Truy tố các đối tượng chiếm dụng tiền bồi thường dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng

NDO -

NDĐT - Ngày 10-11, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa ban hành cáo trạng truy tố đối với các bị can: Đỗ Văn Hưu, sinh năm 1970, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Elang, huyện Ea Kar; Hoàng Trọng Nghĩa, sinh năm 1984; Lê Thành Nguyên, sinh năm 1983; Lê Sơn, sinh năm 1985, đều nguyên là cán bộ địa chính xã Cư Elang về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cơ quan Công an bắt giam ông Đỗ Văn Hưu, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Elang.
Cơ quan Công an bắt giam ông Đỗ Văn Hưu, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Elang.

Ngoài ra, còn có sáu người dân gồm: Y Thoai Byă, sinh năm 1962; H’Blút Niê, sinh năm 1967; Y Wem Byă, sinh năm 1971; H’Nĩ Niê, sinh năm 1965; Y Thiên Ktla, sinh năm 1962 và H’Nút Byă, sinh năm 1965, cùng trú tại xã Cư Elang, huyện Ea Kar cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt theo Quyết định số 1394/QĐ-BNN-XD, ngày 15-5-2009, có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Trong đó, diện tích đất thực hiện điểm tái định cư số 1 thuộc địa giới hành chính xã Cư Elang do UBND huyện Ea Kar làm chủ đầu tư. Khi biết được chủ trương thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ quá trình thực hiện dự án nêu trên, một số cán bộ địa chính, lãnh đạo của UBND xã Cư Elang đã thực hiện chuyển nhượng đất trái phép và nhờ các hộ gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số đứng tên trên các hồ sơ nhận bồi thường, hỗ trợ và ký xác nhận về nguồn gốc đất, quá trình canh tác sử dụng đất không đúng dẫn đến bồi thường sai gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 4,7 tỷ đồng.

Cụ thể, Lê Thành Nguyên là cán bộ địa chính, Phó Chủ tịch Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất xã Cư Elang, được giao trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND xã về nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất, việc canh tác và sản xuất trực tiếp trên đất trong các phương án đợt 1 và đợt 2 khu vực thực hiện điểm tái định canh số 1 làm cánh đồng lúa nước. Lúc này, Nguyên biết rõ thửa đất số 34 tờ bản đồ số 13 có nguồn gốc nhận chuyển nhượng từ hai hộ Y Knữh Byă và Y Djuih Niê. Thế nhưng, Nguyên đã nhờ hộ ông Y Thiên Ktla và vợ là bà H’Nút Byă thuộc diện hộ nghèo đứng tên và xác nhận không đúng hộ bà Trần Thị Chạm gây thiệt hại gần 2,3 tỷ đồng.

Tương tự, Hoàng Trọng Nghĩa là cán bộ địa chính xã đã lợi dụng việc biết được thông tin Nhà nước thu hồi đất tại khu vực buôn Ea Rớt, xã Cư Elang làm cánh đồng lúa nước để mua đất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Sau đó, Nghĩa nhờ hộ ông Y Thoai Byă và vợ là bà H’Blút Niê; hộ bà H’Nĩ Niê và chồng là Y Wem Byă là các hộ nghèo đứng tên nhận là chủ sử dụng đất thửa số 29 và thửa đất số 24, trích đo bản đồ số 13 để làm hồ sơ bồi thường không đúng gây thiệt hại gần 2,4 tỷ đồng.

Thời điểm này, Lê Sơn cũng là cán bộ địa chính xã Cư Elang, là thư ký Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất của UBND xã Cư Elang, được giao nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND xã, về xác minh nguồn gốc đất các hộ bị thu hồi theo phương án đợt 3. Thế nhưng, trong thời gian từ năm 2013 đến 2015, Sơn đưa cho Nghĩa số tiền 60 triệu đồng góp mua đất rẫy tại khu vực buôn Ea Rớt để canh tác và bán kiếm lời. Khi họp xét nguồn gốc đất, Nghĩa đã nói Sơn biết việc nhờ các hộ ông Y Thoai Byă và hộ bà H’Nĩ Niê đứng tên hồ sơ nhận bồi thường. Do vậy, Sơn xác nhận thông tin về nguồn gốc và trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp của hộ ông Y Thoai Byă và hộ bà H’Nĩ Niê như nội dung kê khai. Trong số tiền nhận bồi thường của các hộ, Sơn thừa nhận đã nhận từ Nghĩa số tiền 1,1 tỷ đồng.

Cũng theo cáo trạng, hành vi của các bị can: Y Thoai Byă, H’Blút Niê, Y Wem Byă, H’Nĩ Niê, Y Thiên Ktla và H’Nut Byă là những cá nhân được các cán bộ địa chính xã nhờ đứng tên sử dụng đất trong các hồ sơ bồi thường, hỗ trợ không đúng quy định nên các hành vi trên là đồng phạm với vai trò giúp sức cho các cán bộ địa chính này thực hiện hành vi phạm tội.

Đối với Đỗ Văn Hưu là Chủ tịch UBND xã Cư Elang, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất, tuy nhiên trong quá trình xét duyệt về nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất của hộ bà Chạm, ông Hưu biết rõ hộ bà Chạm không canh tác trên đất. Thế nhưng, ông Hưu đã ký xác nhận hồ sơ và các văn bản có liên quan để báo cáo hộ bà Chạm có canh tác, sản xuất nông nghiệp và có thu nhập ổn định trên thửa đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho hộ bà Chạm số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Hưu là người có trách nhiệm thay mặt UBND xã xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, quá trình canh tác của chủ sử dụng để phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Hưu đã thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các công việc của cán bộ địa chính thuộc quyền và đã ký xác nhận vào hồ sơ đề nghị bồi thường đất và hỗ trợ cho hộ ông Y Thiên Ktla, hộ ông Y Thoai Byă và hộ bà H’Nĩ Niê để được bồi thường, hỗ trợ dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hàng tỷ đồng.

* Bắt tạm giam nguyên Chủ tịch xã Cư ELang