Sai phạm trong bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án Tây Yên Tử

NDO -

NDĐT – Dự án Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử do Công ty Cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 136 ha, tại xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang với tổng vốn đầu tư 1.486 tỷ đồng, trong đó vốn chủ đầu tư góp là 223 tỷ đồng, vốn huy động là 1.263 tỷ đồng; Mục tiêu của dự án là xây dựng một khu du lịch kết hợp tổng hòa các yếu tố tâm linh, lịch sử, sinh thái thiên nhiên vùng Tây Yên tử, tạo nên điểm nhấn du lịch của tỉnh Bắc Giang và khu vực.

Triển khai công tác giải phóng mặt bằng tại Dự án.
Triển khai công tác giải phóng mặt bằng tại Dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Sơn Động đã để xảy ra sai phạm, làm thất thoát hơn 4,5 tỷ đồng ngân sách nhà nước. Chính vì những sai phạm đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an tỉnh Bắc Giang vừa quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và Bản kết luận điều tra đến Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Bắc Giang đề nghị truy tố hàng loạt các bị can vốn là cán bộ, lãnh đạo Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang (TT TNMT), Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Động.

Theo đó, Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị truy tố các bị can: Phan Đức Hạnh (sinh năm 1973), Phó bí thư chi bộ, Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật TNMT Bắc Giang; Thân Đức Thanh (sinh năm 1974), Trưởng phòng đo đạc bản đồ, Tổ trưởng tổ công tác giải phóng mặt bằng, trực tiếp phụ trách công tác đo đạc bản đồ và Nguyễn Văn Lực (sinh năm 1982), cán bộ Phòng Đo đạc Trung tâm kỹ thuật TNMT về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”. Đồng thời, đề nghị truy tố bị can Ngọc Minh Phụng (sinh năm 1962), Trưởng phòng TNMT huyện Sơn Động về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong khi hàng loạt thuộc cấp bị khởi tố liên quan trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án xây dựng Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, thì người trực tiếp ký các quyết định, chỉ đạo chi tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng lại “thoát tội” và chỉ bị CQĐT kiến nghị xử lý hành chính.

Trước đó, ông Giáp Văn Tâm được Chủ tịch UBND huyện Sơn Động phân công là Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Kết luận điều tra số 9 ban hành ngày 12-2-2020 của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bắc Giang, xác định ông Giáp Văn Tâm là người trực tiếp chỉ đạo công tác phối hợp các cơ quan chuyên môn trong công tác GPMB trực hiện dự án Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử.

Ông Tâm cũng là người ký Quyết định số 375 và số 376 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đợt 8 (giai đoạn 1). Sau đó lại ký Quyết định số 451 về việc điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB từ hai hộ sang cho sáu hộ theo đề nghị của Trung tâm kỹ thuật TNMT và Tờ trình của Phòng TNMT huyện Sơn Động.

Tuy nhiên, CQĐT cho rằng, sau khi phát hiện Quyết định số 451 không đúng về chế độ, chính sách thì ông Tâm đã giao cho Phòng TNMT huyện Sơn Động xác minh, kiểm tra lại tình trạng sử dụng đất của sáu hộ dân có GCNQSDĐ, xác định được việc các hộ đã chuyển nhượng đất từ nhiều năm trước, một thửa đất đã bán cho nhiều người nên ông Tâm đã ký ban hành Quyết định huỷ toàn bộ Quyết định số 451, yêu cầu Trung tâm kỹ thuật TNMT thu hồi lại toàn bộ số tiền đã chi ra theo quyết định sai lầm nói trên.

CQĐT biện minh việc không xử lý hình sự Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động là do ông này đã chủ quan, tin tưởng vào tham mưu của Phòng TNMT huyện Sơn Động, tin vào đề xuất của Trung tâm kỹ thuật TNMT Bắc Giang (lý do Trung tâm báo cáo đã xin hướng dẫn của ông Ngô Văn Xuyên – Phó giám đốc Sở TNMT), không nghiên cứu kỹ về chế độ, chính sách trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, dẫn đến phê duyệt phương án sai về chế độ hỗ trợ cho các hộ dân, thiệt hại số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.

