Thực hiện tốt hơn nữa kiến nghị sau giám sát

Đẩy mạnh hoạt động "hậu giám sát" nói chung là định hướng chỉ đạo và quyết tâm chính trị của lãnh đạo Quốc hội (QH) qua nhiều nhiệm kỳ. Hoạt động hậu giám sát được Luật Hoạt động giám sát của QH và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định khá rõ với hai nội dung là xem xét việc thực hiện nghị quyết giám sát và xem xét việc thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC tại Nhà máy Thủy điện Sông Lô 2 (xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên). Ảnh: THU HIỀN
Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC tại Nhà máy Thủy điện Sông Lô 2 (xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên). Ảnh: THU HIỀN

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, kiến nghị trong lĩnh vực giám sát được hiểu là các yêu cầu của các chủ thể giám sát (Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, Đoàn đại biểu QH, đại biểu QH) đặt ra đối với đối tượng chịu sự giám sát khi kết thúc hoạt động giám sát, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện. Theo đó, các chủ thể giám sát khác nhau thì hệ quả pháp lý, hệ quả chính trị của hoạt động giám sát cũng khác nhau do xuất phát từ những quy định khác nhau về thẩm quyền, phạm vi, đối tượng giám sát đối với từng chủ thể giám sát.

Hoạt động giám sát của các chủ thể giám sát có hiệu quả hay không đều thể hiện qua việc các đề xuất, kiến nghị sau giám sát có được các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát tiếp thu, thực hiện hay không và thực hiện như thế nào. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát cũng còn nhiều bất cập như: cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện chưa triệt để, chưa đầy đủ hoặc chỉ thực hiện mang tính hình thức; còn chưa gắn kết quả thực hiện với chế tài xử lý. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát chưa thường xuyên, liên tục, chưa đi sâu vào nội dung, còn mang tính hình thức, có lúc, có nơi chưa thật sự quyết liệt.

Chủ thể giám sát chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong một số hoạt động giám sát, chưa thật sự đi sâu, phân tích kỹ lưỡng vấn đề cần giám sát, còn chủ yếu giám sát bằng hình thức nghe báo cáo, thiếu thông tin nhiều chiều cho nên khi ra các nghị quyết, kết luận, kiến nghị, có chỗ còn chưa có chiều sâu, chưa sát với thực tiễn. Ngoài ra, một số kiến nghị còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan người lãnh đạo, còn nể nang, né tránh hoặc tham mưu còn hạn chế, nội dung của kiến nghị không rõ ràng, thiếu những điểm nhấn về mục tiêu, chỉ tiêu, thời hạn thực hiện, làm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát cũng lúng túng khi thực hiện, hoặc có thực hiện cũng không đầy đủ, do đó, giám sát việc thực hiện bị hạn chế.

Có không ít trường hợp phát hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị về giám sát chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nội dung, yêu cầu của chủ thể giám sát, nhưng còn chưa có các biện pháp hữu hiệu buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện. Ngoài ra, cơ chế ràng buộc trách nhiệm của đối tượng bị giám sát chưa chặt chẽ; nhiều kiến nghị được nêu ra ngay trong quá trình giám sát và được cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát cam kết sẽ thực hiện, nhưng sau đó không thực hiện hoặc nếu có thực hiện thì mang tính hình thức, đối phó, thậm chí có nhiều kiến nghị không được các cơ quan phản hồi...

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của QH vừa là yêu cầu phát triển, vừa là nhiệm vụ của QH. Đẩy mạnh hoạt động sau giám sát nói chung và thực hiện có hiệu quả kiến nghị giám sát là một trong những định hướng lớn trong chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của QH hiện nay. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, QH cần bảo đảm đổi mới giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Theo đó, các kiến nghị cần phải bảo đảm tính khả thi, tính thực tế cao, gắn với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp quy định hiện hành. Cần quy định cụ thể, rõ ràng về yêu cầu, quy trình ban hành, thực hiện các kiến nghị sao cho mọi thẩm quyền của các chủ thể giám sát, mọi hình thức, nội dung giám sát, mọi công cụ giám sát đều có đầy đủ trình tự, thủ tục để thực hiện thống nhất; không để vì lý do thiếu quy trình hoặc quy trình chưa hợp lý mà không thực hiện được. Cần giữ nguyên tắc phải đi đến cùng trách nhiệm qua hoạt động giám sát nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các kiến nghị giám sát. Vấn đề quan tâm nữa là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện kiến nghị giám sát phải được gắn với tăng cường chế tài xử lý. Cụ thể, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, quy định cụ thể, rõ ràng về chế tài xử lý trách nhiệm dựa trên mức độ hoàn thành các kiến nghị giám sát, nhất là người đứng đầu khi không thực hiện tốt kiến nghị sau giám sát ở từng khâu, từng loại hình giám sát; khi lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Chúng tôi cho rằng, đại biểu QH ngoài việc bảo đảm những kỹ năng của một đại biểu dân cử, nâng cao năng lực, trách nhiệm và bản lĩnh để hoàn thành được trọng trách mà mình đang thực hiện, còn phải bồi dưỡng thêm những kỹ năng về phát hiện, phân tích, đánh giá khách quan, đúng đắn đối với vấn đề thuộc nội dung giám sát, theo sát vấn đề giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các đối tượng giám sát một cách thường xuyên.