Đồ hiệu

Đồ hiệu là đồ nào? Làm ra ở đâu? Giá bán bao nhiêu? Đó là những câu hỏi mà phần lớn bà con ta ngơ ngác nhưng ít ai dám thú nhận công khai. Thế là tự nhiên nảy ra một tâm lý rất buồn cười! Đồ hiệu là đồ khoác trên thân những kẻ có danh hiệu.

Đồ hiệu

Mà những kẻ ấy rất ít khi là kỹ sư, giáo viên hay bác sĩ. Đa số nằm ở giới showbiz. Nhưng trong cuộc sống, nếu từ lâu đã đặt ra câu hỏi “quả trứng có trước hay con gà có trước” thì trong xã hội tồn tại một câu hỏi “nghệ sĩ có trước hay đồ hiệu có trước”. Bởi vì cứ giương mắt lên báo mà coi, đặc biệt là báo mạng, sẽ thấy trong nhiều sự kiện, lắm tài tử giai nhân cười hớn hở hoặc mặt nghiêm trọng đứng oai vệ trên thảm đỏ nhưng chả thấy chú thích đại diện cho tác phẩm gì, chỉ thấy ghi hoành tráng “Lisa Nở đeo túi hai tỷ ra mắt phim”, “July Bèo diện cây hàng hiệu tỷ rưỡi ở sự kiện” hoặc “Marri Bo đeo đồng hồ tiền tỷ khiến khán giả xôn xao”. Ái chà, vậy hàng hiệu là hàng nào?

Câu trả lời hôm nay là tuốt tuột. Quần áo hiệu, giày dép hiệu, túi xách hiệu, đồng hồ hiệu đã đành. Còn cả kính mát hiệu, khăn thắt cổ hiệu, vỏ điện thoại hiệu, bút máy hiệu, bật lửa hiệu, và tất nhiên có cả tăm xỉa răng hiệu. Còn móc khóa hiệu, giấy chùi miệng hiệu là chuyện dĩ nhiên.

Hiệu không chỉ phủ lên người, phủ trên thân mà có thể chui sâu vào thân thể. Nước suối hiệu, nước hoa hiệu, bánh hiệu, kẹo hiệu đều có cả. Thậm chí, chúng nó còn đồn thuốc diệt chuột hiệu cũng đã tồn tại, dành riêng cho loại chuột chuyên ở biệt thự.

Đồ hiệu được bán ở đâu? Về nguyên tắc là ở các trung tâm thương mại lớn, các phố đi bộ, sau những cửa kính sáng choang, đứa đứng gác cửa ăn mặc rực rỡ như bá tước, đứa bán hàng thơm phức như chú rể hoặc cô dâu, đeo găng tay trắng muốt, run run đưa đồ hiệu đặt trên khay vàng.

Nhưng việc quái gì phải theo nguyên tắc. Đồ hiệu, trên thực tế, có thể treo lủng lẳng ở chợ Đồng Xuân, chất thành đống ở chợ Bến Thành, xếp từng sọt ở Hàng Đào và đóng từng bao ở biên giới. Còn có nhiều “thương gia” đội đồ hiệu như đội bánh mì trong thúng, đuổi theo khách du lịch đang ngơ ngác bước trên hè phố, níu áo lại bắt mua.

Nói chung, khác với các quốc gia phát triển, chỉ bán đồ hiệu trong các tiệm riêng biệt trên các phố nổi tiếng với đội ngũ nhân viên được đào tạo đặc thù. Tại Việt Nam và một số nước Đông - Nam Á, đồ hiệu có thể bán như rau tươi hoặc như cả cá ươn, khắp chợ cùng quê, đâu đâu cũng có.

Đồ hiệu được sản xuất ở đâu?

Đây là câu hỏi luôn luôn được đặt ra cho toàn nhân loại. Về nguyên tắc, phải được làm ra trong các nhà máy hiện đại, có bảo vệ suốt ngày đêm, đặt ở tận Ý, tận Anh, tận Pháp hay tận Hoa Kỳ.

Nhưng hơi đâu mà phức tạp như thế. Đồ hiệu bán ở Việt Nam, trong các cửa hàng ở phố Hàng Bông hay Sài Gòn trong chợ An Đông, chủ yếu được sản xuất bởi đàn bà, trẻ con, bà già, ông già bên Trung Quốc hoặc Hàn Quốc, Thái-lan, trong các bản làng xa xôi, với công xưởng trong bếp và nguyên liệu đặt dưới nền nhà. Nghĩa là đồ giả. Nếu như thật chỉ có một kiểu, thì đồ hiệu giả muôn ngàn cấp độ, từ cấp độ quê mùa, sơ sài đến trẻ con cũng nhận ra cho tới cấp độ tinh vi khiến chuyên gia cũng bị lừa.

