Ngăn chặn nạn xâm hại tình dục trẻ em

Nhìn lại từ thực tiễn nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) đau lòng, gây bức xúc nhiều năm gần đây, các đại biểu Quốc hội, đại diện các địa phương, bộ, ngành, cơ quan hữu quan sau kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV trên nhiều diễn đàn thảo luận tiếp tục yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành chức năng cần có giải pháp hữu hiệu và quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống XHTDTE.

Tại hội thảo chuyên đề mới đây, đại diện lãnh đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra con số thống kê: Chỉ từ năm 2015 đến ngày 30-6-2019, toàn quốc phát hiện 8.091 trẻ em bị xâm hại (chưa kể số trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị bóc lột thông qua lao động trẻ em). Trong số này có hơn 6.400 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 79,4% tổng số trẻ em bị xâm hại. Như vậy, cứ mỗi ngày có hơn 17 trẻ em bị xâm hại tình dục.

Rõ ràng, mặc dù phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, phòng, chống XHTDTE nói riêng được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm, thực hiện, nhưng tình hình xâm hại trẻ em, XHTDTE vẫn diễn biến phức tạp, trong đó nhiều vụ việc nổi cộm. Thực trạng này đòi hỏi cần có sự phân tích thấu đáo, từ đó tìm các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và phòng, chống. Qua kết quả nghiên cứu, khảo sát từ các bộ, ngành, địa phương cho thấy, đối tượng XHTDTE diễn ra trong môi trường gia đình; trong môi trường nhà trường, môi trường mạng xã hội. Các bậc phụ huynh cần định hướng, chỉ giúp cho con em biết cách khai thác và sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh, biết những giới hạn giao tiếp, thông tin để phòng tránh. Bằng các phương pháp giáo dục phù hợp, dễ tiếp thu, các em nhỏ sẽ chủ động hơn khi xử lý tình huống. Trong một số trường hợp đặc biệt biết vượt lên chính mình, dũng cảm “nói lên tiếng nói của mình” khi không may trở thành nạn nhân quấy rối, xâm hại. Các em biết có thể gọi điện thoại đến tổng đài 111 (kênh miễn phí, hoạt động 24 giờ hằng ngày) để được hỗ trợ tư vấn…

Thời gian qua, các cơ quan chức năng trong điều tra, truy tố, xét xử có nhiều cố gắng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao và giải quyết được nhiều vụ việc, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của người dân. Các đại biểu đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế, vì thế yêu cầu đặt ra cần phải quyết liệt đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi xâm hại trẻ em. Qua thảo luận, các đại biểu đặc biệt quan tâm vấn đề về quy trình giải quyết các vụ án XHTDTE, bảo đảm quyền lợi cho trẻ, việc thực thi các quy định của pháp luật, tăng cường sự phối hợp, thống nhất của các cơ quan tư pháp trong quá trình tố tụng. Bên cạnh đó, công tác giám định tư pháp và trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong vụ án xâm hại trẻ em cũng cần được điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp…

Theo kết quả khảo sát, từ năm 2010 đến 2018, lực lượng cảnh sát hình sự cả nước phát hiện, điều tra xử lý 319 trong số 337 đối tượng XHTDTE lợi dụng thủ đoạn sử dụng mạng xã hội để gây án. Trong đó có 33 đối tượng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài phạm tội. Nhiều ý kiến kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện quy trình tố tụng hình sự đối với các vụ án xâm hại trẻ em; cần quy định về quy trình giám định đặc biệt đối với các vụ án xâm hại trẻ em. Trong quá trình giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Hiện nay, các quy định pháp luật cũng như hướng dẫn nghiệp vụ các cơ quan hữu quan đều có quy định cụ thể. Điều quan trọng nhất trong giải quyết các vụ việc, cần nâng cao hơn nữa trình độ, kỹ năng chuyên nghiệp và kinh nghiệm của cán bộ trực tiếp giải quyết những vụ việc cụ thể thuộc lĩnh vực này, trong xử lý và tiếp cận với trẻ em là nạn nhân bị xâm hại.

Các chuyên gia pháp luật cho rằng, việc tuyên truyền rộng rãi những quy định, mức hình phạt thật nghiêm khắc của pháp luật (nhất là trong Bộ luật Hình sự) cần được tăng cường, không chỉ đối với người phạm tội, mà thông qua việc tuyên truyền giúp những công dân khác trong xã hội nhận thức, tự giác tuân thủ pháp luật. Tinh thần là pháp luật được áp dụng công minh, kịp thời, người phạm tội XHTDTE chắc chắn bị trừng trị nghiêm khắc. Đại diện đơn vị chuyên ngành của Bộ Công an đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin cho trẻ em và các bậc phụ huynh có ý thức, kỹ năng phòng ngừa. Nhiều đại biểu đề nghị các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp mạng phải có cơ chế phối hợp thường xuyên, hiệu quả nhằm kiểm soát, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn bắt giữ các đối tượng, băng nhóm lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi phạm tội xâm hại trẻ em.

Giải pháp nữa được đưa ra là các cấp, ngành, địa phương cần thiết lập chế độ thông tin báo cáo, thống kê chính thức tình hình, số liệu các vụ XHTDTE trên môi trường mạng; đề xuất các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh đạt kết quả cao trong thời gian tới.