Nhiều giải pháp phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm

Ngày 24-11, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ làm việc với Ban chỉ đạo 138 tỉnh Ninh Bình về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn.

Năm 2020, tỉnh Ninh Bình triển khai quyết liệt, hiệu quả phong trào “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các giải pháp phòng ngừa đấu tranh với tội phạm. Lực lượng chức năng của tỉnh tổ chức điều tra 287 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 90,3%; điều tra án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 96%. Đối với kiến nghị của Ban chỉ đạo 138  tỉnh Ninh Bình, đoàn công tác sẽ tiếp thu để báo cáo trình Chính phủ xem xét. Đồng thời,  đại diện  đoàn công tác lưu ý tỉnh Ninh Bình cần quan tâm quản lý chặt chẽ việc cư trú, tăng cường quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhất là kinh doanh dịch vụ cầm đồ, ka-ra-ô-kê, khách sạn, nhà nghỉ; tập trung phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng tôn giáo, dân tộc thiểu số, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, nhất là trong những tháng cuối năm 2020.

PV

Kiểm tra việc thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận trong LLVT
 
Ngày 24-11, Đoàn kiểm tra thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận trong Lực lượng vũ trang (LLVT) do đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam.

Qua 5 năm thực hiện chương trình phối hợp, công tác dân vận trong LLVT tỉnh Hà Nam được thực hiện nền nếp, hiệu quả, phù hợp  đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT về vai trò, vị trí, nội dung công tác dân vận được nâng cao, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được phát huy, nhân rộng mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực. 5 năm qua, lực lượng công an tỉnh Hà Nam phối hợp mở 15 đợt cao điểm tiến công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự; cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tham gia gần 17.600 ngày công phối hợp làm hơn 125km đường giao thông nông thôn; giúp 94 hộ thoát nghèo; góp phần xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới…

PV

Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hội nhập quốc tế

Sáng 24-11, tại Hà Nội, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Diễn đàn Việt - Mỹ với chủ đề “Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hội nhập quốc tế”. 

Tại diễn đàn, đại biểu hai nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hỗ trợ phụ nữ tăng cường tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu nhân dân để tiếng nói phụ nữ được lắng nghe đầy đủ, đồng thời phụ nữ có thể vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung vào các nội dung chính, như: thách thức và cơ hội đối với lao động nữ và doanh nghiệp nữ trong hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ và bảo vệ môi trường; ứng phó và hồi phục sau Covid-19; vai trò của giao lưu nhân dân trong quan hệ Việt - Mỹ; đóng góp của phụ nữ trong giao lưu nhân dân Việt - Mỹ… 

PV

Hình thành mạng lưới xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em

Chiều 24-11, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về bảo vệ trẻ em, nhằm tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo, triển khai hiệu quả các giải pháp bảo vệ và phòng, chống xâm hại trẻ em. 

Theo đó, hai đơn vị phối hợp thực hiện các chương trình tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em; nâng cao năng lực về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em cho đội ngũ nhân viên bưu điện, bưu tá, nhất là ở cấp xã; vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em trên cơ sở khai thác thế mạnh của hệ thống mạng lưới bưu điện trên toàn quốc...  Hơn nữa, thông qua mạng lưới trải rộng đến tận cấp xã, phường cùng hàng nghìn phương tiện vận chuyển của Bưu điện Việt Nam, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) sẽ được quảng bá, tuyên truyền đến từng người dân trên toàn quốc...