Túi xách giả, giày dép giả, quần áo giả đã đành, đến cả đồng hồ Rolex, điện thoại Vertu chúng còn làm giả được thì còn trời đất nào nữa, còn xót thương ai nữa. Một ông tỷ phú Trung Quốc, nổi tiếng vì kinh doanh trên mạng, nói câu nào cũng có hàng nghìn bạn trẻ giương tai háo hức lắng nghe hùng hồn tuyên bố: Hàng giả hôm nay đẹp còn hơn và tốt còn hơn hàng thật kia mà. Điều ấy chả biết đúng sai, nhưng rẻ hơn thì chắc chắn, mà rẻ đến rợn tóc gáy, khiến bất kỳ ai cũng phải kinh hoàng. Thí dụ như một chiếc đồng hồ Hublot giá chính thức là một tỷ đồng, giá bán ở chợ Bến Thành có một trăm đô, thì ai mà không chết hả trời?

Hàng hiệu thật tàn phá túi tiền, hàng hiệu giả tàn phá thẩm mỹ và tàn phá kinh tế các nước lớn tới mức Chính phủ Pháp ra quy định kẻ nào mang túi xách giả khi vào nước Pháp sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí có thể bị bắt giam, chứ đâu như ta, dân đeo hàng giả hiên ngang vênh váo ngoài đường.

Cuối cùng, xài hàng hiệu chủ yếu hôm nay là những ai?

Về nguyên tắc thì ai cũng được, từ giáo sư đại học đến chú bán than, không ai cấm mang túi LV hay đồng hồ Rolex nhưng trên thực tế, hàng hiệu có tính trang sức hơn là tính khả dụng, mà giới nào cầm trang sức nhiều? Giới nghệ sĩ chứ còn gì nữa! Nghệ sĩ phải phong phú về tâm hồn. Nhưng tâm hồn thì ai nhìn thấy, cho nên cần dùng để thể xác được tôn lên. Thể xác ai chả giống ai, cho nên muốn khác biệt phải dùng hàng hiệu.

Thế là đua nhau, nhìn ngó nhau, đánh giá nhau, ghen tỵ nhau. Diễn viên nổi tiếng đeo túi xách đắt tiền, diễn viên chưa nổi tiếng đập lại bằng cách đeo túi xách đắt tiền hơn. Cô ca sĩ hạng A đi xe sang, cô ca sĩ hạng B cũng đi xe sang nhưng thuê theo giờ có ma nào biết.

Sắm được hàng hiệu chưa là cái đinh gì nhé. Phải sắm phong phú, sắm dài hơi, sắm liên tiếp mới là đẳng cấp. Một ngôi sao danh giá không khi nào xuất hiện với bộ đồ, với túi xách, với đôi giày mang lần thứ hai, một ca sĩ nổi danh phải biết đeo đồng hồ cùng mầu với thắt lưng và cà vạt. Cho nên nhà ngôi sao nào trong showbiz Việt cũng biến thành nhà trưng bày hàng hóa, văn hóa thì chưa chắc thấy, nhưng chắc chắn phải thấy tủ quần áo, tủ giày, bộ sưu tập nước hoa, kính mát... hầu như chả cô cậu nào khoe sách, khoe phim mà chỉ thấy khoe thắt lưng và khăn quàng.

Cuộc chiến hàng hiệu càng ngày càng trở nên vô độ, điên cuồng đến mức bà con nghẹt thở. Có những chiếc túi xách da cá sấu giá tới hai tỷ đồng cô nàng này mua, cô nàng kia lập tức nhịn đói mua theo, khán giả nghe mà ngất lên ngất xuống.

Nhưng có một điều chắc chắn, đa số hàng hiệu phương Tây tiêu thụ tại châu Á, và dân Tây tủm tỉm cười khi thấy dân châu Á mù quáng lao theo. Đã có những tin đồn dai dẳng ngoài hành lang là đồ hiệu thật ra chỉ dành riêng cho đứa ngốc!

Tại Việt Nam và một số nước Đông - Nam Á, đồ hiệu có thể bán như rau tươi hoặc như cả cá ươn, khắp chợ cùng quê, đâu đâu cũng có.