Phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ðể phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm an ninh, trật tự, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư, Bộ Chính trị; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm,...

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, các văn bản quy phạm pháp luật gây vướng mắc; mở các đợt cao điểm tiến công, trấn áp tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Tập trung điều tra, khởi tố, xử lý các hành vi lừa đảo, triệt để thu hồi tài sản. Bộ Công thương thường xuyên kiểm tra điều kiện hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử; giám sát hoạt động thương mại điện tử trên ứng dụng công nghệ số, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm để có biện pháp xử lý. Bộ Tài chính chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, ban hành các quy định về ứng dụng phương tiện thanh toán mới, tiên tiến, bảo đảm chặt chẽ, an toàn; kịp thời phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; nghiên cứu, đề xuất về cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), các hình thức thanh toán mới chưa có quy định của pháp luật,...