Những điều khó hiểu chung quanh việc Công ty Biofeed ở Vĩnh Long đem bản án đi thế chấp ngân hàng

NDO -

NDĐT - Ông Trương Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Biofeed ở Vĩnh Long ký hai hợp đồng thế chấp “quyền tài sản” và “quyền đòi nợ” bằng bản án tranh chấp hợp đồng góp vốn trị giá hơn 10 tỷ đồng/ hợp đồng cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long.

Những điều khó hiểu chung quanh việc Công ty Biofeed ở Vĩnh Long đem bản án đi thế chấp ngân hàng

Mục đích việc thế chấp bản án trên để thực hiện một phần nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, tiền phí, tiền bồi thường thiệt hại theo các hợp đồng tín dụng của Công ty TNHH Biofeed và Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long. Đây là loại “tài sản” lạ và hai hợp đồng thế chấp trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ngày 1-8-2007, ông Trương Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Biofeed, ngụ đường Phó Cơ Điều, phường 3, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long có góp vốn vào Công ty TNHH Thương mại thuỷ sản Vĩnh Long số tiền 8,2 tỷ đồng. Công ty này có tổng số năm thành viên góp vốn, với tổng số tiền hơn 29,3 tỷ đồng. Trong đó, ông Trương Thanh Phương góp vốn bằng tiền mặt hơn 4,5 tỷ đồng, còn lại góp vốn bằng thức ăn nuôi cá quy ra tiền. Đến ngày 5-2-2008, ông Phương rút vốn một tỷ đồng từ Công ty TNHH Thương mại Thuỷ sản Vĩnh Long. Theo kết quả hạch toán kinh doanh năm 2008, Công ty TNHH Thương mại thuỷ sản Vĩnh Long lỗ hơn 67,7 tỷ đồng. Năm 2009, công ty này tiếp tục thua lỗ 60 tỷ đồng, năm 2010 tiếp tục lỗ 45,3 tỷ đồng. Năm 2011 Công ty TNHH Thương mại thuỷ sản Vĩnh Long chưa thống kê được số tiền bị lỗ. Sau đó, năm 2013, ông Phương khởi kiện ra TAND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Công ty TNHH Thương mại thuỷ sản Vĩnh Long trả lại phần vốn còn lại 7,2 tỷ đồng và phải chịu lãi suất 9%/năm. Yêu cầu này của ông Phương được TAND tỉnh Vĩnh Long chấp nhận, buộc Công ty TNHH Thương mại Thuỷ sản Vĩnh Long trả cho ông Trương Thanh Phương số tiền vốn 72, tỷ đồng và 2,83 tỷ đồng tiền lãi. Theo bản án số 01/2013/KDTM-ST ngày 9-1-2013 của TAND tỉnh Vĩnh Long, Công TNHH Thương mại Thuỷ sản Vĩnh Long phải trả cho ông Trương Thanh Phương tổng số tiền gốc và lãi là 10,38 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 29-11-2011, TAND huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành bản án số 01/2011/KDTM-ST về việc tranh chấp hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản giữa ông Trương Thanh Phương và Công ty TNHH Thương mại Thuỷ sản Vĩnh Long. Theo bản án, công ty TNHH Thương mại Thuỷ sản Vĩnh Long phải trả cho ông Phương 7,13 tỷ đồng tiền nợ mua thức ăn thuỷ sản và hơn 2,99 tỷ đồng tiền lãi, tổng số tiền phải trả là 10,12 tỷ đồng.

Đến ngày 15-11-2013, ông Trương Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Biofeed đến Văn phòng công chứng lập hai hợp đồng thế chấp bằng các bản án trên cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long. Theo đó, Hợp đồng thế chấp “quyền tài sản” có giá trị “tạm” tính là 10,38 tỷ đồng theo bản án 01/2013/KDTM-ST ngày 9-1-2013 của TAND tỉnh Vĩnh Long. Hợp đồng thứ hai là Thế chấp “quyền đòi nợ” được lập cùng ngày cũng giữa Công ty TNHH Biofeed và Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long. Tài sản thế chấp là bản án số 01/2011/KDTM-ST ngày 29-11-2011 của TAND huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, có giá trị “tạm” tính là 10,127 tỷ đồng. Mục đích thế chấp hai bản án trên nhằm để trả nợ gốc, lãi từ các hợp đồng tín dụng đã ký giữa Công ty Biofeed và Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long.

Tuy nhiên, một luật sư ở Vĩnh Long cho biết, việc thế chấp tài sản tại hai hợp đồng thế chấp trên là hoàn toàn vi phạm pháp luật. Vì tài sản bảo đảm, bao gồm tài sản hình thành trong tương lai và tài sản hiện hữu phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Nghị định 163/2006/NĐCP ngày 29-12-2006 và Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐCP ngày 22-2-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006. “Tuy nhiên các bản án và quyền đòi nợ không phải là các tài sản hình thành trong tương lai hay tài sản hiện hữu nên không thể là đối tượng thế chấp. Bằng chứng xác đáng cho thấy là đến hiện nay tức là khoảng sáu năm kể từ ngày ký hai hợp đồng thế chấp nói trên thì tài sản định giá thế chấp trên 20 tỷ vẫn chưa thu hồi được do không thể thi hành án”, luật sư nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Biofeed có vay hơn 100 tỷ đồng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long, hiện đã chuyển sang nợ quá hạn do Công ty TNHH Biofeed mất khả năng trả nợ. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh nợ xấu và có nguy cơ mất vốn Nhà nước, xuất phát từ việc sai phạm ngay từ khi xét duyệt dự án, thẩm định phương án kinh doanh và thẩm định tài sản bảo đảm của cán bộ và lãnh đạo ngân hàng. Ngân hàng này đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân toàn bộ hạn mức cho vay hơn 100 tỷ đồng và áp dụng hình thức thế chấp tài sản hình thành trong tương lai từ vốn vay. Trong các hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai có quy định thời gian chuyển đổi từ tài sản hình thành trong tương lai sang tài sản hiện hữu để ký tiếp Hợp đồng thế chấp tài sản hiện có để thay thế. Tuy nhiên, quá thời hạn chuyển đổi nhưng hầu hết các tài sản hình thành trong tương lai không thể chuyển thành tài sản hiện hữu. Bởi Công ty TNHH Biofeed sử dụng phần lớn vốn vay (hơn 50%) để thực hiện dự án khác thuộc các khoản vay của các ngân hàng khác để làm tài sản thế chấp cho các ngân hàng này, trong đó có Ngân hàng Quốc dân (ngân hàng Nam Việt cũ). Hiện ông Trương Thanh Phương đang là bị đơn trong một vụ kiện của Ngân hàng Quốc dân với số tiền nợ gần 40 tỷ đồng do số nợ gốc và lãi vay gần 10 năm qua mà mất khả năng trả nợ.

Được biết, cơ quan điều tra đang thu thập chứng cứ để điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức trên.