“Hành vi của ông Giáp Văn Tâm có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng xét vai trò, tính chất và mức độ lỗi thì thấy không cần thiết xem xét xử lý hình sự mà chỉ cần kiến nghị xem xét xử lý bằng biện pháp hành chính khác cũng đảm bảo tính răn đe”, Kết luận điều tra nêu.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là vì sao người trực tiếp ký ban hành, trực tiếp chỉ đạo chi trả tiền bồi thường trong vụ án nghiêm trọng này là ông Giáp Văn Tâm – Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Động, Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Sơn Động lại không có tên trong danh sách bị khởi tố và đề nghị truy tố?

Sai phạm trong bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án Tây Yên Tử ảnh 1

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Khi được hỏi liệu CQĐT có bỏ lọt tội phạm trong vụ án này, luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Việc CQCSĐT công an tỉnh Bắc Giang không khởi tố ông Giáp Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động đồng thời là chủ tịch HĐ BTGPMB là có dấu hiệu không khách quan, bỏ lọt tội phạm. Bởi lẽ HĐ BTGPMB cấp huyện có chức năng là đầu mối chuyên môn giúp UBND cấp huyện về công tác BTGPMB. Hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng kế hoạch triển khai công tác giải phóng mặt bằng; lập và trình UBND cấp huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; triển khai thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, các điều kiện cần thiết cho tổ chức công tác BTGPMB để trình UBND huyện phê duyệt; chỉ đạo, hướng dẫn Tổ công tác trong việc tổ chức điều tra kê khai số liệu về đất và tài sản của người bị thu hồi đất; đôn đốc việc thực hiện các nội dung xác nhận của UBND cấp xã và các cơ quan có liên quan theo kế hoạch tiến độ đã được phê duyệt; căn cứ tình hình thực tế, chủ trì phối hợp với người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc trong công tác BTGPMB.

Như vậy HĐ BTGPMB có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình triển khai dự án, là lá chắn để bảo vệ sự công bằng và chống thất thu ngân sách nhà nước, với vai trò chủ tịch HĐ BTGPMB, ông Giáp Văn Tâm phải là người chịu trách nhiệm chính và cao nhất đối với mọi hoạt động của HĐ BTGPMB huyện Sơn Động. Việc Ông Tâm để xảy ra sai phạm buông lỏng quản lý, bỏ mặc cấp dưới làm sai, không phối hợp và trao đổi công việc với phòng TNMT làm thất thoát của NN 4,5 tỷ thể hiện sự thiếu trách nhiệm và vô cảm trong hoạt động công vụ. Trong trường hợp này, tội phạm đã hoàn thành. Hành vi của ông Tâm đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Việc ông Tâm ra các quyết định hủy bỏ các quyết định đã ký trước đó chỉ nhằm chống chế và có chăng đó chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ khi định tội. Việc không khởi tố ông Giáp Văn Tâm là đi ngược lại với chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về đề cao trách nhiệm người đứng đầu, trái với quy định tại Nghị định 157/2007 NĐ-CP quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ tại “Điều bảy: Nội dung chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu: Một: Chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý. Hai: Gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; tổ chức, điều hành cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao; quyết định chủ trương, giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó”.

Theo luồng ý kiến này, ông Tâm là người trực tiếp ký, chỉ đạo chi trả tiền và được xác định gây thiệt hại số tiền của Nhà nước hơn 4,5 tỷ đồng. Rõ ràng hành vi phạm tội của ông Tâm đã được cấu thành theo quy đình của pháp luật. Việc sau đó ông Tâm ký các quyết định sửa sai chỉ là tình tiết giảm nhẹ.

Nếu cơ quan điều tra không xử lý hình sự đối với ông Giáp Văn Tâm mà chỉ quy trách nhiệm hết cho cấp dưới đã thực hiện các chỉ đạo của ông Tâm thì chắc chắn dư luận sẽ đặt dấu hỏi về sự công tâm, minh bạch của các cơ quan tiến hành tố tụng, thậm chí nghi ngờ có tiêu cực trong quá trình điều tra của Công an tỉnh Bắc Giang, cũng như việc giám sát quá trình điều tra của Viện KNND cùng cấp.