Ngăn chặn hình thành điểm nóng trên không gian mạng

Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống in-tơ-nét và mạng xã hội, hầu hết người dân đã có điều kiện tiếp cận với không gian mạng tràn ngập thông tin và hình ảnh được cập nhật liên tục. Bên cạnh những mặt tích cực, không gian mạng hiện nay còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về những thông tin giả mạo, trái chiều, thất thiệt từ những tên tội phạm, thế lực thù địch, những phần tử cơ hội… Ðáng chú ý, một bộ phận người dân do thiếu hiểu biết, cả tin cho nên vẫn còn nhầm lẫn, chưa phân biệt được đúng, sai khi tiếp nhận các thông tin xấu độc này. Ðánh giá mức độ nguy hiểm của tội phạm trên không gian mạng, Bộ Công an và công an các địa phương đã triển khai nhiều kế hoạch rà soát, phát hiện sớm để xử lý những điểm nóng trên không gian mạng, không để tình hình diễn biến phức tạp.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh xác định, tình hình an ninh chính trị nội bộ, tư tưởng cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh cơ bản ổn định, chưa phát hiện các khuynh hướng chính trị cực đoan, công khai chống đối, song vẫn còn tiềm ẩn vấn đề phức tạp như: Công tác giải quyết tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng, việc thực hiện chế độ chính sách tại một số nơi còn chưa kịp thời, chưa thỏa đáng dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài; tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ còn diễn ra ở một số cơ quan, địa phương; cán bộ, đảng viên, công chức sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ… Thông qua không gian mạng, một số đối tượng xấu lợi dụng để phát tán tài liệu có nội dung xấu, hạ uy tín lãnh đạo và các cơ quan nhà nước; lợi dụng các vấn đề nóng đang được đông đảo nhân dân quan tâm để xuyên tạc, làm sai lệch bản chất hòng lôi kéo, dụ dỗ, hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực. Trong năm 2020, đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh rà soát trên không gian mạng, lập danh sách, thống kê 168 hội nhóm trên mạng xã hội thường xuyên đưa tin nhạy cảm về chính trị, phức tạp về an ninh trật tự; 19 trang mạng của các tổ chức xã hội dân sự đối lập; 89 diễn đàn, hội nhóm đông thành viên có liên quan đến Quảng Ninh. Công an tỉnh phát hiện 19 cá nhân có địa chỉ tại Quảng Ninh thường xuyên hoạt động đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết có nội dung xấu trên không gian mạng, từ đó kịp thời triển khai công tác xác minh, ngăn chặn các hoạt động phức tạp; thống kê tổng số 125 trường hợp địa chỉ tại Quảng Ninh có biểu hiện bất mãn, tiêu cực, thường xuyên tham gia bình luận, chia sẻ các bài viết có nội dung trái chiều, tham gia các nhóm, diễn đàn mạng xã hội phức tạp, phản động. Xử lý vi phạm hành chính đối với 30 trường hợp, phạt tổng số 228,25 triệu đồng về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên không gian mạng; có biện pháp giáo dục, răn đe, nhắc nhở, buộc gỡ bỏ và cải chính thông tin đối với 52 trường hợp.

Cùng với công tác đấu tranh, xử lý, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng phối hợp ngành giáo dục làm tốt công tác tuyên truyền cho nhóm thanh, thiếu niên, vì đây là nhóm tuổi tiếp cận với không gian mạng thường xuyên, liên tục. Ðiển hình như Công an TP Móng Cái tổ chức ngoại khóa tuyên truyền Luật An ninh mạng và phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng cho hơn 700 em học sinh và cán bộ, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Tại buổi tuyên truyền, Công an thành phố đã thông tin về loại tội phạm lợi dụng in-tơ-nét và các trang mạng xã hội để phát tán các tin, bài, hình ảnh, đoạn phim có nội dung chống phá Ðảng, Nhà nước, kích động biểu tình, kích động phân biệt dân tộc, tôn giáo... tạo ra tâm lý hoang mang, nghi ngờ, bất mãn trong nhân dân; thu thập hình ảnh, đoạn phim riêng tư, nhạy cảm và tung các tin, bài, đoạn phim thuộc về quyền riêng tư của cá nhân người khác khi chưa được người đó cho phép hoặc dùng những tin, bài, đoạn phim đó nhằm bịa đặt thông tin sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và nhân phẩm của người khác. Thông qua in-tơ-nét, ứng dụng tin nhắn của Facebook, giả danh các cơ quan nhà nước, nhân viên bán hàng; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua in-tơ-nét, kinh doanh đa cấp; tung các hình ảnh, bài viết, đoạn phim có nội dung bạo lực, gây kích động, nhạy cảm, không phù hợp lứa tuổi, gây nguy hại chèn vào các kênh YouTube, trang web của trẻ em, học sinh, sinh viên nhằm truyền bá tư tưởng văn hóa không tốt. Ðồng thời, nêu ra một số biện pháp phòng ngừa để các em học sinh chủ động phòng tránh loại tội phạm này, cụ thể như: Giữ bí mật thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên in-tơ-nét, không chia sẻ, bình luận những thông tin về lịch sử, chính trị của đất nước không đúng sự thật, cần phải tỉnh táo trước các thông tin bịa đặt sai sự thật. Mọi thông tin liên quan tội phạm đề nghị kịp thời thông báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để được xử lý.