Sớm xử lý hoạt động “tín dụng đen” ở Bắc Cạn

NDO -

NDĐT - Thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” theo hình thức cho vay nặng lãi, bốc bát, bốc họ… có chiều hướng lan rộng ở tỉnh miền núi Bắc Cạn. Nhiều người khuynh gia, bại sản vì vay nặng lãi; xuất hiện tình trạng đe dọa, uy hiếp để đòi nợ. Đặc biệt, tình trạng cán bộ nhà nước vay nặng lãi tăng lên, thậm chí có cả cán bộ tham gia, bảo kê cho hoạt động “tín dụng đen”.

Lực lượng Công an Bắc Cạn triệt phá một trong các điểm cho vay nặng lãi tại TP Bắc Cạn.
Lực lượng Công an Bắc Cạn triệt phá một trong các điểm cho vay nặng lãi tại TP Bắc Cạn.

Nở rộ và hệ lụy

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh Bắc Cạn hiện có 176 cơ sở kinh doanh treo biển cầm đồ, hỗ trợ tài chính, cho vay, đáo nợ ngân hàng. Vòi bạch tuộc “tín dụng đen” đã vươn tới tất cả tám huyện, thành phố, kể cả huyện nghèo, vùng xa Pác Nặm. Do một bộ phận người dân có nhu cầu vay, trong khi, điều kiện để cho vay của các đối tượng cho vay thì đơn giản, có tiền ngay nên hoạt động “tín dụng đen” ở Bắc Cạn có chiều hướng nở rộ.

Từ nguồn tin của quần chúng, qua theo dõi, ngày 16-7, Công an huyện Pác Nặm bắt quả tang Phạm Thị Huê (SN 1982, trú thôn Khuổi Muổng, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Cạn) có hành vi cho vay nặng lãi khi đang giao dịch dân sự. Theo lời khai của Huê, khoảng từ năm 2016 đến nay, Huê đã cho nhiều người vay tổng số tiền hơn 700 triệu đồng với lãi suất từ 7 - 10%/tháng.

Ngày 26-5, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) thực hiện chuyên án “119TDĐ” bắt giữ, khởi tố hai vụ án, năm bị can về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự tại TP Bắc Cạn. Trong đó, có đối tượng Lê Cao Huân (SN 1988, trú thôn Cầu Nhọ, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đã có một tiền án về tội giết người và hai tiền sự về hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ, xâm hại sức khỏe người khác. Ngoài ra, tham gia vào đường dây này còn có một đối tượng là cán bộ Bệnh viện đa khoa tỉnh và một cán bộ Thượng tá công an với chức vụ Phó Trưởng phòng Thi hành án hình sự (Công an tỉnh).

Các đối tượng thuê nhà tại phường Phùng Chí Kiên, phường Sông Cầu, phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Bắc Cạn), thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể) và xã Vân Tùng (huyện Ngân Sơn) để hoạt động... Cơ quan điều tra đã xác định được khoảng 60 người vay tiền của nhóm đối tượng này với mức lãi suất từ 3.000 đồng đến 15.000 đồng/triệu đồng/ngày.

Qua khám xét các địa điểm nơi các đối tượng thuê ở để hoạt động, cơ quan công an đã thu giữ nhiều giấy tờ, sổ sách liên quan việc cầm cố, vay nợ với lãi suất cao. Công an tỉnh Bắc Cạn đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Ngoài ra, tại các huyện Ba Bể, Chợ Mới, TP Bắc Cạn đã xuất hiện các vụ việc đối tượng cho vay đe dọa, uy hiếp bằng cách bắc loa chửi bới, ném chất bẩn vào nhà người vay; giữ người trái pháp luật, ép viết giấy gia hạn nợ…

Tại hội nghị sơ kết công tác phòng, chống “tín dụng đen”, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Cạn cho biết, tình trạng cán bộ, công chức nhà nước vay tiền “tín dụng đen” xuất hiện ngày càng nhiều. Có những cán bộ ban đầu chỉ vay 200 triệu đồng, đến khi không trả được gốc, lãi bị đối tượng cho vay tố cáo thì tổng gốc, lãi phải trả đã lên tới 800 triệu đồng.

