Xử lý nghiêm tình trạng xây dựng trái phép ở Đồng Nai

Thời gian qua, tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh Đồng Nai diễn ra tràn lan, trong đó, có nhiều công trình quy mô lớn gây bức xúc trong dư luận, làm phát sinh nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, các cơ quan liên quan cần nhanh chóng chấn chỉnh việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng.

Công trình khu B của Dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp xây dựng không phép đang bị tạm dừng thi công.
Công trình khu B của Dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp xây dựng không phép đang bị tạm dừng thi công.

Tình trạng xây dựng trái phép đã diễn ra tràn lan từ thành thị đến nông thôn ở Đồng Nai trong suốt thời gian dài. Đáng chú ý trong số đó phải kể đến khu vực quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân, TP Biên Hòa mà Báo Nhân Dân đã có bài viết phản ánh, mặc dù chưa có quy hoạch xây dựng nhưng thời gian qua, 48 doanh nghiệp xây dựng nhà máy trái phép trên diện tích 72 ha. Ngày 8-1-2019, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với tỉnh Đồng Nai chung quanh vấn đề quản lý đất đai, xây dựng.

Sau khi khảo sát khu vực nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Trưởng Đoàn giám sát đã đặt ra hàng loạt câu hỏi, như: “Việc cụm công nghiệp xây dựng trái phép với gần 50 nhà xưởng to đùng như vậy sao chính quyền không nắm được, phải làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan như chủ tịch UBND xã, cán bộ, địa chính, đô thị,… Rồi ngành điện nước, tại sao lại cấp điện, cấp nước cho cả một cụm công nghiệp trái phép này hoạt động? Nguyên nhân chính do đâu? Hướng xử lý sai phạm này như thế nào?”. Trả lời vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết, tỉnh sẽ đề xuất các giải pháp để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, xin ý kiến chỉ đạo thực hiện. Việc địa phương để xảy ra tình trạng sai phạm này, sẽ xử lý trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan.

Trên đây chỉ là một trường hợp điển hình xây dựng trái phép mà chính quyền tỉnh Đồng Nai phải chạy theo xử lý hậu quả theo kiểu “sự đã rồi”. Và dư luận lo lắng có thể, do những khó khăn chưa thể giải quyết mà chính quyền lại lựa chọn giải pháp “phạt cho tồn tại” như lâu nay đã làm, vốn không thể thuyết phục được công luận. Điều đáng nói là, trong lúc địa phương đang thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ những dấu hiệu sai phạm mà báo chí phản ánh liên quan khu vực quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân, thì trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn xuất hiện thêm hàng loạt công trình quy mô lớn. Đó là, trang trại quy mô 2.400 con lợn nái sinh sản trên diện tích hơn 13.000 m2 do Công ty TNHH một thành viên Phan Thị Trâm làm chủ đầu tư. Được khởi công từ tháng 10-2017, nằm sát hồ Trị An, thuộc xã Túc Trưng, huyện miền núi Định Quán, công trình này thi công xây dựng không phép kéo dài hơn nửa năm, nhưng chính quyền cơ sở lại không phát hiện. Cho đến lúc các cơ quan tiến hành xử lý thì chủ đầu tư đã hoàn thiện 10 dãy chuồng trại, nhà kho, với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Và chỉ đến khi sức ép dư luận phản đối rằng: nếu để tồn tại, trang trại nuôi lợn quy mô lớn đi vào hoạt động ở ngay thượng nguồn sông Đồng Nai sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước sinh hoạt của hàng chục triệu dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an cùng vào cuộc, thì chủ đầu tư mới xin tự nguyện tháo dỡ kể từ ngày 24-10-2018 nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Công trình xây dựng không phép lớn nhất đến thời điểm này phải kể đến khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp trên diện tích khu đất 22.184 m2 thuộc thửa số 1, tờ bản đồ số 4 tại địa chỉ số 15, đường Đồng Khởi, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa. Công trình do Công ty cổ phần Xây dựng dân dụng số 1 Đồng Nai làm chủ đầu tư, tổng mức vốn dự kiến 679 tỷ đồng, bề thế tồn tại ngay vị trí được nhiều người xem là “đất vàng”. Trong đó, Khu A là trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện, có quy mô bốn tầng lầu và một tầng hầm, diện tích xây dựng khoảng 3.500 m2, đã đưa vào sử dụng từ năm 2017, nhưng qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện đến giờ vẫn chưa có giấy phép xây dựng. Khu B được thiết kế làm trung tâm thương mại dịch vụ, dự kiến xây dựng năm tầng và một tầng hầm. Thời điểm này, tòa nhà chính đã đổ bê-tông cốt thép tầng 1, với diện tích xây dựng hơn 4.300 m2 và cũng giống như khu A chưa hề có giấy phép.

