Những tấm gương sáng của ngành toà án

Những tấm gương sáng của ngành toà án

Dù còn khó khăn kiên quyết không nhận hối lộ

Xuất thân từ gia đình có nhiều truyền thống cách mạng, Thẩm phán Toà án nhân dân huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre Nguyễn Thế Dũng tuy không có điều kiện được đào tạo bài bản nhưng anh đã cố gắng theo đại học tại chức để có trình độ cử nhân luật. Bản thân anh, mặc dù chỉ đang ở độ tuổi 46 nhưng sức khoẻ hạn chế bởi mang trong mình nhiều chứng bệnh. Mỗi khi trái nắng trở trời, là anh lại phải nằm viện. Vợ chồng anh đều là công nhân viên chức, thu nhập dựa vào đồng lương nuôi hai con ăn học. Hiện gia đình anh ở trong ngôi nhà cấp bốn đã bị cơn bão số 9 năm 2006 làm thiệt hại và hư hỏng nặng.

Mặc dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn và mặt trái cơ chế thị trường tác động, nhưng thẩm phám Nguyễn Thế Dũng luôn vững vàng vượt qua, mỗi năm xét xử từ 80 đến 100 vụ án các loại đạt tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Mình” gắn với phong trào thi đua của ngành, anh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nêu cao ý thức trách nhiệm, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Bằng những hành động cụ thể, anh đã nhiều lần từ chối nhận hối lộ và giao nộp cho đơn vị trả lại cho nhân dân tiền, quà trị giá gần 6 triệu đồng.

Anh Dũng kể: Lần thứ nhất vào năm 2007, một đương sự trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất đã tìm đến nhà tôi vào buổi tối lấy lý do thăm tôi bị bệnh bằng hai hộp sữa kèm phong bì. Tôi lập tức từ chối nhưng họ nhất quyết để lại. Sau khi họ ra về, tôi liền gọi điện cho đồng chí Chánh án báo cáo sự việc. Sáng hôm sau đem giao nộp đơn vị, kiểm tra phong bì có một triệu đồng. Đơn vị đã tiến hành trả lại cho đương sự. Lúc đó tôi mới thấy nhẹ lòng.

Lần thứ hai vào năm 2008 trường hợp tương tự, tôi đã trả lại một cây thuốc lá và 4 triệu đồng; một lần khác là 500.000 nghìn đồng.

Từ những việc làm trên, anh Dũng được Chánh án toà án nhân dân tỉnh khen thưởng đột xuất. Năm 2009, anh là đại biểu điển hình trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của ngành toà án cấp huyện và tỉnh Bến Tre.

Việc làm của anh Dũng còn là tấm gương cho nhiều cán bộ toà án huyện Giồng Trôm noi theo kiên quyết không nhận hối lộ như trường hợp Phạm Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Diễm Châu…

Anh bộc bạch: Tôi luôn nhận thức rõ ràng về vai trò “công bộc” của dân, là người giữ cán cân công lý, cho dù hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng không thể tự đánh mất mình. Những người tìm tới tôi hối lộ có hai dạng người. Một là nghèo khó phải đi vay để “đút lót”, hai là dùng những đồng tiền dư thừa để mua chuộc, sai khiến. Tiền thì ai cũng cần nhưng không nên có lòng tham mà phải kiếm từ mồ hôi công sức của mình mới là chính đáng, hợp pháp.

Từ điển sống của toà án quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng

Phó Chánh toà quận Thanh Khê Đà Nẵng, Dương Thị Hồng Minh.

Ấn tượng của tôi về Phó Bí thư chi bộ, Phó Chánh toà án quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, chị Dương Thị Hồng Minh, là một người phụ nữ giản dị, ít muốn nói về mình. Địa bàn mà toà án Nhân dân quận Thanh Khê rất phức tạp về tình hình an ninh trật tự với lượng án bình quân hằng năm lên tới hơn 1.000 vụ các loại. Bản thân mỗi thẩm phán xét xử hàng năm từ 100-150 vụ án các loại. Đây là tỷ lệ tương đối cao so với bình quân lượng án phải giải quyết đối với mỗi thẩm phán cấp quận, huyện trong cả nước.

Hơn 15 năm làm thẩm phán, chị Minh đã xét xử hàng ngàn vụ án với hàng trăm bị cáo. Mỗi một vụ án, mỗi một số phận bị cáo luôn để lại trong lòng người thẩm phán nhân hậu một nỗi niềm suy tư riêng. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, ngoài việc hoàn thành tốt chức trách là Phó Chánh án, chị đã xét xử, giải quyết 607 vụ án các loại đạt chất lượng cao.

Chị chân thành: chẳng có bí quyết gì cao siêu đâu mà người thẩm phán chỉ cần đúng bổn phận, trách nhiệm và lương tâm của mình với một thái độ trung thực, thận trọng, công tâm và khách quan, đảm bảo tính công khai, nghiệm mình, xét xử đúng người, đúng tội là hoàn thành xuất sắc công việc.

Những thành tích trên đã mang lại cho chị nhiều bằng khen của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Nhiều năm liền, chị liên tiếp nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và toàn ngành.

Do quan tâm và chú trọng phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án, nắm chắc chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án trước khi đem ra xét xử, chị Minh luôn nghiên cứu kỹ càng và sắp xếp hồ sơ theo trình tự nội dung một cách khoa học tránh sai sót chứng cứ. Những cán bộ toà án quận Thanh Khê luôn coi người Phó Chánh án của mình như một cuốn từ điển sống của cơ quan là vậy.

Không chỉ là một cán bộ làm công tác chuyên môn, chị Minh còn đảm trách công việc của một người lãnh đạo. Do vậy, chị luôn quan tâm động viên đời sống cán bộ và đồng nghiệp. Mỗi khi các thẩm phán trẻ gặp khó khăn trong công việc giải quyết án, chị luôn nhiệt tình hướng dẫn, gợi ý về quy định của pháp luật cũng như phương pháp giải quyết.