Tăng cường phòng, chống

Tháng 1-2019, tỉnh Bắc Cạn ban hành Kế hoạch số 14-KH/UBND về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”. Theo báo cáo của Công an tỉnh Bắc Cạn, sau chín tháng triển khai, đã kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động của 123 cơ sở kinh doanh treo biển cầm đồ, hỗ trợ tài chính, cho vay, đáo nợ ngân hàng… Yêu cầu 40 cơ sở ở TP Bắc Cạn, Ba Bể, Ngân Sơn tháo dỡ biển quảng cáo cho vay, hỗ trợ tài chính, đáo nợ ngân hàng. Xử phạt vi phạm hành chính bảy trường hợp sai phạm ở TP Bắc Cạn, Pác Nặm, Ba Bể với số tiền phạt hơn 32 triệu đồng.

Lực lượng công an đã thụ lý, giải quyết tám vụ án liên quan “tín dụng đen”. Trong đó, lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang sáu vụ gồm sáu đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi; tiếp nhận, điều tra hai vụ có nguyên nhân xuất phát từ đòi nợ. Đến nay, Công an tỉnh đã khởi tố bốn vụ với tám bị can; tham mưu UBND huyện Ba Bể xử phạt vi phạm hành chính một vụ với số tiền phạt 25 triệu đồng; tiếp tục xác minh ba vụ với ba đối tượng. Việc quyết liệt đấu tranh của lực lượng công an, sự vào cuộc của các địa phương đã tạm thời ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”, hoạt động này đã bắt đầu lắng xuống.

Tuy nhiên, công tác đấu tranh với loại tội phạm này ở Bắc Cạn đang gặp nhiều khó khăn. Theo phản ánh của Công an huyện Ba Bể, chính quyền cơ sở ở xã, thôn, tổ dân phố gần như “đứng ngoài cuộc”, không chủ động tuyên truyền, phối hợp triệt phá, chấn chỉnh các cơ sở cho vay nặng lãi. Chưa có thống kê đầy đủ, nhưng số cán bộ, công chức nhà nước vay nặng lãi ở Bắc Cạn có hầu khắp các huyện, thành phố.

Theo Đại tá Hà Trọng Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Cạn, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” có hiểu biết pháp luật nhất định; một số đối tượng có tiền án, tiền sự, nhiều thủ đoạn đối phó. Các đối tượng cho vay đều có chung phương thức che giấu bằng cách không thể hiện lãi suất cho vay trong hợp đồng, giấy vay tiền nên khó chứng minh vi phạm; chia nhỏ gói vay để tỷ lệ phần trăm mức hưởng lợi bất hợp pháp thường không đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số thực hiện hình thức người đi vay viết giấy bán tài sản, sau đó thuê lại từ đối tượng để “lách” quy định về cho vay cầm cố; lập hợp đồng “giả cách”, trong đó đối tượng đóng vai trò là phía đưa tiền cho người đi vay với lý do xin việc… Trong khi, các đối tượng giấu hợp đồng cho vay ở những nơi kín đáo, dễ tiêu hủy thì nhiều bị hại do lo sợ trả thù nên không dám trình báo.

Hoạt động kiểm tra, quản lý nhà nước ở Bắc Cạn cũng còn nhiều bất cập. Đến nay, vẫn còn 53 cơ sở kinh doanh treo biển cầm đồ, hỗ trợ tài chính, cho vay, đáo nợ ngân hàng… ở Chợ Đồn, Pác Nặm, Bạch Thông, Ngân Sơn chưa được kiểm tra.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Tài chính - Kế hoạch của UBND TP Bắc Cạn, huyện Bạch Thông còn cấp tới 10 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ghi “dịch vụ hỗ trợ, cho vay tài chính”. Trong khi đó, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam thì “dịch vụ cho vay, hỗ trợ tài chính” không phải là một ngành nghề kinh doanh.

Một bộ phận nhân dân có nhu cầu vay vốn nhưng do thủ tục của các ngân hàng còn rườm rà, mất thời gian nên vẫn tìm đến “tín dụng đen” để giải quyết khó khăn trước mắt.

Ngoài ra, quy định của pháp luật xử lý hành vi “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” còn chưa đầy đủ. Thí dụ, ngoài điểm d, khoản 3, Điều 11, Nghị định 167/CP/2013 quy định xử phạt hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” thì không còn quy định nào để xử phạt vi phạm hành chính cho vay nặng lãi cũng tạo ra nhiều khó khăn cho địa phương.

Để xử lý tận gốc hoạt động “tín dụng đen”, UBND tỉnh Bắc Cạn chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức; tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh; điều tra, xử lý nghiêm các vụ án liên quan “tín dụng đen”. Đặc biệt, tỉnh yêu cầu xem xét đưa ra xét xử lưu động các vụ án ở các huyện, xã vùng cao để răn đe, phòng ngừa; đồng thời, nghiên cứu, điều tra, tập hợp những khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.