Nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật, bảo đảm an toàn giao thông

Ngày 9-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2021 với các địa phương và cơ quan liên quan.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, quý I vừa qua (từ ngày 15-12-2020 đến 14-3-2021), cả nước xảy ra hơn 3.200 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết hơn 1.670 người, bị thương gần 2.400 người. So cùng kỳ năm 2020, TNGT giảm 263 vụ, tăng 33 người chết, giảm 183 người bị thương. Có 30 địa phương số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2020; tuy nhiên, vẫn còn 30 địa phương số người chết tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó, 16 tỉnh tăng hơn 30%. Cũng trong quý I vừa qua, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phê bình 30 tỉnh có số người chết do TNGT tăng so với quý I-2020, đặc biệt là năm tỉnh có số người chết tăng hơn 70% gồm Lâm Ðồng, Hà Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang và Quảng Bình. Chủ tịch UBND các tỉnh có TNGT tăng cao phải chỉ đạo sâu sát và quyết liệt hơn đối với công tác bảo đảm ATGT trong quý II và cả năm 2021. Việc bảo đảm trật tự ATGT vẫn còn một số hạn chế, chưa khắc phục triệt để. Ðiều đáng lo ngại nhất là số người chết do TNGT trong ba tháng vừa qua tăng 2% so cùng kỳ năm 2020; riêng tháng 2, TNGT tăng cả ba tiêu chí, số người chết tăng tới 88 người (gần 16,5%) so tháng 2-2020. Trong tháng 3, tuy trật tự ATGT có cải thiện nhưng lại xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan xe khách, xe tải, điển hình là vụ TNGT tại Thanh Hóa ngày 22-3 làm bảy người chết.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra, làm rõ hiện tượng "bảo kê, chống lưng" cho xe quá tải hoành hành tại nhiều địa phương thời gian qua. Nhiều tuyến đường đầu tư rất lớn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn bị xe quá tải tàn phá đã xuống cấp trầm trọng, mặt đường hằn lún, TNGT từ đó cũng tăng lên. Ðêm 5-4 vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý hàng chục xe bồn chở quá tải hơn 50% ngay giữa Thủ đô Hà Nội. Dư luận cho rằng hiện tượng này đã xuất hiện từ lâu, thậm chí có cả những phương tiện dán lô-gô nhận diện riêng, nghi ngờ có đối tượng "bảo kê, chống lưng" cho xe quá tải hoạt động. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cần khẳng định hành vi chở quá tải trọng chính là phá hoại tài sản quốc gia, cần ngăn chặn triệt để. Bộ Công an cần chỉ đạo điều tra, xác minh và công khai kết quả xem có hiện tượng bảo kê, chống lưng cho xe quá tải hay không, xử lý thật nghiêm minh nếu phát hiện sai phạm. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng quy rõ trách nhiệm và tăng chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải và chủ phương tiện vi phạm (kể cả trường hợp chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự), đồng thời xử lý nghiêm lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma tuý, chở quá tải và các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT.

Về dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Ðông, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ GTVT sẽ xúc tiến bàn giao dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông cho Hà Nội, phấn đấu cuối tháng 4 này có thể vận hành thương mại. Phó Thủ tướng nhận định, ùn tắc tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng nhức nhối, các cơ quan, đơn vị cần xử lý triệt để vướng mắc ở dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Ðông để sớm đưa vào vận hành thương mại. Ngoài ra, đường vành đai 3 Hà Nội hiện tại cũng đã quá tải, cần tính toán xây dựng các tuyến vành đai khác, tạo không gian phát triển cho thành phố,…