểm đã thay đổi khi tôi tiếp cận nhiều góc nhìn của các học giả trong và ngoài nước”.

Còn Sử, để hoàn thành “Lịch sử thư pháp” là hàng năm trời ròng rã tìm kiếm các bản dập văn bia, các tư liệu từ mọi nơi. Bia đá các cụ ngày xưa toàn khắc nơi cheo leo, có khi vẫn phải cố leo lên vì tiếc, không lấy được chữ thì không cam tâm đi về. Chẳng hạn như lần leo lên vách đá ở chùa Hương dập một bức của Nghiêm Thụy Ứng, hay vào động Nhị Thanh lấy chữ của Nguyễn Huy Oánh. Lấy chữ xong phải ngồi một lúc định thần mới dám leo xuống. Hay có lần vét sạch tiền trong túi để dựng giàn tre leo lên bia đá ở Cao Bằng, giàn dựng xong thì mưa to, mất mấy ngày mới xong việc. Chẳng ai mong sống bằng bán sách, dù hẳn hoi là viết ra những thứ tử tế.

Nhưng thật ra thì Sử hay Đức cũng không cô đơn là mấy. Nói như nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thì: “Thời Đổi mới đến, văn hóa truyền thống được phục hồi, một lớp người trẻ được đào tạo cẩn thận ở Khoa Hán - Nôm, Trường đại học Tổng hợp xưa, hoặc được học chuyên ngành bên Trung Quốc. Như Trần Trọng Dương, Trần Quang Đức, Nguyễn Hữu Sử… Họ được đào tạo cẩn thận về Hán - Nôm và văn hóa phương Đông, và có một lợi thế hơn hẳn những người đi trước là có công cụ tìm kiếm trên internet (Goolge và Baidu)… Những nhà nghiên cứu trẻ, có Nho học, mới trên dưới 30 tuổi mà đã có sách in và có tiếng tăm vững vàng”.

Xét cho cùng, mấy gã bảo cần phải tin. Bởi khi biết được những nguồn cội cha ông, sẽ không mất thời gian để băn khoăn cái nào thuần Việt cái nào không thuần Việt. Chỉ cần nhìn nhận khách quan, công bằng. Chẳng cần tô hồng cũng chẳng phải tự ti, bởi vì chúng ta có giá trị của riêng mình. Cái cần là thoát khỏi những định kiến mà ta mắc kẹt trong đó, giải phóng tư duy bản thân. “Giới trẻ bây giờ cởi mở hơn trước, dễ tiếp cận hơn trước, phải tin chứ”, mấy gã “dở hơi” mới qua ngõ tuổi 30 bảo thế.

Trần Quang Đức, sinh năm 1985, nghiên cứu viên tự do. Giải nhất cuộc thi Cầu Hán ngữ năm 2004. Tốt nghiệp Trường ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc). Các tác phẩm đã xuất bản: “Trà kinh” (dịch), “Trường an loạn” (dịch), “Sử ký Tư Mã Thiên” (dịch), “Ngàn năm áo mũ” (khảo cứu).

Nguyễn Hữu Sử, sinh năm 1986, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Phúc Kiến (Trung Quốc) ngành Ngữ văn, hiện công tác tại Phòng Nghiên cứu Phật giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Đã xuất bản: “Di sản Hán Nôm đình Chèm” (in chung, 2015). Sắp xuất bản “Lịch sử thư pháp Việt Nam” (khảo cứu).