Ngoài các công trình xây dựng không phép quy mô lớn, tại Đồng Nai, tình trạng phân lô, bán nền xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra phức tạp, đáng lo ngại đến mức lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, có thời điểm ở một số địa phương, chính quyền không kiểm soát được tình hình.

Thống kê của Sở Xây dựng Đồng Nai cho thấy, năm 2018, toàn tỉnh phát hiện 612 vụ vi phạm về xây dựng, trong đó có 402 trường hợp không phép, buộc phá dỡ 209 công trình, tập trung nhiều ở TP Biên Hòa và các huyện Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom. Nghịch lý ở chỗ, phản hồi khi báo chí phanh phui, tìm hiểu sự việc, đại diện chính quyền cơ sở thường bao biện lý do thật khó chấp nhận, đó là do lực lượng chức năng mỏng, việc xây dựng vào ban đêm và ngày nghỉ cho nên khó giám sát, phát hiện. Nhiều người dân TP Biên Hòa cho rằng, công trình quy mô lớn xây dựng không phép ngay mặt tiền, giữa tuyến đường trung tâm TP Biên Hòa, trong thời gian dài mà chính quyền lý giải như trên là không hợp lý. Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ có hay không việc bao che, làm ngơ cho vi phạm của những người được giao quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh, sau khi phát hiện các công trình sai phạm các cơ quan chức năng đều buộc chủ đầu tư ngưng hoạt động, qua xem xét nếu phù hợp quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch xây dựng thì cho họ thời gian 60 ngày để hoàn tất các thủ tục và được cấp phép xây dựng. Những trường hợp xây dựng trái phép không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng thì buộc phải tháo dỡ, nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ, địa phương sẽ cưỡng chế để trả về nguyên trạng ban đầu.

Trên thực tế, đối với các công trình xây dựng không phép quy mô lớn, chính quyền các cấp ở Đồng Nai đang vất vả khắc phục hậu quả. Việc xử lý sai phạm mới dừng ở việc lập biên bản, xử phạt hành chính, còn áp dụng các biện pháp tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu chưa được bao nhiêu. Làm thế nào để vừa tạo sự nghiêm minh của pháp luật, vừa hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, nhất là làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan, vẫn là chuyện chẳng dễ dàng. Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Tới đây, những trường hợp nào xây dựng không phép mà phù hợp quy hoạch thì xử phạt, sau đó công nhận cho người dân; những nơi không phù hợp quy hoạch nhưng vì nhu cầu cao và thật sự cần thiết thì điều chỉnh quy hoạch; những nơi không thể điều chỉnh quy hoạch thì buộc phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Trước mắt, trong nỗ lực “sửa sai” công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng còn lỏng lẻo, bất cập, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Đồng Nai chủ động tăng cường hàng loạt biện pháp mang tính căn cơ hơn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU, về tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị trên địa bàn. Sở Xây dựng ký quy chế phối hợp UBND các huyện, thị xã Long Khánh và TP Biên Hòa, nhằm phối hợp hiệu quả hơn giữa thanh tra sở với các lực lượng quản lý đô thị cấp huyện và cấp xã. Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai yêu cầu đề cao trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai ở các cấp, trong đó, cấp huyện phải thường xuyên theo dõi giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời sai phạm về đất đai. Những vấn đề nào đã làm sai thì phải sửa sai, đồng thời dứt khoát phải xử lý những vụ việc phức tạp xảy ra đã lâu mà chưa xử lý được và kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân liên quan.