Tạo động lực thu hút làn sóng đầu tư mới

Nhằm kế thừa những thành tựu, khắc phục những hạn chế của Luật Đầu tư 2014 sau gần sáu năm thi hành, Luật Đầu tư 2020 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, với nhiều điểm mới nổi bật.

Giảm số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện 

Nhằm bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện, Luật Đầu tư 2020 đã giảm số lượng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện xuống còn 227, so với 243 ngành, nghề theo Luật Đầu tư 2014 và Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.

Cụ thể, một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện bị bãi bỏ có thể kể đến như: Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; nhượng quyền thương mại; kinh doanh dịch vụ logistics; xuất khẩu, nhập khẩu điện... Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhóm ngành, nghề được bãi bỏ là những ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp an ninh quốc gia, an toàn, đạo đức xã hội, hoặc những ngành nghề đó đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2020 bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như: Cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng; môi giới bảo hiểm, hoạt động phụ trợ bảo hiểm; kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu; kinh doanh dịch vụ kiến trúc;... Việc bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải là nhằm quy định tương thích với những công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, các văn bản luật có liên quan hoặc những ngành, nghề này cần được quy định để bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Một điểm mới quan trọng khác của Luật Đầu tư 2020 là đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh sách ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Quy định này được đưa ra bởi trong thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định của pháp luật khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ (trước đây, các điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ được quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ) gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nhiều nơi lợi dụng quy định để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng lớn hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tuân thủ pháp luật cũng như những chủ nợ là các doanh nghiệp thường xuyên phải sử dụng dịch vụ đòi nợ khi chi phí cho một vụ kiện đòi tài sản giải quyết tại tòa án là rất lớn.

Ưu đãi đầu tư được mở rộng đáng kể

Luật Đầu tư 2020 mở rộng đáng kể nội dung về ưu đãi đầu tư thông qua các cơ chế ưu đãi gồm ngành, nghề ưu đãi, hình thức ưu đãi và đối tượng được hưởng ưu đãi. Theo đó, Luật đã mở rộng danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực quan trọng, phục vụ sự phát triển của kinh tế, xã hội như giáo dục đại học, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ, sản xuất trang thiết bị y tế, sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành... Việc bổ sung những ngành, nghề này nhằm nâng cao chất lượng của các dự án đầu tư, tạo động lực thu hút những làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Thời gian tới, quy định này sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực trên được hưởng những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất... để có thể vượt qua tình hình khó khăn sau dịch Covid-19, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Luật đã bổ sung hình thức ưu đãi “khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế” vào danh mục các hình thức ưu đãi đầu tư, bên cạnh ba hình thức đã được liệt kê tại Luật Đầu tư 2014. Luật Đầu tư 2020 bổ sung nhóm dự án được “ưu đãi đầu tư đặc biệt” để thay thế quy định về “Mở rộng ưu đãi đầu tư” tại Luật Đầu tư 2014, theo đó, cho phép Chính phủ được quyết định áp dụng những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến kinh tế, xã hội áp dụng đối với: những trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, những dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có tổng vốn đầu tư lớn và tỷ lệ giải ngân cao; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp cần khuyến khích phát triển một dự án đầu tư đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Chính phủ trình Quốc hội quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư 2020 và các luật khác. Đây là nội dung cần thiết phải có hướng dẫn thi hành sớm để có thể thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia thực hiện các dự án trọng điểm, dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế, xã hội. 

Mở ra cơ hội cho  thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A)

Một điểm mới của Luật Đầu tư 2020 khá quan trọng đối với hoạt động đầu tư theo phương thức M&A là quy định về việc chia, tách dự án đầu tư. Theo đó, khoản 1, Điều 41, Luật Đầu tư 2020 cho phép nhà đầu tư được chia, tách một dự án thành nhiều dự án. 

Như vậy, bên cạnh các hình thức truyền thống là góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng dự án, các nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn để cơ cấu lại dự án đầu tư. Nếu như trước đây, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư muốn tiến hành hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp thông qua các phương thức chia, tách doanh nghiệp thì phải hoàn thiện các thủ tục phân chia hoạt động, quyền, nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư sau khi tái cấu trúc. Trong đó, thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là rất khó khăn. Với quy định mới tại Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư có thể thực hiện các thủ tục tái cấu trúc bằng chia, tách doanh nghiệp cùng với thủ tục chia, tách dự án đầu tư tương ứng. Như vậy, quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đánh giá là rõ ràng hơn về các điều kiện và thủ tục pháp lý. Hy vọng rằng, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 sắp được ban hành sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn về cách thức thực hiện quy định này.

Luật Đầu tư 2020 đã đưa ra định nghĩa rộng hơn về khái niệm “vốn đầu tư”, theo đó, vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, việc mở rộng phạm vi của “vốn đầu tư” nhằm thống nhất quy định của luật nội địa, các hiệp định quốc tế cũng như thông lệ thực tiễn. Qua đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể đa dạng hóa các hình thức đầu tư, đặc biệt thúc đẩy hình thức đầu tư không bằng tiền mặt.

GIA KHÁNH

(Văn phòng Luật sư NHQuang&Associates)