Ngăn chặn thực phẩm bẩn

Thời gian qua, trên cả nước, liên tục phát hiện các vụ vi phạm quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Ðáng lo ngại là tình trạng nhiều đối tượng vì lợi nhuận đã cố tình tìm cách tuồn thực phẩm "bẩn" ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu tiêu hủy tôm giống không qua kiểm dịch. Ảnh: VĂN ÐỨC
Lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu tiêu hủy tôm giống không qua kiểm dịch. Ảnh: VĂN ÐỨC

Rạng sáng 21-6, lực lượng liên ngành của tỉnh Bạc Liêu gồm: Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Công an tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển tôm giống từ các tỉnh miền trung đưa vào địa bàn tiêu thụ. Trên quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Ðoàn kiểm tra phát hiện hai xe tải mang BKS tỉnh Ninh Thuận chở tôm giống chưa qua kiểm dịch, lái xe và người áp tải hàng không xuất trình được giấy tờ liên quan. Ðoàn lập biên bản vi phạm hành chính thu giữ hơn 570 nghìn con tôm sú và thẻ chân trắng, và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số tôm giống này.

Tại Cà Mau, gần đây, UBND tỉnh đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Thành Sự (35 tuổi, ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) với số tiền 70 triệu đồng, do thu gom, vận chuyển 627 kg tôm sú nguyên liệu có chứa tạp chất Agar. Trước đó, ngày 16-6, Tổ tuần tra của Ðồn Biên phòng Bắc Sơn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) đã phát hiện, thu giữ số thực phẩm lớn không rõ nguồn gốc tại thôn Thán Phún (xã Bắc Sơn, TP Móng Cái). Khi thấy lực lượng biên phòng, các đối tượng bỏ chạy, để lại nhiều thùng xốp chứa thịt vịt thành phẩm và nầm lợn đông lạnh với trọng lượng khoảng 1,5 tấn; nhiều hộp đã rã đông, bốc mùi hôi thối. Số thực phẩm nêu trên đã bị tiêu hủy. Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp Cục Quản lý thị trường kiểm tra một kho lạnh ở quận Bắc Từ Liêm, phát hiện hơn sáu tấn thực phẩm, gồm nhiều chủng loại (chân gà, tim, nầm, dạ dày lợn…) do chủ cơ sở nhập lậu từ nước ngoài về, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, bảo quản trong tình trạng rất mất vệ sinh. Nghiêm trọng hơn, mới đây, chiều 13-6, Công an huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, đã bắt quả tang một vụ bơm nước vào lợn trên địa bàn. Theo đó, nhận được tin báo của nhân dân về việc tại kho chứa lợn của ông Trần Văn Tư (SN 1978, ngụ ấp 1, xã Kế An) có nhiều biểu hiện nghi vấn. Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện Nguyễn Thành Luân (SN 1988, giúp việc của ông Tư) đang bơm nước vào bụng 25 con lợn để tăng trọng lượng trước khi bán cho các "lò mổ". Công an lập biên bản tạm giữ tang vật gồm các dụng cụ để bơm nước vào lợn và xử lý theo quy định của pháp luật. Tại Ðồng Nai, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh đã bắt quả tang gia đình ông Vũ Ðức Nhiệm đang mổ bảy con lợn chết (tổng trọng lượng khoảng 500 kg), xẻ thịt để bán. Ông Nhiệm khai, thu mua số lợn chết này từ các trang trại nuôi lợn với giá 50.000 đồng/con rồi mang về mổ thịt bán lại cho công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về VSATTP đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo và có một số chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, cần sớm được chấn chỉnh, nhất là trong hoạt động: giết mổ gia súc, gia cầm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất thực phẩm… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Ðó là ở nhiều nơi việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về VSATTP chưa đầy đủ, nghiêm túc. Một số địa phương vẫn còn lơ là, buông lỏng công tác này. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh rau, quả và thủy sản vẫn còn. Bộ máy làm công tác quản lý, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản ở các địa phương biến động. Số lượng chợ đầu mối chưa đáp ứng yêu cầu, cho nên việc buôn bán sản phẩm động vật tại các chợ "cóc", chợ tạm vẫn diễn ra thường xuyên, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, VSATTP. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vì hám lợi đã cố ý "phù phép" thực phẩm bẩn, thực phẩm dịch bệnh... để lừa bán cho người tiêu dùng.

Để ngăn chặn kịp thời tình trạng này, theo ý kiến nhiều chuyên gia, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu để có chế tài xử lý nghiêm hơn, mạnh tay hơn đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng về ATTP. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục triển khai tổ chức sản xuất theo hướng tập trung bảo đảm ATTP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng phát triển sản phẩm hữu cơ và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ATTP tại địa bàn; phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm VSATTP; thực hiện tốt các chương trình phối hợp, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, giám sát bảo đảm ATTP, trọng điểm là các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm, nhất là ở các đô thị lớn. Bên cạnh đó cần triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, nhất là nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất, kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ, quản lý chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, chủ động xử lý các sự cố mất VSATTP; kịp thời cung cấp thông tin chính xác cho người dân... Các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành những cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ chất lượng những mặt hàng trong danh mục cho phép. Nếu mỗi đơn vị được giao trách nhiệm nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, áp dụng các hình thức xử phạt mạnh hơn, nghiêm hơn đối với các đối tượng xấu muốn trục lợi thì mới có thể đẩy lùi được vấn nạn thực phẩm "bẩn".